Khát vọng mãnh liệt và quyết tâm vươn lên của dân tộc

Tại Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh về việc thực hiện Nghị quyết 57, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực chất lượng cao là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển đất nước, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị phát triển KH-CN, ĐMST, CĐS và nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị phát triển KH-CN, ĐMST, CĐS và nhân lực chất lượng cao.

Các cơ chế, chính sách mới có thể áp dụng ngay trong nửa đầu năm 2025

Thủ tướng nhấn mạnh: “Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, tất cả các ngành, các cấp, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc đồng bộ. Việc này cũng không dừng lại ở các cơ quan nhà nước, các đại học, viện nghiên cứu mà các doanh nghiệp cũng phải tiên phong, mọi người dân phải tham gia, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong quá trình này”.

Chương trình hành động của Chính phủ đã chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ với 142 nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương; vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào để KHCN, ĐMST, CĐS và nhân lực chất lượng cao thực sự là yếu tố đột phá, động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Thủ tướng cho biết đã giao các cơ quan khẩn trương xây dựng trình Quốc hội ngay tại kỳ họp bất thường sắp tới dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số chính sách mới khó khăn, vướng mắc cho phát triển KHCN, ĐMST, CĐS. Đồng thời trình Quốc hội dự án sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ tại Kỳ họp tháng 5. Tinh thần khẩn trương, “vừa chạy, vừa xếp hàng” để giải phóng tư duy, huy động mọi nguồn lực phát triển. Ví dụ các nhà khoa học được kinh doanh sản phẩm mà mình đã sáng tạo, nghiên cứu ra.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ: “Chúng ta có thể tăng trưởng tới 7% bằng các động lực truyền thống. Tăng thêm từ 7% tới 10%, phải tìm các động lực tăng trưởng mới. 3% tăng trưởng mới này chỉ có thể đến từ KHCN, ĐMST và CĐS. Nông nghiệp đã giúp Việt Nam thoát nghèo. FDI, công nghiệp đã giúp Việt Nam thành nước thu nhập trung bình cao. Để trở thành nước thu nhập cao thì phải dựa vào KHCN, ĐMST và CĐS. Bộ 3 KHCN, ĐMST và CĐS là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển KT-XH, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Để kích thích sự sáng tạo của nhà khoa học, kỹ sư thì nên cho họ hưởng một phần, từ 30 - 50% kết quả thương mại hóa. Nhà nước thì thu lợi từ thuế, công ăn việc làm khi kết quả nghiên cứu được thương mại hóa và tạo ra doanh thu, lợi nhuận.

Thực tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, từ trước đến nay, chúng ta quản cách làm, coi trọng hóa đơn chứng từ hơn là kết quả nghiên cứu. Bởi vậy, Nhà nước thu được rất nhiều hóa đơn chứng từ nhưng thu được ít kết quả nghiên cứu. Cơ chế này là do chúng ta, thay đổi chỉ là nhận thức và có thể làm rất nhanh, ngay trong nửa đầu 2025 này, bằng cách sửa Luật KHCN và các luật liên quan.

Cùng với đó, ông Hùng đề xuất, muốn phát triển KHCN, ĐMST và CĐS thì cần nhân lực chất lượng cao. Muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao của các trường đại học thì cần thu hút nghiên cứu, cần Nhà nước, các doanh nghiệp đặt hàng đại học nghiên cứu. Theo đó, Nhà nước cần có một chương trình lớn đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường đại học. 75.000 tỷ đồng của năm 2025 chi cho KHCN, ĐMST và CĐS thì nên dành 5.000 tỷ đồng (khoảng 7%) cho đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các đại học. Làm liên tục việc này trong 5 năm thì sẽ thay đổi căn bản hạ tầng nghiên cứu của các trường đại học. Hiện mỗi năm, chúng ta đầu tư cho các phòng thí nghiệm chưa được 500 tỷ đồng.

Muốn phát triển KHCN, ĐMST và CĐS thì các doanh nghiệp lớn phải đi đầu. Và muốn có doanh nghiệp lớn thì Nhà nước phải giao việc lớn cho họ. Doanh nghiệp sau khi đã thành công thì cần có việc lớn, thách thức lớn để tạo ra tự hào Việt Nam. Giao việc lớn, nếu họ chưa đủ nguồn lực thì họ sẽ thuê nước ngoài làm thuê cho họ, hơn là để nước ngoài thuê ta làm các dự án trong nước. “Nếu chúng ta không chinh phục thế giới thì thế giới sẽ đến đây chinh phục Việt Nam và cũng sẽ không còn doanh nghiệp Việt Nam nữa”.

Bộ TT&TT đã đề xuất với Chính phủ để trình Quốc hội thông qua một số chính sách đặc biệt, như cho phép chỉ định thầu và trình tự rút gọn các dự án CĐS; chỉ định thầu dự án cáp quang biển. Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng làm chủ các công nghệ chiến lược, các dự án CĐS lớn. Tăng ngân sách chi thường xuyên để thuê dịch vụ CNTT. Đầu tư trung tâm điện toán đám mây dùng riêng chính phủ để hỗ trợ các dự án CĐS của Bộ, ngành và địa phương. Xây dựng trung tâm tính toán AI hiệu năng cao phục vụ nghiên cứu công nghệ và phát triển ứng dụng AI. Hỗ trợ tới 30% tổng giá trị đầu tư nhà máy sản xuất bán dẫn đầu tiên tại Việt Nam. Hỗ trợ tới 15% giá trị đầu tư 5G nếu ngay trong năm 2025 này, các nhà mạng phủ sóng sâu rộng toàn quốc; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ số.

Phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm”

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 và Chính phủ ban hành Nghị quyết 43, thể hiện khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm vươn lên của dân tộc. Dưới góc độ an ninh quốc gia, việc phát triển khoa học công nghệ là tất yếu. Đây cũng là thời cơ thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng đó, những nguy cơ, thách thức về an ninh, an toàn được Bộ trưởng Lương Tam Quang đưa ra để có những giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh trong bài: VGP).

Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh trong bài: VGP).

Theo đó, thách thức từ sự phụ thuộc KHCN nước ngoài dẫn đến mất chủ quyền công nghệ do nghiên cứu ứng dụng, đổi mới KHCN của chúng ta chưa đến mức đột phá. Chúng ta chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi như bán dẫn, AI, big data, công nghệ lượng tử… Nguy cơ “chảy máu” chất xám, nguy cơ bị đánh cắp sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng.

Thứ nhất là hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế. Số vụ tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu nhằm vào các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam, tội phạm kinh tế, công nghệ cao đang ngày càng gia tăng. Thách thức này liên quan đến vấn đề đầu tư, nghiên cứu. Thách thức thứ ba là nhu cầu phát triển KHCN, ĐMST, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Có những cái chúng ta phải đặt hàng, phải chỉ định và chúng ta được quyền bảo hộ...

Theo đó, Bộ Công an kiến nghị, phải đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quốc gia gắn với bảo vệ dữ liệu và nâng cao năng lực an ninh mạng. Phát triển công nghiệp an ninh ứng dụng gắn chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp quốc gia. Trong đó công nghiệp an ninh mạng, dữ liệu lớn là trụ cột quan trọng của công nghiệp an ninh. Chúng ta phải tập trung nghiên cứu phát triển để làm chủ một số công nghệ lõi, công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng này. Nếu chúng ta muốn làm chủ thì không cách nào khác là phải đặt hàng và chính chúng ta phải tập trung nghiên cứu và nắm được công nghiệp an ninh ứng dụng gắn với công nghiệp quốc phòng và công nghiệp quốc gia.

Thứ hai, phải hoàn thiện chính sách quy định đảm bảo an ninh an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu và bảo hộ tài sản trí tuệ đối với công nghệ và sản phẩm công nghệ cao. Nghiên cứu làm chủ được rồi nhưng đưa vào thực tiễn để thực hiện rất khó. Chúng ta hiện nay đang đi mua, đấu thầu lựa chọn tất cả các thứ. Nếu chúng ta đặt hàng, nghiên cứu và có chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn, khuyến khích đổi mới sáng tạo, giúp các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào khoa học công nghệ.

Thứ ba là phải tạo được bước đột phá trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cần một nguồn nhân lực rất lớn và không ai khác là chúng ta phải tự mình đào tạo. Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh: “ Lực lượng công an theo chức năng, nhiệm vụ quan sát tình hình và từ kinh nghiệm quốc tế để tham mưu cho Chính phủ. Đồng thời chúng tôi sẽ hỗ trợ các nhà khoa học, các tập đoàn, các tổng công ty cùng đặt hàng nghiên cứu và phát triển công nghệ khoa học ứng dụng và sẽ có những biện pháp bảo vệ, bảo hộ với những sản phẩm này”...

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của KHCN, ĐMST, CĐS và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với tăng trưởng cao và bền vững. Điều này phải ngấm sâu vào tư tưởng, lời nói, hành động của từng cấp, từng ngành, từng người dân Việt Nam. Lấy thành quả đã đạt được, người dân được thụ hưởng, đặc biệt là về cơ sở dữ liệu, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, quang điện tử.

“Các Bộ, ngành, địa phương, các cấp, viện, trường, nhà khoa học cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi chủ thể, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của đất nước lên trên hết, trước hết, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, cạnh tranh lành mạnh và hợp tác hiệu quả; coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán, quyết liệt trong tổ chức hành động. Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào ra việc đó. Phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm”. Ai làm tốt phải khen thưởng, khuyến khích, ai làm không tốt phải đứng sang một bên”...

Cùng đó phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam trên toàn cầu để thu hút chất xám, công nghệ, nguồn nhân lực ở khắp thế giới trên mọi lĩnh vực. Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tiếp tục đóng góp cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Hòa Lạc, Hà Nội...

Nguyệt Thương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/khat-vong-manh-liet-va-quyet-tam-vuon-len-cua-dan-toc-post539874.html
Zalo