Khủng hoảng tại Gucci ngày càng trầm trọng
Cuộc khủng hoảng tại Gucci, thương hiệu chủ lực của tập đoàn Kering, tiếp tục trầm trọng hơn trong quý I, theo thông báo từ tập đoàn ngày 24/4.

Một người mẫu trình diễn sáng tạo của bộ sưu tập Gucci Thu-Đông 2025/2026 trong Tuần lễ thời trang Milan (Italy), ngày 25/2. Ảnh: STRINGER/Reuters.
Doanh thu quý I của Kering giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó riêng Gucci giảm tới 25%, thấp hơn dự báo của giới phân tích.
Kết quả này cho thấy ngành hàng xa xỉ có thể sẽ đối mặt thêm một năm khó khăn khi người tiêu dùng tại Mỹ và Trung Quốc - vốn là hai thị trường trọng yếu - thắt chặt chi tiêu cho các sản phẩm cao cấp. Đồng thời, tập đoàn xa xỉ cho biết có thể sẽ cắt giảm nhân sự, Reuters đưa tin.
Theo tổng hợp từ Visible Alpha được HSBC trích dẫn, giới phân tích từng dự đoán doanh thu toàn tập đoàn giảm 9,7% và riêng Gucci giảm 19%. Hiện Gucci đang đóng góp khoảng một nửa doanh thu và 2/3 lợi nhuận của Kering.
"Chúng tôi đang tăng cường sự thận trọng để đối phó với những khó khăn kinh tế vĩ mô", Chủ tịch kiêm CEO François-Henri Pinault cho biết.
Với dự báo doanh thu tiếp tục giảm hai chữ số trong quý tới, ban lãnh đạo Kering nói với giới phân tích rằng họ đang lên kế hoạch tinh giản bộ máy, giảm trùng lặp giữa các cấp tập đoàn và thương hiệu tại các khu vực nhằm cắt giảm chi phí.
"Chúng tôi đang rà soát mọi vị trí có thể trùng lặp trong tổ chức", Giám đốc tài chính Kering Armelle Poulou cho biết.
Tính từ đầu năm, Kering đã đóng cửa 25 cửa hàng, nằm trong kế hoạch ngừng hoạt động khoảng 50 cửa hàng hoạt động kém hiệu quả. Sau hàng loạt cảnh báo lợi nhuận liên quan đến tình trạng khó khăn tại Gucci, cổ phiếu Kering đã mất hơn 60% giá trị kể từ tháng 3/2024.
Trong quý I, doanh số của Kering giảm mạnh tại Bắc Mỹ và Tây Âu, cho thấy tập đoàn chuyên thời trang cao cấp này dễ tổn thương hơn so với các đối thủ lớn, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế và dấy lên lo ngại suy thoái.
Tuần trước, LVMH cũng ghi nhận doanh thu mảng thời trang và đồ da - vốn là lĩnh vực chủ lực của "gã khổng lồ xa xỉ" - giảm 5%, thấp hơn kỳ vọng.
Các nhà phân tích tại công ty phân tích tài chính và nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Mỹ Bernstein nhận định kết quả kinh doanh vừa công bố cho thấy "cuộc hồi sinh của Gucci vẫn chưa xuất hiện và sẽ còn khó khăn hơn trong bối cảnh hiện tại".
Phó Giám đốc điều hành Kering Francesca Bellettini cho biết lưu lượng khách ghé thăm cửa hàng Gucci giảm mạnh trong quý I. Thương hiệu này gần đây đã bổ nhiệm Demna, nhà thiết kế nội bộ, làm giám đốc sáng tạo mới. Động thái này khiến nhà đầu tư thất vọng, bởi họ kỳ vọng vào một gương mặt nổi tiếng từ bên ngoài.
Các lãnh đạo Kering cho biết Demna đã bắt đầu làm việc với đội ngũ Gucci, song từ chối tiết lộ thời điểm ra mắt bộ sưu tập đầu tiên của ông. Giới phân tích cảnh báo việc thay đổi giám đốc sáng tạo, chính thức có hiệu lực từ tháng 7, có thể khiến quá trình phục hồi của Gucci bị trì hoãn.
Bà Bellettini cho biết các thiết kế mới của Demna sẽ "xuất hiện dần dần" khi công ty đẩy nhanh tiến độ sản xuất và giao hàng.
"Bạn sẽ không phải đợi tới năm 2026 để thấy những sản phẩm đầu tiên", bà nói.
Trả lời câu hỏi về việc đóng cửa salon Gucci cao cấp tại Los Angeles (Mỹ) - không gian chỉ phục vụ khách siêu giàu theo lịch hẹn - có cho thấy sự thay đổi chiến lược hay không, bà Poulou cho biết công ty vẫn đang kiên trì với định hướng đưa Gucci lên phân khúc cao cấp hơn.