Mùa mưa không lơ là với dịch bệnh

Mùa mưa là thời điểm dễ dàng phát sinh các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt tại các tỉnh miền Nam, trong đó có Sóc Trăng. Những cơn mưa đầu mùa không chỉ mang đến không khí mát mẻ mà còn là cơ hội thuận lợi cho muỗi và các mầm bệnh phát triển. Các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, tiêu chảy cấp... thường gia tăng mạnh mẽ trong mùa mưa, gây lo ngại cho cộng đồng. Để đối phó với tình trạng này, không chỉ ngành y tế mà còn cần sự tham gia tích cực của cộng đồng là vô cùng quan trọng. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân cùng chủ động trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch nhỏ. Sóc Trăng đã triển khai nhiều biện pháp như tuyên truyền, kiểm tra môi trường sống, giám sát sức khỏe cộng đồng và các hoạt động vệ sinh môi trường nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, phòng bệnh vẫn luôn hiệu quả hơn chữa bệnh, và một chiến lược phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng là yếu tố quyết định trong việc kiểm soát dịch bệnh mùa mưa.

Mùa mưa - Thời điểm của nguy cơ dịch bệnh

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát khá tốt. Các bệnh thường xuyên lưu hành tại tỉnh như sốt xuất huyết và tay - chân - miệng có số ca mắc duy trì ở mức thấp, với trung bình khoảng 20 ca mắc mỗi tuần. Tổng số ca mắc tích lũy hiện tại còn thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, lãnh đạo trung tâm cảnh báo rằng chúng ta đang ở đỉnh dịch đầu tiên trong năm, theo chu kỳ của bệnh tay - chân - miệng. Dự báo số ca mắc sẽ tăng cao trong vài tuần tới, đặc biệt khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, dịch bệnh sởi, mặc dù không phải là bệnh đặc trưng của mùa mưa, đã có dấu hiệu ổn định sau khi được tỉnh kiểm soát từ cuối năm 2024. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát vẫn còn tiềm ẩn, đòi hỏi phải tiếp tục cảnh giác.

Vào tháng 4, khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện tại Sóc Trăng, không chỉ đánh dấu sự thay đổi thời tiết mà còn là dấu hiệu của sự gia tăng mối lo về dịch bệnh. Mùa mưa, với những cơn mưa rào mát mẻ, lại là thời gian lý tưởng cho muỗi và các mầm bệnh phát triển. Những bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng và các bệnh tiêu chảy cấp có xu hướng gia tăng trong thời gian này, đặc biệt là trong những năm gần đây.

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Lê Nguyễn Việt An - Phụ trách Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Mùa mưa năm nay, với điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, rất dễ phát sinh các bệnh truyền nhiễm do muỗi và vi khuẩn. Tuy nhiên, ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án kiểm soát dịch bệnh, giám sát chặt chẽ môi trường sống và phối hợp với cộng đồng trong công tác phòng bệnh”.

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc giữ gìn vệ sinh môi trường trong mùa mưa. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc giữ gìn vệ sinh môi trường trong mùa mưa. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Vai trò chủ động của cộng đồng và ngành y tế

Để đối phó với các dịch bệnh mùa mưa, không thể chỉ dựa vào ngành y tế mà còn cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng. Ngành Y tế Sóc Trăng đã vào cuộc từ sớm, triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai chiến dịch tuyên truyền và giám sát. Đội ngũ y tế cơ sở đã được tập huấn và trang bị kiến thức xử lý tình huống khi dịch bệnh bùng phát, đồng thời kiểm tra và giám sát môi trường, các véc tơ truyền bệnh một cách thường xuyên.

Ngoài ra, các chiến dịch truyền thông, phát tờ rơi, loa lưu động và tổ chức vệ sinh môi trường định kỳ là những biện pháp cơ bản nhưng mang lại hiệu quả cao, nhằm nâng cao ý thức người dân. Chính quyền và các cơ quan chức năng không thể lơ là, mà phải tiếp tục giám sát dịch bệnh và xử lý các ổ dịch nhỏ ngay từ khi có dấu hiệu đầu tiên để ngăn ngừa sự lây lan.

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Huỳnh Trung Đoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Sóc Trăng cho biết: “Để kiểm soát dịch bệnh, chúng tôi đã chủ động triển khai nhiều chiến dịch tuyên truyền rộng rãi, phối hợp cùng các đoàn thể và chính quyền địa phương nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc giữ gìn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, cũng như tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược phòng, chống dịch bệnh”.

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Sử Hòa Khánh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ngã Năm cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa các cơ quan y tế và chính quyền địa phương: “Chúng tôi luôn duy trì công tác phòng, chống dịch bệnh chủ động tại cơ sở, đặc biệt là trong mùa mưa, khi các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát mạnh. Tại các xã, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và tuyên truyền người dân về các biện pháp phòng bệnh. Chúng tôi cũng chú trọng đến công tác giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các ổ dịch nhỏ”.

Sự phối hợp đồng bộ từ chính quyền, y tế và cộng đồng

Để đạt được hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, ngành y tế và cộng đồng. Mỗi đơn vị, mỗi người dân đều phải nhận thức rõ vai trò của mình trong công tác phòng ngừa dịch bệnh. Tại các địa phương, nhiều tổ dân phố và đoàn thể đã triển khai các phong trào thi đua “Nhà sạch, ngõ xanh, không có lăng quăng”, nhằm nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Sự chung tay này đã tạo ra một làn sóng ý thức mạnh mẽ trong cộng đồng, giúp hạn chế sự phát triển của dịch bệnh. Các trường học cũng không đứng ngoài cuộc khi chủ động giáo dục học sinh về cách phòng tránh dịch bệnh và vệ sinh cá nhân.

Sự vào cuộc đồng bộ này đã tạo nên những thay đổi tích cực. Nhờ đó, các ca bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng giảm mạnh so với năm trước, và tình hình dịch bệnh trên toàn tỉnh đang dần được kiểm soát.

Nhân viên y tế khám bệnh cho trẻ em tại trạm y tế xã, đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong mùa mưa và ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm như tay - chân - miệng, sốt xuất huyết. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Nhân viên y tế khám bệnh cho trẻ em tại trạm y tế xã, đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong mùa mưa và ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm như tay - chân - miệng, sốt xuất huyết. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Nguyễn Cao Trí - Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Đông (thị xã Vĩnh Châu) chia sẻ: “Công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại xã Hòa Đông luôn được chúng tôi triển khai chủ động, đặc biệt là trong mùa mưa, khi các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát mạnh. Trạm Y tế thường xuyên phối hợp cùng chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể để tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, diệt lăng quăng, giữ gìn vệ sinh môi trường, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch”.

Cộng đồng đã thay đổi nhận thức

Mặc dù đã có những bước tiến tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhưng việc duy trì và củng cố hệ thống giám sát, đặc biệt là nâng cao ý thức cộng đồng, vẫn là yếu tố quyết định trong việc ngăn ngừa sự bùng phát của dịch bệnh.

Anh Phạm Đình Khá, Phường 10 (thành phố Sóc Trăng) chia sẻ: “Tôi thấy trong thời gian qua, chính quyền địa phương và ngành y tế đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Các cán bộ y tế phường thường xuyên đi tuyên truyền đến từng hộ dân, phát tờ rơi, hướng dẫn cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng cũng như kêu gọi người dân vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ”.

Bà Nguyễn Thị Út, xã Phú Hữu (huyện Long Phú) bộc bạch: "Dịch bệnh vào mùa mưa là không thể lơ là, mọi người phải làm theo hướng dẫn của các bác sĩ. Nhà mình thì đã dọn dẹp sạch sẽ, mấy cái chậu, cái thau đổ hết nước, lật úp lại, không để muỗi có chỗ sinh sản. Nói thiệt, trời mưa là mấy con muỗi nó phát triển dữ lắm, gây bệnh sốt xuất huyết. Phải rửa tay sạch sẽ, giữ vệ sinh, nhất là mấy đứa nhỏ phải tiêm phòng đầy đủ. Người dân ở đây, ai cũng được nhắc nhở, ai cũng chung tay phòng chống, chứ không thể chờ mưa rồi mới lo".

Không thể phủ nhận rằng công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa là một cuộc chiến lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, ngành y tế và cộng đồng. Tuy nhiên, chính sự chủ động và sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng này sẽ giúp Sóc Trăng có thể đối phó hiệu quả với dịch bệnh trong mùa mưa, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Mùa mưa là thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh, nhưng cũng là cơ hội để mỗi người dân nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nếu mỗi gia đình, mỗi người dân cùng góp sức, dịch bệnh chắc chắn sẽ không thể lặng lẽ bùng phát.

HOÀNG PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/suc-khoe-va-doi-song/202504/mua-mua-khong-lo-la-voi-dich-benh-e3074fc/
Zalo