Ai có nguy cơ mắc viêm phổi?
Các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm phổi bao gồm người có hệ miễn dịch yếu, người lớn tuổi, mắc bệnh phổi mạn tính hoặc thường xuyên hút thuốc, tiếp xúc với ô nhiễm không khí.
Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng phổi gây viêm các túi khí (phế nang) ở một hoặc cả hai phổi. Khi các túi khí này chứa đầy dịch hoặc mủ, việc thở trở nên khó khăn và có thể dẫn đến nhiều triệu chứng khác nhau, từ trung bình đến nghiêm trọng.
Theo Health Shots, viêm phổi là do nhiều tác nhân truyền nhiễm gây ra và được phân loại theo các sinh vật gây ra bệnh nhiễm trùng. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học Phân tử Quốc tế đã liệt kê các nguyên nhân và loại viêm phổi phổ biến nhất bao gồm:
- Viêm phổi do vi khuẩn, biến thể phổ biến nhất của bệnh nhiễm trùng, là do Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae loại b (Hib) và Klebsiella pneumoniae gây ra.
- Viêm phổi do virus là do virus cúm gây ra. Bệnh này thường gặp ở người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu. Virus hợp bào hô hấp (RSV) cũng là nguyên nhân gây nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Viêm phổi do nấm là bệnh do nấm như Pneumocystis jirovecii gây ra ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn người mắc HIV/AIDS.
- Mycoplasma pneumoniae là những sinh vật giống vi khuẩn cũng gây ra bệnh viêm phổi. Tuy nhiên, nó có triệu chứng nhẹ hơn so với các loại khác.
Một số yếu tố nguy cơ nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi, bao gồm:
Người lớn tuổi và trẻ nhỏ
Người có hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn người mắc HIV/AIDS hoặc đang điều trị hóa chất
Người mắc bệnh phổi mạn tính, như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc xơ nang
Hút thuốc
Tiếp xúc với ô nhiễm không khí, bụi hoặc các chất gây ô nhiễm khác.
Triệu chứng của bệnh viêm phổi
Sau đây là một số triệu chứng phổ biến được tìm thấy trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ
Đây thường là tình trạng ho dai dẳng có thể tạo ra đờm (chất nhầy)
Khó thở, đặc biệt là khi gắng sức
Đau ngực dữ dội, đặc biệt khi ho hoặc hít thở sâu
Cảm thấy mệt mỏi và yếu.
Cách giữ cho phổi khỏe mạnh
Dưới đây là một số cách tự nhiên dễ dàng để giữ cho phổi luôn khỏe mạnh:
Thực hành các bài tập thở sâu
Các phương pháp này tăng cường dung tích phổi, sức mạnh cơ hô hấp và lượng oxy hấp thụ. Nó cũng giúp loại bỏ không khí cũ ra khỏi đường hô hấp và thúc đẩy quá trình trao đổi oxy và carbon dioxide hiệu quả hơn.
Giữ đủ nước
Giữ cho cơ thể đủ nước là điều cần thiết để duy trì sức khỏe phổi tốt. Mất nước có thể gây ra chất nhầy đặc, dính, khiến phổi khó tự làm sạch và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Hoạt động thể chất thường xuyên
Hoạt động thể chất thường xuyên giúp tăng cường các cơ hô hấp, như cơ hoành và cơ liên sườn, rất cần thiết cho quá trình thở. Khi các cơ này khỏe hơn, chúng sẽ cải thiện chức năng phổi, mở rộng khả năng thở và tăng lượng oxy hấp thụ.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc chứa các chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Chúng giúp chống lại stress oxy hóa, giảm viêm và bảo vệ mô phổi khỏi bị tổn hại.
Kiểm soát chất lượng không khí trong nhà
Mạt bụi, lông thú cưng, bào tử nấm mốc và khói hóa chất từ các sản phẩm tẩy rửa có thể gây kích ứng phổi, gây dị ứng và làm trầm trọng thêm các vấn đề về hô hấp. Sử dụng máy lọc không khí, vệ sinh nhà cửa thường xuyên và tránh sử dụng các sản phẩm tẩy rửa có chứa hóa chất.
Ngủ đủ giấc
Trong khi ngủ, cơ thể tự sửa chữa và trẻ hóa, bao gồm cả việc chữa lành các mô phổi. Ngủ đủ giấc cho phép phổi được thư giãn và phục hồi sau những áp lực trong ngày. Nó cũng giúp kiểm soát hệ thống miễn dịch, chống lại các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.