Bệnh truyền nhiễm tăng nhanh, nguy hiểm
Thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, số ca mắc sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng trên cả nước gia tăng nhanh vượt mức cùng kỳ năm ngoái và trung bình 3 năm trước, báo hiệu nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát sớm trong thời gian tới. Nhiều bệnh viện cũng đã bắt đầu ghi nhận rải rác các trường hợp mắc viêm não mô cầu, thủy đậu, ho gà, cúm...

Bệnh nhi mắc tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố
Theo thống kê của Bộ Y tế, tuần qua cả nước ghi nhận 4.122 trường hợp nghi sởi, giảm 8,8% so với tuần trước (4.519 trường hợp) và ghi nhận 2 trường hợp tử vong liên quan đến sởi, trong đó một trường hợp đang điều trị ung thư, có nhiều bệnh nền và một trường hợp trẻ nhập viện muộn sau 3 ngày. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác 76.312 trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 8.614 trường hợp dương tính.
Hầu hết số ca mắc sởi tăng nhanh ở các tỉnh phía Bắc. Độ tuổi mắc bệnh đã bắt đầu có sự thay đổi theo nhóm tuổi sau thời điểm kết thúc chiến dịch tiêm vaccine phòng chống bệnh sởi. Cụ thể, so với 3 tháng đầu năm 2025, nhóm từ trên 1 tuổi đến 10 tuổi có số ca mắc sởi chiếm 61,4% đến nay đã giảm còn 6% và giảm nhẹ ở nhóm dưới 1 tuổi. Tuy nhiên có sự gia tăng ở nhóm trên 10 tuổi và người lớn.
Tại khu vực miền Nam, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 476 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 36,6% so với tháng trước. Tổng số ca tích lũy từ đầu năm 2025 đến nay là 3.168. Địa phương có số ca mắc cao gồm quận Bình Tân, quận 8, huyện Nhà Bè. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận 142 trẻ nhập viện do tay chân miệng, tăng cao hơn cùng kỳ năm 2024 và cao hơn trung bình 5 năm trước. Trung bình mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận điều trị từ 30-40 trẻ mắc tay chân miệng.
Bệnh viện đang điều trị cho 3 trường hợp mắc tay chân miệng nặng (độ 3, độ 4), và dự đoán trong tháng tới, tỷ lệ trẻ mắc bệnh này sẽ tăng nhanh. Còn tại Bệnh viện TP Thủ Đức, BS Phạm Hoàng Anh Khoa, khoa Nhi, cho biết từ đầu năm đến nay, đơn vị cũng đã tiếp nhận, điều trị hơn 130 lượt khám tay chân miệng, cao hơn nhiều so với năm ngoái. Số ca bệnh vẫn đang có xu hướng tăng, đa số là trẻ dưới 5 tuổi.
Theo ThS-BS Nguyễn Đình Qui, Phó trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh tay chân miệng xuất hiện vào tháng 4, 5 và tháng 9, 10 hàng năm. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà cả người lớn vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Hiện bệnh chưa có vaccine phòng ngừa, cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, đa số người bệnh sẽ khỏi sau 10-14 ngày. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể chuyển biến nghiêm trọng dẫn đến tử vong. Tay chân miệng dễ lây lan khi tiếp xúc với dịch tiết mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch từ nốt phỏng, hay bề mặt tiếp xúc như bàn ghế, tay nắm cửa, nền gạch, đồ dùng cá nhân của người bệnh…
"Khi trẻ mắc bệnh, biểu hiện ban đầu thường hay sốt, ăn ít, khó chịu và đau họng. Khoảng 1-2 ngày sau khi sốt, trẻ xuất hiện các nốt loét ở lưỡi, lợi và bên trong má gây đau rát. Những nốt ban màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, kèm theo bọng nước tập trung nhiều ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, có thể xuất hiện ở mông và một số nơi khác. Gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện để được khám, điều trị kịp thời, để tránh biến chứng”, ThS-BS Nguyễn Đình Qui khuyến cáo.
Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường truyền thông về tình hình dịch và khuyến cáo phòng bệnh. Bên cạnh đó, rà soát lại đối tượng trẻ từ 11 đến 15 tuổi chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi; người không rõ tiền sử tiêm chủng, chưa từng bị sởi để thực hiện tiêm chủng; đồng thời yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện tốt việc phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân mắc sởi và kiểm soát tốt vấn đề lây nhiễm.