Đề xuất giải pháp xác thực bằng cấp bằng công nghệ Blockchain
Sau gần 6 tháng tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành, mới đây, hai học sinh lớp 12 Tin của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang) là Phan Minh Hoài và Trần Hữu Vũ Phương đã hoàn thành phần mềm Hệ thống khởi tạo và xác thực bằng cấp sử dụng công nghệ Blockchain (công nghệ chuỗi khối). Đây là giải pháp có tính ứng dụng thực tiễn cao trong việc xác thực các văn bằng, chứng chỉ ở các cơ sở giáo dục, đào tạo để hạn chế tình trạng sử dụng bằng giả.
Phần mềm nhiều ưu điểm
Chia sẻ với chúng tôi về việc lựa chọn đề tài, Minh Hoài cho biết: “Thực tế ở nước ta lâu nay có tình trạng sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ thì các phương thức làm giả bằng cấp, chứng chỉ ngày càng tinh vi nên rất khó bị phát hiện. Trong khi đó, hệ thống xác thực hiện còn hạn chế như mất nhiều thời gian, chi phí để xác thực một bằng cấp, chứng chỉ. Chính vì thế, trong quá trình nghiên cứu để thực hiện đề tài, chúng em nhận thấy công nghệ Blockchain là phù hợp, bởi mỗi khi có giao dịch hoặc dữ liệu mới, thông tin đó sẽ được ghi vào một khối và kết nối với các khối trước đó để tạo thành một chuỗi mới. Nhờ đó, thông tin cũ trong công nghệ Blockchain không bị mất đi”.
Theo thông tin từ Cổng Dịch vụ công quốc gia, thời hạn giải quyết một yêu cầu xác thực bằng cấp lên tới 20 ngày và chi phí dao động từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng. Việc xác thực theo phương pháp trực tiếp như lâu nay thường phải qua một bên trung gian, gây bất tiện cho các cơ quan, tổ chức cũng như nguy cơ về bảo mật thông tin, danh tính cá nhân. Với công nghệ Blockchain, nhóm tác giả Minh Hoài - Vũ Phương có thể tận dụng được những ưu điểm vượt trội về tính bảo mật, tính minh bạch, tính bất biến. Dựa trên những ưu điểm này, hai em đã sử dụng mạng Sui Lutris là một mạng Blockchain kết hợp cơ chế giao tiếp không đồng thuận (broadcast) với cơ chế đồng thuận (consensus) nhằm đảm bảo độ bảo mật cho các giao dịch (transactions), đồng thời đảm bảo hiệu suất cao và giảm độ trễ khi xử lý giao dịch. Bên cạnh đó, mạng Sui Lutris còn có ưu thế về thời gian thực hiện nhanh, chi phí sử dụng thấp.
Khi sử dụng phần mềm xác thực bằng cấp này, các cơ quan, tổ chức khởi tạo thông tin, dữ liệu về những bằng cấp, chứng chỉ từ tài khoản duy nhất. Sau đó, mỗi thông tin về từng bằng cấp, chứng chỉ sẽ được đơn vị cung cấp phần mềm mã hóa để xác nhận danh tính. Khi xác nhận danh tính xong, các cơ quan, tổ chức có thể sử dụng tài khoản của đơn vị được cung cấp để giải mã nhằm đảm bảo bằng cấp, chứng chỉ không bị làm giả hoặc chỉnh sửa. Và khi một tổ chức, cá nhân nào muốn xác thực về một văn bằng, chứng chỉ cụ thể, có thể sử dụng tài khoản của mình để lên hệ thống tra cứu, đối chiếu mà không cần thông qua bất kỳ một bên trung gian nào. Qua thực nghiệm với việc tiến hành cung cấp hơn 200 chứng chỉ cho các câu lạc bộ, dự án và chương trình trên địa bàn tỉnh, nhóm tác giả đề tài đều nhận được những phản hồi tích cực. Bên cạnh đó, chi phí cho việc khởi tạo thông tin các bằng cấp, chứng chỉ trung bình khoảng 420 đồng/lần khởi tạo và không tốn chi phí cho việc xác thực.
Tiếp tục hoàn thiện
Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chưa có phần mềm nào về ứng dụng công nghệ Blockchain trong việc xác thực bằng cấp được công bố nên đề tài về phần mềm Hệ thống khởi tạo và xác thực bằng cấp sử dụng công nghệ Blockchain của Minh Hoài - Vũ Phương có thể xem là giải pháp với ý tưởng sáng tạo. Theo chia sẻ của Vũ Phương, với mục tiêu thiết kế một hệ thống thuận tiện, dễ dàng sử dụng cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân không chuyên nên phần mềm được thiết kế hệ thống với 3 lớp bảo mật chính, gồm: Lớp bảo mật tài khoản trên website; lớp bảo mật dựa trên địa chỉ trên mạng Sui Blockchain; lớp bảo mật dựa trên cặp khóa bất đối xứng RSA. Với phương pháp kết hợp 3 lớp bảo mật với nhau, việc làm giả thông tin bằng cấp, chứng chỉ trên mạng Blockchain là bất khả thi.
Tuy nhiên, hệ thống này vẫn còn một số hạn chế như: Chưa thể tạo bằng cấp số lượng lớn; chưa cho người dùng thêm bản mẫu của bằng cấp để gắn mã QR vào; chưa đồng bộ hóa tất cả giao diện… “Thời gian tới, chúng em sẽ cố gắng tăng độ phủ của hệ thống, hướng tới thực nghiệm rộng hơn, mở rộng trên nhiều đối tượng, tổ chức khác nhau. Bên cạnh đó, chúng em sẽ nghiên cứu phát triển một định dạng bằng cấp có thể thu hồi được, phục vụ cho nhiều trường hợp trong thực tế như thu hồi bằng lái xe… Song song với việc phát triển hệ thống, chúng em cũng sẽ cố gắng hoàn thiện về mặt giao diện và các chức năng khác nhằm tạo nên một hệ thống càng thuận tiện cho người dùng càng tốt nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật”, Vũ Phương cho biết thêm.
Theo thầy Huỳnh Bá Lộc - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, trong thời gian qua, phong trào nghiên cứu khoa học của học sinh trong trường diễn ra rất sôi nổi. Năm nay, nhà trường đã nhận được 17 dự án dự thi cấp trường, qua đó chọn 12 dự án để tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh sắp tới. Trong đó, có dự án về phần mềm Hệ thống khởi tạo và xác thực bằng cấp sử dụng công nghệ Blockchain của Minh Hoài - Vũ Phương. Dự án của hai em có ý tưởng rất tốt, trong quá trình thực hiện tuy có gặp khó khăn nhưng các em đã rất nỗ lực để hoàn thành theo đúng tiến độ và đáp ứng được yêu cầu. Từ góc độ của một người làm công tác quản lý ở cơ sở giáo dục, có thể thấy phần mềm này là cần thiết khi xác thực các văn bằng, chứng chỉ, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như các loại văn bản, giấy tờ. Nhà trường cũng đã có những góp ý để hai em hoàn thiện hơn phần mềm trước khi gửi tham gia cuộc thi cấp tỉnh.
Ông PHẠM QUỐC HOÀN - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Tôi đánh giá cao nhóm tác giả đã đăng ký và nghiên cứu thực hiện một đề tài khó về phần mềm là Hệ thống khởi tạo và xác thực bằng cấp sử dụng công nghệ Blockchain. Đề tài này yêu cầu phải nghiên cứu nhiều nội dung về công nghệ rất mới để ban đầu thử nghiệm vào việc giải quyết một chủ đề không mới - xác thực bằng cấp, chứng chỉ. Tôi mong hai em Minh Hoài - Vũ Phương tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu này trong thời gian tới khi các bạn bước vào ngưỡng cửa các trường đại học. Bởi ngày 22-10-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1236/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đây, nhằm thúc đẩy tiềm lực trong nước về Blockchain nên hướng đi của hai em rất phù hợp với xu thế hiện tại và tương lai.
Em Trần Hữu Vũ Phương từng đoạt giải ba Kỳ thi chọn đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia THPT cấp tỉnh năm học 2023 - 2024; giải ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2023 - 2024. Em Phan Minh Hoài đã đoạt giải nhì Hội thi Tin học trẻ cấp tỉnh năm học 2023 - 2024; giải ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2023 - 2024.