Bị cáo phát hiện SCB sai phạm, nghỉ việc vẫn bị truy tố
Phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tiếp tục diễn ra. Tại tòa, các luật sư trình bày quan điểm bào chữa cho các bị cáo là cựu lãnh đạo ngân hàng SCB và lãnh đạo Thanh tra kiểm soát SCB.
Luật sư cho biết, Bị cáo Lê Anh Phương (nguyên Giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn) nhận chỉ đạo trực tiếp từ Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng Giám đốc SCB – đã mất), sau đó là Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB). Các hồ sơ vay buộc phải được lập theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan. Các bộ phận liên quan đến xét duyệt, cấp tín dụng cho khoản vay phải tuân thủ thực hiện. Nếu không tuân thủ, không đồng ý cho vay thì có thể sẽ bị thay thế, cho nghỉ việc. Năm 2020, bị cáo Phương phát hiện ra các sai phạm tại các khoản vay, bị cáo đã có ý kiến không đồng ý với các khoản vay này. Sau đó, Chủ tịch HĐQT yêu cầu bị cáo lên làm việc và bố trí sắp xếp công việc ở vị trí khác, tuy nhiên bị cáo đã xin nghỉ việc. Vì vậy, Luật sư bào chữa đề nghị HĐXX xem xét lại mức án đề nghị 8-9 năm tù đối với bị cáo Lê Anh Phương.
Đối với bị cáo Trần Văn Tuấn (Cựu thanh tra viên Vụ Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp – Vụ II Thanh tra Chính phủ), luật sư cho rằng báo cáo kết quả thanh tra của Tổ 4 đã phản ánh khách quan, trung thực với tình trạng của SCB. Tuy nhiên, báo cáo này đã bị Đoàn thanh tra cắt bỏ, loại đi nhiều kiến nghị. Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn Tuấn bị Viện Kiểm sát đề nghị phạt 3-4 năm tù, về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”