Biểu diễn nghệ thuật hút khách du lịch
Từng gửi gắm nhiều kỳ vọng, từng có một thời gian khá dài loay hoay xoay trở nhưng đạt mục đích mong muốn, việc phát huy nghệ thuật biểu diễn, nhất là trong phát huy nghệ thuật truyền thống để thu hút khách du lịch đang dần có những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Dù rằng, có thể, hành trình đến đích không hẳn dễ dàng.
Đa dạng cả về kịch mục và quy mô
Ngay những ngày cuối cùng của năm 2024, người yêu nghệ thuật xiếc có một niềm vui bất ngờ khi Hà Nội có thêm một địa điểm biểu diễn mới - sân khấu vuông, ngay cạnh sân khấu tròn (Rạp xiếc Trung ương) của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Cuộc ra mắt khá tưng bừng. Chương trình khai màn vẫn là những kịch mục cũ, những tuyệt kỹ, trò diễn cũ của các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhưng được “thay áo” mới, lộng lẫy, hiện đại, hấp dẫn hơn rất nhiều.
Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - NSND Tống Toàn Thắng tiết lộ, sân khấu này chỉ có 300 chỗ ngồi, thuộc diện nhỏ, xinh nhưng hiện đại, đa năng, được thiết kế để đáp ứng cho xiếc và tất cả các loại hình nghệ thuật vào biểu diễn, kể cả điều khiển thành dạng sân khấu hình chữ T để biểu diễn thời trang.
![Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long lung linh với chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ Trấn”.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_99_51446554/cbb90dab39e5d0bb89f4.jpg)
Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long lung linh với chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ Trấn”.
Đây cũng là nơi phù hợp để tổ chức các chương trình nho nhỏ nhưng cần có không gian nghệ thuật, cơ sở vật chất phù hợp nhưng không có kinh phí quá lớn như các chương trình tọa đàm, ra mắt sản phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ. Hiện tại, Liên đoàn đã có khá nhiều kế hoạch, dự án cho sân khấu này. Trước hết là phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn chương trình “Thượng thiên Thánh Mẫu”, phối hợp với đối tác khởi động lại show diễn Ionah tại 87 Láng Hạ, Hà Nội trước đây, show diễn “Ngày cuối tuần ở Ý” với sự tham gia của nhạc giao hưởng, thính phòng và xiếc, dàn dựng một chương trình mới về vua Trần Nhân Tông, mời nghệ sĩ xiếc nổi tiếng của quốc tế đến biểu diễn và có thể sẽ có những show diễn độc đáo kiểu như Phở show, Bami show...
![Không gian nhà cổ 22 Hàng Buồm thành sân khấu biểu diễn của nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_99_51446554/3285f197c5d92c8775c8.jpg)
Không gian nhà cổ 22 Hàng Buồm thành sân khấu biểu diễn của nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Cũng đúng dịp cuối năm 2024, tại Trung tâm nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hà Nội - công trình kiến trúc có hàng trăm năm tuổi của phố cổ Hà Thành được “đánh thức”, nhiều năm trở lại đây thành không gian sáng tạo của các nghệ sĩ và nhiều hoạt động kích cầu du lịch - đã tiếp tục trở thành một không gian sáng tạo thú vị dành cho nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật truyền thống, khi Nhà hát Cải lươngViệt Nam đầu tư dàn dựng và công diễn vở cải lương thử nghiệm “Cành khế ngọt”. Không gian biểu diễn không còn bị bó gọn trong một sân khấu hộp mà phảng phất hình bóng của các chiếu chèo. Nghệ sĩ trình diễn trước khán giả, ngay sát cạnh người xem, tăng yếu tố tương tác với khán giả. Nơi khách ngồi là những bàn trà bằng tre trúc nhỏ xinh, kèm trà thơm, bánh kẹo...
Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên cho biết, việc đầu tư, biểu diễn vở cải lương “Cành khế ngọt” tại ngôi nhà cổ 22 Hàng Buồm là hoạt động nhằm hiện thực hóa chủ trương phát huy nghệ thuật biểu diễn vào phục vụ du lịch, nằm trong dự án xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Dự kiến, từ tháng 3/2025, Nhà hát sẽ biểu diễn vở “Cành khế ngọt” và dự định sẽ duy trì triển khai lịch diễn đều đặn ở đây hàng tháng vào một số ngày cố định, nhằm xây dựng một điểm hẹn nghệ thuật cho khán giả. Sau vở “Cành khế ngọt”, Nhà hát sẽ còn lựa chọn những tác phẩm phù hợp để đưa vào kịch mục vận hành điểm diễn này.
Tại Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ Trấn” cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thực hiện. Đây là chương trình nhằm quảng bá hình ảnh Thăng Long, những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc đến du khách trong nước và quốc tế. Chương trình cũng không dừng lại ở một chương trình nghệ thuật đơn thuần mà còn hướng tới bước phát triển mới trong việc truyền tải các câu chuyện lịch sử bằng nhiều hình thức nghệ thuật. Theo đó, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ Trấn” mang tính chất tổng hợp, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, múa rối, ca nhạc…
Cùng với sự tham gia của lực lượng sáng tạo hùng hậu, với hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp của 6 nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng diễn viên không chuyên, chương trình có sự kết hợp đặc biệt giữa công nghệ trình diễn hiện đại kết hợp với nghệ thuật đại chúng trên một sân khấu đại cảnh. Sân khấu được thiết kế thành ba tầng, có thể biểu diễn các tiết mục xiếc, tạp kỹ, rối cạn… “Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ Trấn” cũng là bản đầu tiên trong chuỗi chương trình nghệ thuật được đầu tư dài hạn, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, nhằm mục tiêu tạo tiếng vang, đồng thời góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa bền vững.
Vẫn cần nhiều thay đổi trong tư duy làm dịch vụ
Thực tế, việc đầu tư dàn dựng các chương trình hướng tới đối tượng khách du lịch như trên không hẳn là câu chuyện mới, thậm chí đã được bàn thảo, thử nghiệm ở một số nhà hát nhiều năm qua. Nhưng với sự tập trung đầu tư đa dạng về quy mô, đồng bộ hơn về cơ sở vật chất như nhiều chương trình mới đây đã ít nhiều cho thấy sự đầu tư nghiêm túc, bài bản hơn. Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến, kể cả người trong cuộc vẫn còn băn khoăn.
Với dự án đưa ngôi nhà 22 Hàng Buồm thành điểm biểu diễn thường xuyên của Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên cho rằng, đây là địa điểm lý tưởng để thu hút khách du lịch. Việc xây dựng và biểu diễn những vở diễn giàu tính thử nghiệm như “Cành khế ngọt” tại đây là dịp để Nhà hát trình bày và định hướng phong cách nghệ thuật của mình, quảng bá những nét hay, nét đẹp của nghệ thuật Cải lương, với mục đích tối cao là tiếp cận ngày càng nhiều hơn các tầng lớp khán giả trong nước và quốc tế, đặc biệt là khán giả trẻ. Ê kíp thực hiện dụng công nhiều thử nghiệm mới để hướng tới mục đích này, ít nhất là các bạn trẻ sẽ cảm nhận có gì đó tương đồng giữa một nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam với các loại hình nhạc kịch thế giới. Tuy nhiên, thu hút được nhiều khán giả hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, không chỉ có chất lượng nghệ thuật.
![NSND Tống Toàn Thắng với tiết mục xiếc trăn nổi tiếng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_99_51446554/25a4ebb6dff836a66fe9.jpg)
NSND Tống Toàn Thắng với tiết mục xiếc trăn nổi tiếng.
Trao đổi về những băn khoăn quanh việc làm thế nào để phát huy hết công suất của một thiết chế văn hóa mới giữa bối cảnh sân khấu có nhiều khó khăn như hiện nay, NSND Tống Toàn Thắng cho biết, sân khấu vuông của Liên đoàn hiện đang có khá nhiều lợi thế. Tọa lạc tại “địa điểm vàng” của Thủ đô, ngay trên phố Trần Nhân Tông, điểm biểu diễn này khắc phục được rất nhiều vấn đề vướng mắc lâu nay của các đơn vị nghệ thuật trong phục vụ du lịch vì được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đủ đầy hơn. Ngoài sân khấu với diện tích 140 m2, nơi này có khu để xe ôtô phục vụ cho các tour du lịch đưa khán giả tới xem, có khu trưng bày, giúp khán giả có thể hiểu khái quát về lịch sử của ngành xiếc Việt Nam, có nơi phục vụ các dịch vụ ăn uống như bán cà phê, nước, đồ ăn...
Lãnh đạo Liên đoàn cũng không quá lo lắng về sự trùng lặp trong khai thác sân khấu mặc dù sân khấu vuông nằm ngày cạnh Rạp Xiếc Trung ương - địa điểm biểu diễn đã có gần 70 năm qua. Bởi lẽ, sân khấu xiếc truyền thống có sức chứa 1.300 chỗ ngồi, được thiết kế theo sân khấu tròn và hướng tới phục vụ khán giả đại chúng, giá vé hợp lý.
![Các tiết mục cũ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam được khoác áo mới, hấp dẫn hơn trên sân khấu vuông.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_99_51446554/9e79516b65258c7bd534.jpg)
Các tiết mục cũ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam được khoác áo mới, hấp dẫn hơn trên sân khấu vuông.
Ở sân khấu vuông, Liên đoàn hướng tới phục vụ phân khúc khán giả với số lượng ít hơn và đặc biệt là phục vụ nhu cầu xem và thưởng thức nghệ thuật của khách du lịch trong và ngoài nước, các khán giả lớn tuổi, khán giả là những gia đình... Liên đoàn sẽ đầu tư các chương trình, tác phẩm nghệ thuật phù hợp với thị hiếu khán giả ở phân khúc này để khách đến xem chương trình có nhiều trải nghiệm, kết hợp thưởng thức nghệ thuật với ẩm thực, tìm hiểu văn hóa vùng, miền, địa phương. Khi biểu diễn, giới thiệu văn hóa của địa phương nào, Ban tổ chức sẽ mời các doanh nghiệp, làng nghề phối hợp, đồng hành xây dựng các không gian văn hóa tương ứng với nội dung đề cập trong tác phẩm, có những sản phẩm truyền thống độc đáo và nông sản, quà tặng lưu niệm…
Tuy nhiên, có một nhược điểm chung mà nhiều lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đều thừa nhận là việc thay đổi tư duy, cách làm đội ngũ nhân sự vốn quen với cách vận hành của đơn vị nghệ thuật công lập lâu năm nhằm hướng tới cung cách làm việc mới, hướng tới xã hội hóa, làm dịch vụ một cách chuyên nghiệp không dễ. Hà Nội tự hào khi có Nhà hát Múa rối Thăng Long sáng đèn quanh năm và là điểm đến yêu thích của khách quốc tế, quảng bá hiệu quả nghệ thuật múa rối. Nhưng muốn có một điểm đến “ăn khách” thứ hai như thế thì đòi hỏi nỗ lực hơn nữa từ nhiều phía.
Nói theo cách của NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam là bên cạnh cơ sở vật chất thì vấn đề mang tính quyết định khác nữa là con người phải thay đổi tư duy, nhận thức, thích ứng, đáp ứng được với cung cách làm việc mới trong giai đoạn mới. Ngay với Liên đoàn Xiếc Việt Nam, mặc dù các nghệ sĩ của Liên đoàn đã quen với các hoạt động xã hội hóa nhiều năm qua nhưng sẽ vẫn phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Đội ngũ nhân sự cho các hoạt động mang tính chất kinh doanh, tiếp thị, kết nối… vẫn là vấn đề mà lãnh đạo phải tính toán rất kỹ. Ngoài khai thác đội ngũ đã có, việc liên doanh, liên kết, khai thác ưu thế của đối tác có kinh nghiệm lâu năm về mảng hoạt động này là giải pháp cần tính tới.