Bệnh viện Nhi đồng 2 ghi dấu mốc 50 ca ghép gan: Hướng tới ghép tạng trở thành hoạt động bình thường
Đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ( 30.4.1975-30.4.2025), Bệnh viện Nhi đồng 2 đã xác lập cột mốc 50 ca ghép gan, và lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép gan từ người cho chết não.
Ca ghép gan từ người hiến chết não đầu tiên
Chiều 18.4, TS-BS Phạm Ngọc Thạch - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết bệnh viện vừa thực hiện thành công ca ghép gan từ người hiến chết não (người đàn ông 50 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho bé gái N.T.N (21 tháng tuổi, ngụ tỉnh Đắk Nông). "Đây là ca ghép gan thứ 50 của bệnh viện và là ca ghép gan từ người hiến chết não đầu tiên", bác sĩ Thạch thông tin.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) thực hiện ca ghép gan đầu tiên từ người cho chết não - Ảnh: BVCC
Theo BSCK 2 Nguyễn Hồng Vân Khánh - Phó trưởng khoa Gan Mật Tụy - Ghép gan (Bệnh viện Nhi đồng 2), khoảng 18 giờ 30 ngày 6.4, bệnh viện nhận thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia có lá gan từ người cho chết não, có nhóm máu AB phù hợp với một bệnh nhi trong danh sách đang chờ ghép tạng của bệnh viện.
Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn ê kíp ghép gan và quyết định nhận gan của người cho chết não này. Ngay lập tức, bệnh viện đã thông báo cho gia đình của bệnh nhi N.T.N (21 tháng tuổi, ngụ tỉnh Đắk Kông). Sau đó, bệnh nhi này đã có mặt tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vào khoảng 3 giờ sáng 7.4.
"Bệnh nhi này không bị teo đường mật, nhưng mắc bệnh lý gan mật: xơ gan, PFIC (ứ mật trong gan tiến triển gia đình) và suy giáp. Bệnh nhi có bệnh lý rất nặng và có cùng nhóm máu AB với người hiến chết não nên được chọn để ghép gan", bác sĩ Khánh cho biết.
Ca ghép gan cho bé gái này được thực hiện vào lúc 19 giờ 45 phút ngày 7.4, kéo dài khoảng 6 giờ đồng hồ. Đến 1 giờ 30 sáng 8.4, ca ghép gan đã thành công.
"Trong giai đoạn đầu, chức năng gan chưa cải thiện nhiều do lá gan của người chết não không đảm bảo bằng người cho sống, nhưng may mắn sau 2 ngày chức năng gan bắt đầu cải thiện, tình trạng đông máu giảm, men gan giảm, vàng da giảm. Đến hôm nay (18.4), bệnh nhi đã ổn định, chỉ hỗ trợ thở áp lực dương liên tục qua mũi (NCPAP), bé đã bắt đầu ăn cháo, chức năng gan được cải thiện thuận lợi", bác sĩ Khánh cho biết thêm.
TS-BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan Mật Tụy - Ghép gan, cho biết cái khó của việc ghép gan từ người cho chết não là sự phối hợp giữa 2 ê kíp (ê kíp mổ lấy gan từ người chết não và ê kíp ghép gan từ người nhận). Đây là 2 ê kíp hoàn toàn khác nhau, ở 2 bệnh viện khác nhau. Trong khi đó, người cho chết não thì gấp rút, không quá 72 giờ. Khi bên lấy gan hoàn thành thì bên ghép phải mở ổ bụng. Điều này phải cần sự phối hợp chặt chẽ, thông tin qua lại bằng điện thoại liên tục.
Ngoài ra, với bệnh nhi này còn có một chút khó khăn là trước khi tiếp cận lá gan không xác định chính xác thể tích mặt gan, mặt gan lớn so với bệnh nhi.
"Đây không chỉ là ca ghép gan thành công đầu tiên từ người cho chết não tại Bệnh viện Nhi đồng 2, mà cũng là ca ghép gan từ người cho chết não đầu tiên trên cả nước được thực hiện tại một bệnh viện chuyên khoa nhi", bác sĩ Trí cho biết thêm.
Ghép tạng sẽ trở thành hoạt động bình thường ở bệnh viện
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cho biết, trải qua hơn 20 năm từng ghép tạng, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện được 50 ca ghép gan, khoảng 34 ca ghép thận. Tuy nhiên, nguồn tạng là một trong những vấn đề cốt yếu khiến cho việc ghép tạng chậm trễ, không như mong muốn, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
"Trước đây, có khi cả năm mới thực hiện 1 ca ghép tạng, còn bây giờ mỗi năm chúng tôi thực hiện từ 12 đến 13 ca. Trong tuần tới, bệnh viện sẽ thực hiện thêm 3 ca ghép gan nữa. Đến năm 2026, khu kỹ thuật cao đi vào hoạt động, bệnh viện chuyển toàn bộ việc ghép tạng sang khu vực đó", bác sĩ Thạch cho biết thêm.
Theo bác sĩ Thạch, ghép gan là phương pháp điều trị triệt để duy nhất cho bệnh nhân mắc bệnh gan mạn tính giai đoạn cuối. Với thành công ngày càng tăng, chỉ định cho việc ghép gan nhi cũng được mở rộng, dẫn đến thực tế tăng nhu cầu gan hiến.
"Nguồn ghép tạng từ người cho chết não là cánh cửa mở ra giúp cho hoạt động ghép tạng của chúng tôi được đẩy nhanh, đẩy mạnh trong giai đoạn hiện nay. Bệnh viện đang có kế hoạch đẩy mạnh việc ghép từ người cho chết não, nhằm mở rộng cơ hội cho các bệnh nhân mắc bệnh gan giai đoạn cuối. Chúng tôi đang phấn đấu tiến đến việc ghép tạng cho trẻ em như một hoạt động phẫu thuật bình thường, được các bác sĩ ở đây thực hiện một cách thuần thục", bác sĩ Thạch nói.