Lãnh đạo BIDV: Lợi nhuận 2025 chắc chắn sẽ có suy giảm cho dù có thành công trong việc đàm phán thuế quan
Ngày 26/4, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2025 thông qua các nội dung như: Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2024, kế hoạch kinh doanh năm 2025; Bầu bổ sung Thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027…

Quang cảnh ĐHĐCĐ BIDV 2025. Ảnh: LP
ĐHĐCĐ 2025 với sự tham dự của 305 đại biểu, đại diện cho gần 6,7 tỷ cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm 96,95 % số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tính đến hết 31/12/2024, các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV đều đạt kế hoạch NHNN và ĐHĐCĐ giao: Tổng tài sản đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023, tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất Việt Nam.
Tổng nguồn vốn huy động đạt gần 2,53 triệu tỷ đồng; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt gần 2,14 triệu tỷ đồng, tăng 13,1% so với đầu năm; chiếm 14,3% thị phần tiền gửi toàn ngành.
Dư nợ tín dụng và đầu tư đạt trên 2,59 triệu tỷ đồng; trong đó dư nợ tín dụng đạt gần 2,02 triệu tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2023, chiếm 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Dư nợ bán lẻ tăng 24,9%, tỷ trọng trên tổng dư nợ đạt 47,3%, tăng 3,5 điểm % so với 2023; tỷ trọng dư nợ khách hàng FDI trên tổng dư nợ đạt 3,5%, tăng 0,9 điểm % so với 2023. Dư nợ tín dụng xanh đạt 81.000 tỷ đồng, đứng đầu thị trường, chiếm 12% tổng dư nợ tín dụng xanh toàn nền kinh tế.
Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 31/2024/TT-NHNN đến 31/12/2024 kiểm soát ở mức 1,27%, hoàn thành kế hoạch ĐHĐCĐ giao, đảm bảo theo đúng mục tiêu định hướng của NHNN. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu khối ngân hàng thương mại đạt 133%.
Lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại năm 2024 đạt 30.610 tỷ đồng, tăng 14,6% so với 2023, hoàn thành vượt kế hoạch NHNN và ĐHĐCĐ giao; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 31.990 tỷ đồng, tăng 15,9% so với 2023. Trích dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định.
Vốn chủ sở hữu của BIDV đến 31/12/2024 đạt 136.280 tỷ đồng, tăng 18,3% so với 2023; vốn điều lệ tăng lên mức 68.980 tỷ đồng; giá trị vốn hóa thị trường thời điểm 31/12/2024 đạt 259.000 tỷ đồng, tăng 4,6% so với thời điểm 31/12/2023.
ROA và ROE lần lượt đạt 1% và 19,5%, hoàn thành kế hoạch NHNN giao; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) riêng lẻ đạt 8,78%, hợp nhất đạt 9,03%.
Trình đại hội tăng vốn điều lệ và phát hành cổ phiếu
Tại đại hội, BIDV trình phương án tăng vốn điều lệ thêm 21.656 tỷ đồng, lên gần 91.870 tỷ đồng thông qua việc tăng vốn từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, trả cổ tức và phát hành thêm.
Về phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, BIDV sẽ phát hành tối đa hơn 498.516.696 triệu cổ phiếu (tương đương 7,1% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/3).
Với kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận lũy kế chưa phân phối năm 2023, BIDV dự kiến phát hành tối đa gần 1.397.251.021 cổ phiếu (tương đương 19,9% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/3).
Cuối cùng là phương án phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư bằng hình thức chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng với số lượng tối đa 269.846.330 triệu cổ phiếu (tương đương 3,84% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/3).
Bầu bổ sung thành viên HĐQT
Đại hội cũng tiến hành bầu bổ sung một thành viên HĐQT và một thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Ứng viên HĐQT là ông Lê Quốc Nghị - Vụ trưởng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ông Nghị sinh năm 1965 và bắt đầu làm việc ở NHNN từ năm 1989 và đã có nhiều vị trí như Phó Trưởng phòng Tổng hợp và Nghiên cứu kinh tế NHNN chi nhánh Hà Tây (cũ), Trưởng phòng Tin học NHNN chi nhánh Hà Tây (cũ), Kiểm soát viên Vụ Tổng kiểm soát NHNN, Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng Vụ Tổng kiểm soát NHNN, Phó Vụ trưởng, Vụ Trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ NHNN.
Ứng viên Ban Kiểm soát là ông Huỳnh Phương (sinh năm 1968) - nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á (nay là Ngân hàng TNHH MTV Số Vikki), nguyên Phó Giám đốc Ban Kiểm tra và Giám sát tuân thủ BIDV.
Thảo luận:
Ước tính kết quả kinh doanh quý I?
Tổng giám đốc Lê Ngọc Lâm : Tổng tài sản đạt 2,8 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt 2,07 triệu tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm; huy động vốn đạt 2,17 triệu tỷ đồng, tăng 1,7% so với đầu năm; Chất lượng tín dụng được kiểm soát theo mục tiêu điều hành; Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 7.019 tỷ đồng…
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2025 là bao nhiêu? Trong bối cảnh chiến tranh thương mại thì kịch bản năm nay của ngân hàng sẽ ra sao? Tổng chi phí trích lập dự phòng dự kiến trong năm 2025?
Chủ tịch Phan Đức Tú: Với tác động từ chiến tranh thương mại khi Mỹ áp thuế tôi cho rằng ảnh hưởng không quá lớn. Và ban lãnh đạo BIDV đã thành lập một ban chỉ đạo ngay sau khi Tổng thống Trump công bố việc áp thuế.
Tổng dư nợ khối khách hàng của BIDV bị ảnh hưởng bởi tác động thuế quan thống kê được khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 15% dư nợ của BIDV. Nhóm các khách hàng bị ảnh hưởng lớn gồm sản xuất thép, chất dẻo, nhựa, cơ khí, thủy sản, giày da, may mặc, logistics, bất động sản khu công nghiệp,…
Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đầu tiên là nhóm xuất khẩu sang Mỹ. Tiếp đó là các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp. Còn có nhóm sản xuất trong nước cũng bị tác động.
Việc áp thuế sẽ có ảnh hưởng tới tín dụng, huy động vốn, lợi nhuận. Do đó, lợi nhuận chắc chắn bị ảnh hưởng khi chất lượng tài sản suy giảm thì chi phí trích lập dự phòng sẽ tăng lên.
Chúng tôi đã tiến hành triển khai nghiên cứu những khó khăn cụ thể để cùng doanh nghiệp tháo gỡ. BIDV đang yêu cầu các chi nhánh làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp.
Lợi nhuận chắc chắn sẽ có suy giảm cho dù có thành công trong việc đàm phán thuế quan.
Về kế hoạch trích lập dự phòng, năm nay sẽ trích xoay quanh 21.000 tỷ, tương đương năm 2024. Năm nay, tốc độ tăng trường tín dụng lên tới 16% nên tỷ lệ trích so với dư nợ tín dụng giảm xuống.
Có thông tin BIDV đẩy mạnh giải thể một số chi nhánh, đặc biệt khu vực miền Nam, lý do là gì và định hướng của ngân hàng trong thời gian tới?
Chủ tịch Phan Đức Tú : BIDV hiện nay chỉ sáp nhập hai chi nhánh (Bình Dương, Cà Mau) trên tổng số 300 chi nhánh. Như vậy là không nhiều. Năng suất tác động hay chi phí kinh doanh đều tác động lên lợi nhuận nên sẽ có những điều chỉnh cần thiết.
Do yêu cầu của thị trường, xu hướng phát triển của công nghệ, yêu cầu về quản trị nội bộ nên xem xét sắp xếp lại kênh phân phối hiện đại thay vì kênh phân phối rộng khắp như hiện tại. Từ 2025 - 2030 sẽ sắp xếp lại mạng lưới kinh doanh
BIDV có định hướng tham gia xây dựng sàn giao dịch tài sản số hay không?
Tổng giám đốc Lê Ngọc Lâm: BIDV là một ngân hàng thương mại nhà nước nên chúng tôi sẽ tích cực tham gia cùng với các bộ ngành để triển khai. Sàn giao dịch tài sản số sẽ dành cho khối các doanh nghiệp, tư nhân, BIDV không có chủ trương hay kế hoạch để triển khai sàn giao dịch. Việc này yêu cầu đòi hỏi về vốn, kỹ thuật rất lớn.
Tuy nhiên chúng tôi sẽ tham gia vào thị trường với vai trò là một ngân hàng lớn phục vụ thanh toán trên thị trường chứng khoán Việt Nam.