Giá vàng tăng nhanh hơn túi tiền người tiêu dùng, PNJ đối mặt áp lực kép
Việc giá vàng tăng 'nóng' kéo theo nguồn cung vàng nguyên liệu khan hiếm, sức mua của người tiêu dùng giảm khiến công ty PNJ phải đối mặt với loạt khó khăn...

Ngày 26/4, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.
Tại đại hội, ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc PNJ đã chia sẻ với cổ đông về tình hình kinh doanh của công ty. Từ năm 2024 đến nay, giá vàng đã tăng rất nhanh, vượt ngoài dự báo của các chuyên gia phân tích.
“Nhiều người nghĩ rằng giá vàng tăng thì PNJ hưởng lợi nhưng PNJ là doanh nghiệp bán lẻ trang sức và vàng là yếu tố đầu vào để chế tác trang sức nên đây lại là sức ép đối với PNJ. Giá vàng tăng quá nhanh sẽ làm cho sức mua trang sức bị giảm vì giá các sản phẩm đang tăng lên nhanh theo giá vàng trong khi túi tiền người tiêu dùng không tăng nhanh kịp. Nhà đầu tư trước đây có ngân sách 5-7 triệu đồng thì có thể mua món đồ 1 chỉ, thì bây giờ còn chưa tới 1 chỉ nên sức mua sẽ bị khó”, ông Thông nói.
Giá vàng tăng nhanh làm cho tâm lý nhà đầu tư chỉ muốn đi mua rồi cất giữ chứ không đi bán, nên khi không có người bán thì nguồn cung vãng lai sẽ bị suy giảm nhiều. Kết hợp với việc mua bán hôm nay có nhiều các bước kiểm tra xác thực khách hàng nên cũng làm giảm tỷ lệ người mua bán.
“Đây là bước chuyển của thị trường, sẽ chọn lọc lấy các doanh nghiệp có nền tảng chuyên nghiệp, minh bạch, chất lượng dịch vụ tốt hơn... để phát triển mạnh mẽ hơn sau khúc quanh này", theo CEO của PNJ.
Năm 2025, PNJ đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng. Theo đó, doanh thu dự kiến đạt hơn 31.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.960 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 7% so với kết quả thực hiện năm 2024. Dù vậy, công ty vẫn giữ nguyên chính sách chia cổ tức tiền mặt ở mức 20%.
Tính riêng quý đầu năm, PNJ thu về 9.635 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 678 tỷ đồng; giảm lần lượt 23% và 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này tương đương gần 35% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Kết quả do sức mua thị trường trang sức suy yếu khi giá vàng tăng cao và nhu cầu tiêu dùng giảm; doanh thu vàng 24K thấp hơn cùng kỳ. Ngược lại công ty tối ưu chi phí vận hành giúp tốc độ giảm lợi nhuận thấp hơn doanh thu.
Trong bối cảnh đó, PNJ vẫn quyết định mở rộng hoạt động với tinh thần thận trọng. Công ty dự kiến mở thêm 12–25 cửa hàng trong năm nay để tận dụng khoảng trống thị trường, hướng đến mục tiêu đạt 500 cửa hàng toàn quốc vào năm 2030. Song song, công suất nhà máy cũng được nâng từ 4 triệu lên 5 triệu sản phẩm mỗi năm nhằm đón đầu đà phục hồi trong tương lai.
Công ty cũng xác định việc đổi mới trong khâu sản xuất là cần thiết. “Chúng tôi có nhà máy sản xuất 4–5 triệu sản phẩm, nhưng tôi vẫn chưa hài lòng. Chúng tôi đã thay đổi lãnh đạo khối sản xuất để tạo đà đổi mới, bắt kịp nhu cầu thị trường,” bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết.
Bên cạnh đó, PNJ lên kế hoạch thâm nhập sâu hơn vào phân khúc khách hàng nam giới thông qua việc ra mắt thương hiệu Mancode by PNJ. Đây được đánh giá là phân khúc tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác hiệu quả trên thị trường hiện nay.
Đại hội đồng cổ đông PNJ cũng đã trình cổ đông phương án mua lại cổ phiếu quỹ nhằm giảm vốn điều lệ. Cụ thể, công ty dự kiến mua lại tối đa 8 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 2,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Theo tài liệu trình đại hội, mục đích của việc mua lại cổ phiếu là nhằm bảo vệ lợi ích của cổ đông và duy trì giá trị doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh. Hội đồng quản trị được ủy quyền quyết định nguồn vốn thực hiện cũng như thời điểm mua lại cụ thể, căn cứ theo tình hình thị trường tại từng thời điểm.
Cổ phiếu được mua lại là cổ phiếu phổ thông của PNJ, có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu và đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Một nội dung đáng chú ý khác, nhằm ghi nhận sự đóng góp của đội ngũ nhân sự, Hội đồng quản trị PNJ trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) trong năm 2025.
Cụ thể, PNJ dự kiến phát hành hơn 3,2 triệu cổ phiếu, tương đương 0,96% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian phát hành do Hội đồng quản trị quyết định trong năm.
Đối tượng nhận ESOP bao gồm các thành viên Hội đồng quản trị, Ban điều hành, cố vấn cấp cao, giám đốc, chuyên gia và nhân sự chủ chốt tại PNJ và các công ty thành viên. Tiêu chí lựa chọn cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị phê duyệt.
Về quy định chuyển nhượng, toàn bộ số cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế trong 12 tháng; 70% bị hạn chế trong 24 tháng và 40% bị hạn chế trong vòng 36 tháng kể từ ngày hoàn tất phát hành. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của PNJ sẽ tăng từ 3.381 tỷ đồng lên hơn 3.413 tỷ đồng.