Điều trị hội chứng Felty bằng cách nào?
Hội chứng Felty là một biến chứng của viêm khớp dạng thấp lâu dài. Đây là một hội chứng hiếm gặp, nhưng có thể gây nên các biến chứng nhiễm trùng tái đi tái lại. Điều trị bệnh trước tiên cần kiểm soát tốt viêm khớp dạng thấp...
1. Ai có nguy cơ mắc hội chứng Felty?
NỘI DUNG::
1. Ai có nguy cơ mắc hội chứng Felty?
2. Các biện pháp điều trị Hội chứng Felty
2.1 Điều trị không dùng thuốc
2.2 Điều trị nội khoa
2.3 Phẫu thuật cắt lách
3. Lưu ý khi điều trị hội chứng Felty
Hội chứng Felty là một bệnh lý hiếm gặp, đến nay vẫn chưa biết rõ nguyên nhân, nhưng đây là bệnh được cho là do tiến triển từ viêm khớp dạng thấp lâu dài. Do đó những người mắc viêm khớp dạng thấp trong thời gian dài có nguy cơ cao mắc bệnh này hơn. Hội chứng này còn gặp ở phụ nữ trong khoảng 50 và 60 tuổi, được được xác định bởi 3 yếu tố liên quan như:
Viêm khớp dạng thấp.
Giảm số lượng bạch cầu bất thường.
Lách to...
Khi mắc hội chứng Felty, bệnh nhân thường có các triệu chứng:
Khó chịu toàn thân, người mệt mỏi.
Ăn uống mất cảm giác ngon miệng, giảm cân không chủ ý, da xanh, tái nhợt.
Các khớp bị sưng tấy, đau cứng khớp và biến dạng.
Bạch cầu trong máu ngoại vi giảm làm giảm sức đề kháng của người bệnh... do đó khiến các bệnh nhiễm trùng tái phát, nhất là nhiễm trùng da và nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng như mắt nóng rát hoặc chảy dịch.
Để xác định có mắc hội chứng Felty hay không, bác sĩ chuyên khoa cần kết hợp khám lâm sàng cùng với thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh mới có thể đưa ra chẩn đoán.
2. Các biện pháp điều trị Hội chứng Felty
Người bệnh cần thực hiện điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để điều trị đạt kết quả tốt. Nguyên tắc điều trị Hội chứng Felty cần đạt mục tiêu:
Kiểm soát viêm khớp dạng thấp.
Cải thiện số lượng bạch cầu trung tính.
Phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng.
Giảm kích thước lách (nếu lách to).
Điều trị triệu chứng và duy trì chất lượng sống cho bệnh nhân.
Theo đó, các bước điều trị gồm:
2.1 Điều trị không dùng thuốc
- Nghỉ ngơi: Bệnh nhân cần cân bằng giữa hoạt động, làm việc và nghỉ ngơi. Trường hợp cần thiết có thể phải sử dụng dụng cụ hỗ trợ như nẹp cổ tay, gậy đi bộ...
- Vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu: Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn thực hiện bài tập tăng cường sức mạnh và tầm vận động khớp.
- Chế độ ăn: Thực hiện nghiêm túc chế độ ăn cân bằng, giàu protein, vitamin; tăng cường thực phẩm giàu folate, vitamin B12, sắt; hạn chế thực phẩm gây viêm như đường tinh luyện, chất béo bão hòa...
- Ngừng hút thuốc lá.
2.2 Điều trị nội khoa
Trước hết cần kiểm soát tốt bệnh viêm khớp dạng thấp. Các loại thuốc có thể được chỉ định như glucocorticoid, hydroxychloroquine, thuốc ức chế miễn dịch, kháng sinh... Nếu người bệnh đã kiểm soát tốt viêm khớp dạng thấp, tùy từng trường hợp sẽ có phương pháp điều trị hội chứng Felty phù hợp.
Một số phương pháp điều trị làm giảm triệu chứng bệnh như:
- Sử dụng các thuốc điều trị ngăn sự tiến triển của bệnh hoặc sử dụng các thuốc liên quan tới hệ thống miễn dịch. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần được kiểm tra thường xuyên để tránh tác dụng phụ của thuốc.
+ Thuốc làm chậm tiến triển bệnh như methotrexate dùng liều thấp thường được sử dụng để ngăn chặn Felty trở nên nặng hơn.
Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn và loét miệng. Ngoài ra, thuốc cũng gây ảnh hưởng đến chức năng gan, do đó cần làm các xét nghiệm công thức máu, chức năng gan mỗi 4-8 tuần để. Nên bổ sung acid folic trong khi dùng thuốc này.
+ Thuốc ức chế hệ miễn dịch như thuốc sinh học rituximab có thể ức chế một phần của hệ thống miễn dịch hoạt động không mong muốn. Sử dụng thuốc qua truyền tĩnh mạch, nhưng phải vài tuần sau mới có hiệu quả.
- Thuốc kích thích tạo bạch cầunhư filgrastim được chỉ định nếu bệnh nhân có giảm bạch cầu nặng hoặc có nhiễm trùng. Thời gian sử dụng thuốc ngắn hạn, cho đến khi số lượng bạch cầu trung tính đạt trên 1000microlit.
- Điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh phổ rộng khi có dấu hiệu nhiễm trùng. Lựa chọn kháng sinh dựa trên vị trí nhiễm trùng và kháng sinh đồ. Ở bệnh nhân có giảm bạch cầu nặng tái phát, bác sĩ sẽ cân nhắc cho dùng kháng sinh dự phòng.
2.3 Phẫu thuật cắt lách
Một số trường hợp khi điều trị nội khoa không hiệu quả, cần thực hiện phẫu thuật cắt lách. Cắt lách giúp cải thiện việc phá hủy tế bào máu, từ đó cải thiện số lượng tế bào máu trong cơ thể.
3. Lưu ý khi điều trị hội chứng Felty
- Hiện nay có nhiều nhóm thuốc điều trị có tác dụng làm chậm quá trình tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, người bệnh cần được bác sĩ điều trị theo dõi trong suốt quá trình dùng thuốc.
- Trong quá trình điều trị, người bệnh có thể điều trị tại bệnh viện hoặc điều trị tại nhà tùy theo tình trạng bệnh, nhưng cần thực hiện chế độ ăn, nghỉ ngơi và hoạt động theo lời khuyên của bác sĩ.
- Người bệnh cần đi kiểm tra định kỳ để kiểm tra đáp ứng điều trị cũng như các tác dụng phụ của thuốc để được điều chỉnh thuốc cũng như phương pháp điều trị (khi cần thiết).