Bí quyết canh tác cà phê giúp gia đình ông giáo thu lợi hàng tỷ đồng mỗi năm

Nhờ áp dụng phương pháp trồng cà phê đa thân không hãm ngọn và hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel mà gia đình một nhà giáo ở Đắk Lắk thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.

Không rời mắt trước vườn cà phê đa thân

Tìm về xã Ea Kpam (huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) vào một ngày cuối tháng 11, chúng tôi đã được lắng nghe không ít câu chuyện thú vị về cách sản xuất cà phê độc đáo của vợ chồng ông Nguyễn An Sơn (SN 1964) và bà Phạm Thị Thu Thảo (SN 1968).

Khi đặt chân đến vườn cà phê của gia đình ông Sơn, điều đầu tiên khiến chúng tôi ấn tượng là những cây cà phê trĩu quả từ gốc đến ngọn. Mỗi bụi cà phê không chỉ có một thân như nhiều vườn khác, mà lại sở hữu ba thân cây khỏe mạnh, chi chít quả. Ông Sơn giải thích: "Chúng tôi áp dụng phương pháp trồng cà phê đa thân không hãm ngọn. Cách làm này không chỉ tăng năng suất mà còn cải thiện sức khỏe cho cây, tạo ra những trái cà phê chất lượng hơn".

Những cây cà phê chi chít quả từ gốc đến ngọn.

Những cây cà phê chi chít quả từ gốc đến ngọn.

Dừng lại bên một cây cà phê chín đỏ rực, ông Sơn chia sẻ, trước đây vợ chồng ông là giáo viên, công tác tại các trường trong huyện. Đến năm 2021, sau 37 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, vợ chồng ông về hưu và bắt đầu viết nên câu chuyện "cà phê Ông Giáo"

Ông nhớ lại: "Gia đình tôi gắn bó với cây cà phê từ những năm 60 của thế kỷ trước. Như nhiều người khác ở địa phương, chúng tôi từng sản xuất cà phê theo phương pháp truyền thống, canh tác cà phê đơn thân hãm ngọn. Mỗi năm, gia đình chỉ thu hoạch khoảng 3-3,5 tấn cà phê/ha, trong khi chi phí chăm sóc và đầu tư không hề nhỏ. Do đó, lợi nhuận không đáng kể".

Nhận thấy vườn cà phê đã già cỗi và năng suất thấp, ông quyết định nhổ bỏ toàn bộ cây cũ, xử lý đất và bắt đầu trồng tái canh với phương thức sản xuất hoàn toàn khác biệt. Thay vì tuân theo quy trình truyền thống với mật độ 1.100 cây/ha, ông cho máy cày xới đất, đánh rãnh, xử lý đất một cách kỹ lưỡng và bón lót phân hữu cơ đầy đủ, rồi trồng với mật độ gấp đôi, lên tới 2.200 cây/ha.

Ông Nguyễn An Sơn cho biết, phương pháp canh tác cà phê đa thân giúp gia đình ông Sơn không tốn quá nhiều nhân công để làm cành, vặt chồi, cây cũng không phát sinh các chồi vượt, cành tăm.

Ông Nguyễn An Sơn cho biết, phương pháp canh tác cà phê đa thân giúp gia đình ông Sơn không tốn quá nhiều nhân công để làm cành, vặt chồi, cây cũng không phát sinh các chồi vượt, cành tăm.

Việc tạo hình cà phê đa thân không hãm ngọn được thực hiện khi cây cà phê còn nhỏ sẽ được uốn cong và cố định ở mặt đất để kích thích cây phát sinh các chồi mới. Tùy vào cách chăm sóc, người trồng có thể thay thế các thân mới theo định kỳ bằng phương pháp cưa đốn từ 3-4 năm một lần. Phương pháp canh tác này giúp gia đình ông Sơn không tốn quá nhiều nhân công để làm cành, vặt chồi, cây cũng không phát sinh các chồi vượt, cành tăm. Nhờ đó, chi phí đầu tư chăm sóc giảm, khi thu hoạch cũng khá dễ dàng và thuận tiện.

Một gốc cà phê có nhiều thân khỏe mạnh.

Một gốc cà phê có nhiều thân khỏe mạnh.

Áp dụng công nghệ tưới hiện đại

Đặc biệt hơn, tại vườn cà phê của gia đình ông Sơn, việc tưới nước và bón phân không còn là những công việc nặng nhọc như trước. Thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, việc bón phân được thực hiện tự động, theo một bảng thực đơn chi tiết cho từng tháng, giúp cây cà phê được cung cấp nước và dinh dưỡng một cách đều đặn, hiệu quả.

Ông Sơn lý giải: "Với hệ thống tưới nhỏ giọt, chúng tôi tưới và bón phân định kỳ cho cây cà phê hàng tuần, với tổng số lần bón phân lên tới 30 lần mỗi năm, thay vì chỉ 5 lần như phương pháp truyền thống. Điều này giúp giảm lượng phân bón cần thiết xuống chỉ còn khoảng 1,5 tấn/ha, trong khi trước đây, con số này lên tới 2,5 tấn/ha. Sự đều đặn trong việc bón phân giúp trái cà phê luôn căng mọng và đầy đủ dinh dưỡng, từ đó phát triển tốt hơn và cho hương vị khác biệt khi rang xay".

Nhờ được tưới nước, bón phân đều đặn giúp trái cà phê căng mọng, đều đặn.

Nhờ được tưới nước, bón phân đều đặn giúp trái cà phê căng mọng, đều đặn.

Cũng theo ông Sơn, công nghệ tưới nhỏ giọt còn giúp giữ ẩm cho lớp đất mặt, hạn chế sự lây lan của sâu bệnh và cỏ dại, đồng thời tiết kiệm đáng kể lượng nước, đặc biệt trong mùa khô. Ông Sơn chia sẻ: "Trước đây, vào mùa khô, nông dân thường chỉ tưới để cây sống, không bón phân. Nhưng giờ, với hệ thống này, cây được cung cấp dinh dưỡng liên tục không kể mùa khô hay mùa mưa, phát triển tốt hơn".

Về mặt kinh tế, việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã góp phần giúp gia đình ông Sơn tiết kiệm đáng kể chi phí. Theo đó, trước đây, đầu tư cho 1ha cà phê theo phương pháp truyền thống mất khoảng 150 triệu đồng, trong khi với hệ thống tưới hiện đại, chỉ cần 80 triệu đồng/năm. "Trước đây, 7ha cà phê của gia đình tôi cần 7 công nhân làm việc thường xuyên. Giờ chỉ cần một người ngồi một chỗ, có thể bón phân, tưới tắm cho cả 7ha trong 2 ngày vào mùa mưa, 5 ngày vào mùa khô", ông Sơn nói.

Nhờ vào phương pháp canh tác hiện đại này, gia đình ông đã chủ động kiểm soát sản lượng thu hoạch. Năng suất thu bói vụ đầu sau 30 tháng xuống giống đạt khoảng 4 tấn/ha, những năm tiếp theo duy trì ổn định từ 5-5,5 tấn/ha.

Thời gian qua, đã có không ít đoàn khách nước ngoài ghé thăm vườn cà phê của gia đình ông Sơn.

Thời gian qua, đã có không ít đoàn khách nước ngoài ghé thăm vườn cà phê của gia đình ông Sơn.

Đặc biệt, gia đình ông chỉ thu hoạch khi cà phê đạt độ chín tối đa, với tỉ lệ chín trên 95%. Sau khi thu hoạch, ông sử dụng máy tách những quả xanh còn sót lại và tiến hành chế biến để nâng cao chất lượng cà phê.

Ông Sơn chia sẻ: "Để có được chất lượng quả cà phê và ly cà phê ngon thì việc sơ chế sau thu hoạch rất quan trọng. Theo đó, trái phải chín hoàn toàn, sau khi thu hoạch phải được rửa sạch sẽ, bóc vỏ rồi mới đưa lên giàn để phơi khô. Với việc sơ chế kỹ lưỡng này sẽ giúp cà phê bán ra cao hơn 30.000 đồng/kg so với giá cà phê xô", ông Sơn chia sẻ.

Nhờ phương pháp canh tác hiện đại, gia đình ông thu lợi nhuận khoảng 340 triệu đồng/ha mỗi năm, tổng cộng hàng tỷ đồng từ 7ha cà phê. Mới đây, vào tháng 9/2024, ông Sơn được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk công nhận là nông dân xuất sắc.

Ông Sơn (bìa phải) giới thiệu cho một vị khách nước ngoài về sản phẩm cà phê của gia đình mình.

Ông Sơn (bìa phải) giới thiệu cho một vị khách nước ngoài về sản phẩm cà phê của gia đình mình.

Những năm qua, "vườn cà phê Ông Giáo" của gia đình ông Sơn trở thành địa điểm tổ chức nhiều lượt hội thảo về phương pháp canh tác cà phê mới. Hàng trăm cá nhân và tổ chức trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm. Ông Sơn luôn nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn và chuyển giao quy trình miễn phí, giúp nhiều nông dân tiếp cận lối canh tác mới và thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Cà phê là cây trồng chủ lực của Đắk Lắk và Tây Nguyên. Đây là thức uống thiết yếu của người dân trong nước và trên thế giới. Do đó, tôi mong muốn truyền đạt phương pháp canh tác và chế biến này đến nhiều người hơn nữa, nhằm tăng năng suất, thu nhập và nâng tầm thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới", ông Sơn tâm sự.

Với phương pháp canh tác hiện đại đã giúp năng suất cà phê của gia đình ông Sơn ổn định từ 5-5,5 tấn/ha/năm.

Với phương pháp canh tác hiện đại đã giúp năng suất cà phê của gia đình ông Sơn ổn định từ 5-5,5 tấn/ha/năm.

Vườn cà phê của gia đình ông Giáo đang bước vào thời điểm thu hoạch.

Vườn cà phê của gia đình ông Giáo đang bước vào thời điểm thu hoạch.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trương Công Thiện, Chủ tịch UBND xã Ea Kpam cho biết, gia đình ông Sơn là trường hợp tiên phong ở địa phương áp dụng phương pháp trồng và chăm sóc cà phê theo phương pháp đa thân không hãm ngọn. Hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn từ 2-3 lần so với phương pháp trồng và chăm sóc truyền thống trước đây. Hiện nay, địa phương đang tuyên truyền, vận động bà con nông dân áp dụng theo phương pháp này để cải thiện thu nhập. Thời gian qua, nhiều đoàn cán bộ và bà con nông dân không những trong xã mà còn ở các địa phương khác trong huyện đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm để xây dựng, nhân rộng mô hình trồng, tái canh cà phê đa thân không hãm ngọn nhằm góp phần tăng năng suất, thu nhập.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bi-quyet-canh-tac-ca-phe-giup-gia-dinh-ong-giao-thu-loi-hang-ty-dong-moi-nam-20424112916180494.htm
Zalo