Bịn rịn Tết quê
Tôi sinh ra ở làng, một ngôi làng thuần nông vùng đồng bằng Bắc Bộ bộn bề gian khổ thời bao cấp. Dù là con nhà công chức, nhưng việc gì của nhà nông tôi cũng thạo, hệt như con nhà nông chân lấm tay bùn. Và thế, hẳn nhiên cũng như bao đứa trẻ khác trong làng, tôi cũng hít hà, cảm nhận đủ đầy các cung bậc cảm xúc đậm đặc làng quê từ thuở lũy tre, cầu ao, con sông, bến nước, ruộng đồng, ao hồ còn hết sức tự nhiên chứ không hiện đại hóa như bây giờ. Thế nên, Tết đến bao giờ cũng chộn rộn, háo hức, hy vọng.
Những ngày sắp Tết, là ngày đêm ước mong, trông ngóng. Vẫn 24 giờ thôi, nhưng thời gian sao mà dài thế, lê thê, nhúc nhích như không muốn trôi đi. Nào là vội vội vàng vàng giải quyết công việc nhà cửa, đồng áng để lo Tết, với các đầu việc phù hợp với lứa tuổi mỗi thành viên trong gia đình. Nào là quét dọn nhà cửa, thậm chí quét vôi lại tường nhà cho mới; nào là định mua sắm những loại thực phẩm, hoa quả, rau cỏ, thịt thà gì. Rồi chuyện “đụng lợn”, chuyện để dành những luống, vạt rau mùi cho ra hoa, đậu quả để đun nước tắm cho tẩy trôi những thứ vận hạn đen đủi năm cũ. Rồi toan toan tính tính sẽ mua quần áo gì, giầy dép ra sao... Nhưng vui nhất, háo hức nhất có lẽ vẫn là tiết mục gói bánh chưng, nấu bánh cả đêm trông chờ trời sáng, để được vớt rồi hít hà, thụ hưởng những chiếc bánh nhỏ xíu được gói bởi gạo thừa, lá dong thừa...
Lạ lùng thay, những công việc thường ngày nhiều khi uể oải, miễn cưỡng làm, thậm chí viện nhiều lý do không chính đáng cốt để trốn tránh. Ấy vậy mà vào độ chộn rộn Tết, ai cũng không nề hà bất cứ việc gì, không thấy mệt mỏi, than phiền, kêu ca gì cả. Mọi việc đều cố gắng hết sức chỉ để muốn nhanh chóng, xong xuôi, dành thời gian cho sự háo hức chờ Tết. Bởi Tết sang, là áo quần xúng xính, là ăn uống đủ đầy, thịt thà dư dả, là được đi chơi không lo lắng, bận tâm gì đến học hành, công việc, kể cả việc nhà ngày thường vẫn đảm nhiệm. Tết sao mà diệu kỳ đến thế, sung sướng xiết bao...
Tôi xa quê kể từ hồi vào đại học, cũng đã hơn 30 năm có lẻ. Xa thôi, chứ vẫn về quê thường xuyên. Chỉ một tháng không về là cồn cào nỗi nhớ. Là day dứt không yên. Mỗi lần về, thi thoảng mẹ tôi lại nhắc lại câu chuyện một phiên chợ sắp Tết năm nào đó, hồi tôi còn nhỏ. Lần nào nhắc lại cũng bịn rịn nhớ thương, thậm chí rơm rớm nước mắt. Chuyện là năm nào chị em tôi cũng xin mẹ tiền mua ngan, vịt, ngỗng nhỏ xíu để nuôi, nhằm cải thiện kinh tế gia đình, những mong có tiền tiêu Tết, đỡ đần bố mẹ được chừng nào hay chừng ấy. Ngỗng thì ăn cỏ, mà cỏ hồi xưa thì nhiều, khắp các cánh đồng, bờ sông, bờ ao. Cỏ mọc tự nhiên chứ không phun thuốc trừ sâu gì cả, nên ngỗng hay trâu, bò ăn vào không lo. Vịt và ngan thì đã sẵn rất nhiều ao, hồ, sông, suối, kênh, mương lắm cua, tôm, cá, ốc. Thả sức mà lặn ngụp, mò mẫm, không tốn tiền thức ăn. Giống gia cầm nào cũng thật dễ chăn thả, chỉ tốn công trông nom. Áp Tết năm đó, đàn ngan của tôi đủ tuổi bán. Tôi và chị gái thứ hai khệ nệ bắt nhốt, gánh gồng xuống phiên chợ Tết ở xã bên cạnh đông nghịt người chen lấn, rồng rắn. Giữa buổi, bỗng một con ngan trong bu quay đơ, chả hiểu bị làm sao. Không thể để con ngan đó cùng những con ngan mạnh khỏe, tôi cuộn nó vào tấm bao tải và lủi thủi ôm về. Trên con đê ngang đường về, bất chợt gặp mẹ đi chợ sắm Tết. Biết chuyện, mẹ động viên “thôi cả nhà được bữa cải thiện, ăn Tết sớm”, nhưng thương con mếu máo tiếc của nước mắt ngắn dài.
Những câu chuyện kể mãi đó mỗi lần thêm nhắc nhớ về một thời gian khó đã xa, là bịn rịn Tết quê năm nào cũng vậy, đong đầy nghĩa tình gia đình, làng xóm, quê hương. Đói kém, khó khăn đã lùi xa. Những cái Tết chật vật lo toan, co kéo, đắn đo mua gì, mua bao nhiêu... mà vừa đủ tiền, vừa đủ ăn Tết giờ không còn nữa. Giờ không còn là ăn Tết nữa mà là chơi Tết. Nhưng kể từ những ngày mới xa quê lập nghiệp, năm nào gia đình tôi cũng về ăn Tết quê. Để níu giữ, vun đắp những bịn rịn nghĩa tình, máu mủ ruột thịt, làng quê dấu yêu... - những điều giản dị không tiền nào có thể bán mua, không vật chất nào có thể đánh đổi.