Những đề xuất của TAND Tối cao về tổ chức các Tòa chuyên trách

Theo dự thảo, phải bảo đảm chuyên môn hóa việc giải quyết, xét xử theo từng lĩnh vực; nếu không tổ chức Tòa chuyên trách thì phải bố trí thẩm phán chuyên trách để giải quyết.

TAND Tối cao đang dự thảo thông tư quy định việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

 Hình minh họa: quang cảnh một phiên tòa. Ảnh: TRẦN LINH

Hình minh họa: quang cảnh một phiên tòa. Ảnh: TRẦN LINH

2 phương án về giải thích từ ngữ

Theo dự thảo, nguyên tắc tổ chức Tòa chuyên trách phải bảo đảm chuyên môn hóa việc giải quyết, xét xử của tòa án theo từng lĩnh vực; trường hợp tại tòa án không tổ chức Tòa chuyên trách thì phải bố trí thẩm phán TAND chuyên trách để giải quyết. Tổ chức các Tòa chuyên trách bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đề nghị tổ chức Tòa chuyên trách theo quy định.

Đáng chú ý tại Điều 3 dự thảo quy định về giải thích từ ngữ đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất là quy định rõ về một số khái niệm. Cụ thể, TAND cấp tỉnh có quy mô đặc biệt lớn là Tòa án đặt tại các trung tâm kinh tế - xã hội, văn hóa của đất nước, có quy mô dân số đông; có số lượng vụ án, vụ việc thụ lý trung bình trong 3 năm liên tiếp đạt trên 3.000 vụ/năm, biên chế có từ 160 người trở lên, trong đó có từ 90 thẩm phán trở lên.

TAND cấp tỉnh có quy mô lớn là tòa án có số lượng vụ án, vụ việc thụ lý trung bình trong 3 năm liên tiếp đạt trên 1.000 vụ/năm, biên chế có từ 50 người trở lên, trong đó có từ 16 thẩm phán trở lên.

TAND cấp tỉnh có quy mô vừa và nhỏ là tòa án có số lượng vụ án, vụ việc thụ lý trung bình trong 3 năm liên tiếp đạt dưới 1.000 vụ/năm, biên chế có dưới 50 người, dưới 16 thẩm phán.

TAND cấp huyện có quy mô đặc biệt lớn là tòa án đặt tại thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc các đơn vị hành chính cấp huyện là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, có quy mô dân số đông; có số lượng vụ án, vụ việc thụ lý trung bình trong 3 năm liên tiếp đạt trên 2.000 vụ/năm.

Phương án 2 là quy định Chánh án TAND Tối cao hướng dẫn việc xác định TAND cấp tỉnh có quy mô đặc biệt lớn, quy mô lớn, quy mô vừa và nhỏ; TAND cấp huyện có quy mô đặc biệt lớn.

Tổ chức Tòa chuyên trách ở địa phương

Về tổ chức Tòa chuyên trách, dự thảo quy định TAND Cấp cao tại Hà Nội và TAND Cấp cao tại TP.HCM có Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và người chưa thành niên. TAND Cấp cao tại Đà Nẵng có Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên.

Việc tổ chức Tòa chuyên trách tại TAND cấp tỉnh được thực hiện như sau:

- Đối với các TAND cấp tỉnh có quy mô đặc biệt lớn được tổ chức 5 Tòa chuyên trách gồm Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính.

- Đối với các TAND cấp tỉnh có quy mô lớn được tổ chức 4 Tòa chuyên trách gồm Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Tòa Hành chính.

- Đối với các TAND cấp tỉnh có quy mô vừa và nhỏ được tổ chức 3 Tòa chuyên trách gồm Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính.

Đối với việc tổ chức Tòa chuyên trách tại TAND cấp huyện thì TAND cấp huyện có quy mô đặc biệt lớn được tổ chức 3 Tòa chuyên trách gồm Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Không tổ chức Tòa chuyên trách tại các TAND cấp huyện khác.

Thẩm quyền của các Tòa chuyên trách

1. Tòa Hình sự xét xử các vụ án hình sự, trừ các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa gia đình và người chưa thành niên; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND trong trường hợp tại Tòa án đó không tổ chức Tòa xử lý hành chính, trừ trường hợp việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa gia đình và người chưa thành niên.

2. Tòa Dân sự giải quyết các vụ án, vụ việc dân sự.

3. Tòa Kinh tế giải quyết các vụ án, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động, phá sản.

4. Tòa Hành chính giải quyết các vụ án hành chính.

5. Tòa gia đình và người chưa thành niên giải quyết các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi; hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND đối với người chưa thành niên; các vụ án, vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của BLTTDS.

Trường hợp tại các Tòa án không tổ chức Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính thì các vụ án, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động, phá sản; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Dân sự.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-de-xuat-cua-tand-toi-cao-ve-to-chuc-cac-toa-chuyen-trach-post830524.html
Zalo