Bí quyết giúp học sinh 'nói không' với thuốc lá điện tử tại 1 trường phổ thông ở Thái Bình
Học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đã trở thành nỗi lo lắng, trăn trở của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trước thực trạng này, ngay trước dịch Covid-19, trường THCS Tiền Phong, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình, đã có cách làm riêng để hạn chế việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh.
Ban đầu, nhóm học sinh của trường đã đề ra ý tưởng và triển khai nghiên cứu về Thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh Trung học cơ sở và một số giải pháp ngăn chặn. Từ việc nghiên cứu và xử lý các số liệu về thực trạng của việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh THCS tại một số trường của TP Thái Bình, các em học sinh trong nhóm nghiên cứu càng nhận thấy rõ tính cấp thiết của việc triển khai đề tài. Chính vì thế mà ngày từ đầu năm học 2021-2022, nhóm đã bắt tay vào đề xuất và thực hiện các giải pháp ngăn chặn.
Giải pháp đầu tiên được thực hiện là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh về tác hại của thuốc lá điện tử. Các bài viết, các bài phát thanh, pano, áp phích, tờ rơi... về nội dung tuyên truyền được nhóm tích cực thực hiện trong các tiết sinh hoạt đầu tuần, các buổi phát thanh măng non, được đưa vào nội dung trang trí trong lớp học, ngoài sân trường...
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp không cho phép nhóm nghiên cứu thực hiện các giải pháp tiếp theo. Để phù hợp với yêu cầu giãn cách, nhóm đã đề xuất và triển khai một hoạt động tuyên truyền sâu rộng, đó là cuộc thi vẽ tranh, thi báo ảnh, báo tường với chủ đề "Nói không với thuốc lá điện tử, vì một môi trường không khói thuốc". Cuộc thi thu hút được tất cả học sinh trong toàn trường, thầy cô và phụ huynh tham gia. Những sản phẩm đạt giải, những tập thể được vinh danh đã giúp tuyên truyền tích cực, hiệu quả, là tiền thân để ra đời câu lạc bộ "Nói không với thuốc lá điện tử" sau này.
Dịch bệnh Covid-19 đi qua, cuộc sống trở lại với vòng quay bình thường vốn có, nhóm nghiên cứu lại nhanh chóng bắt tay vào chuẩn bị và triển khai các giải pháp tiếp theo của đề tài. Năm học 2022- 2023, công tác tuyên tuyền được nhóm triển khai qua việc thiết kế, in ấn các tờ rơi, các cuốn cẩm nang và được thực hiện trực tiếp tại các lớp học, các cổng trường, gia đình học sinh...
Câu lạc bộ tư vấn, hỗ trợ cho các bạn trót mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử cũng ra đời. Các câu lạc bộ đã thực hiện hiệu quả nhóm giải pháp: "Vòng tay tin cậy", "Cùng nhau trở về"... giúp nhiều bạn học sinh trở lại môi trường sống lành mạnh, thoát khỏi sự cám dỗ của thuốc lá điện tử. Cùng với đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất và đăng ký làm điểm cho Câu lạc bộ Người Tổng phụ trách tỉnh Thái Bình, Hội đồng đội TP Thái Bình một hoạt động ngoại khóa với quy mô lớn: Giao lưu- Tọa đàm về chủ đề "Nói không với thuốc lá điện tử - vì một môi trường không khói thuốc" . Chuyên đề đã thu hút được nhiều người vào cuộc: Báo Thái Bình, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Công an, Y tế, phụ huynh học sinh tỉnh Thái Bình...
Năm học 2023- 2024, Bộ Y tế triển khai cuộc thi với chủ đề "Tìm hiểu kiến thức phòng chống thuốc lá trong trường học" cũng là năm nhóm nghiên cứu bước vào giai đoạn tổng kết , báo cáo đề tài. Việc thực hiện các giải pháp, đặc biệt là công tác tuyên truyền đã tiến thêm một bước mới khi đưa các thông tin tuyên truyền lên không gian mạng. Nhóm đã triển khai thành lập trang fapage "Nói không với thuốc lá điện tử" và hiện đã có 1,4 ngàn người yêu thích và 1,6 ngàn người theo dõi và số lượng này đang không ngừng tăng lên.
Sau khi tham gia cuộc thi "Tìm hiểu kiến thức phòng chống thuốc lá trong trường học" cấp thành phố cùng 7 trường THCS khác, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra và xử lý số liệu, đối chiếu so sánh với những con số điều tra khi bắt tay vào thực hiện đề tài. Kết quả đúng như niềm mong đợi. Nhận thức và hành vi của học sinh về thuốc lá điện tử đã thay đổi rõ rệt. Học sinh nhận thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá điện tử đã tăng từ 43% lên 93%. Trong hành động, số học sinh đã sử dụng thuốc lá điện tử có ý định từ bỏ cũng tăng lên rõ rệt: từ 17,4% lên 81%.