Bệnh sởi bủa vây - y tế cơ sở loay hoay

Tình trạng phụ huynh chủ quan, phản đối việc tiêm vaccine khiến bỏ lỡ các mũi tiêm quan trọng cho con là nguyên nhân khiến số ca mắc sởi tại các địa phương trên cả nước liên tục tăng trong thời gian qua.

 Nhân viên y tế Bệnh viện Việt Nam - Cuba tiêm phòng sởi cho trẻ

Nhân viên y tế Bệnh viện Việt Nam - Cuba tiêm phòng sởi cho trẻ

Trẻ lỡ tiêm chủng vì người lớn chủ quan

Gia đình có điều kiện, tuy nhiên con gái chị Lê Thanh Mai, ở quận Hà Đông, Hà Nội vẫn chưa tiêm một mũi vaccine sởi nào dù đã hơn 2 tuổi. Không chỉ vậy, các loại vaccine phòng bệnh khác cũng không được tiêm đầy đủ.

"Ông bà nội và bố cháu xót con nên không đồng ý cho con đi tiêm, sợ con đau. Còn tôi bận việc nên quên lịch tiêm của con. Vừa rồi con phải vào Bệnh viện Quân y 103 điều trị một tuần, về lại mắc sởi, bệnh nghiêm trọng và kèm theo biến chứng. Cũng may con đã qua giai đoạn nguy hiểm nếu không tôi hối hận cả đời"- chị Mai phân trần.

Trong khoảng ba tháng trở lại đây, số ca mắc sởi đã tăng đáng kể trên cả nước. Chỉ riêng tại Hà Nội, hơn 250 trường hợp mắc sởi đã được ghi nhận. Còn tại Bệnh viện Nhi trung ương, 3 tháng gần đây, mỗi ngày tiếp nhân từ 3-5 ca thậm chí là 10 ca sởi diễn biến nặng.

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương thông tin: "Các trường hợp diễn biến nặng thường chủ yếu là do suy hô hấp tăng lên. Ví dụ em bé khó thở, sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Hoặc là những trường hợp có bệnh lý nền kèm theo mà có dấu hiệu nặng lên. Phần lớn số trẻ này đều chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi".

Theo các chuyên gia, dịch sởi năm 2024 là hệ quả của chu kỳ bệnh dịch tự nhiên kết hợp với lỗ hổng tiêm chủng. Hơn 90% trẻ nhập viện chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ do một bộ phận phụ huynh chủ quan hoặc có tâm lý bài xích với vaccine.

Y tế cơ sở gặp khó

Phụ huynh chủ quan là một trong những nguyên nhân chính khiến cho việc rà soát tiền sử tiêm chủng trong cộng đồng của y tế cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Theo bác sĩ Trần Thị Vân Khánh, Trưởng Trạm Y tế phường La Khê (Q.Hà Đông, Hà Nội), phường vẫn còn hơn 70 trẻ độ tuổi từ 1-5 tuổi chưa được tiêm vaccine phòng sởi.

Đây là những đối tượng mà y tế phường đã mời, gọi nhắc rồi nhưng phụ huynh vẫn không đưa con đi tiêm. Có những trường hợp tuyên truyền vận động nhưng họ nói thẳng là không tiêm phòng.

Việc dân cư đông, dân số di biến động trên địa bàn rất lớn cũng ảnh hưởng đến việc kiểm soát tiền sử tiêm chủng của trẻ. Chỉ riêng phường La Khê đã có hơn 40 nghìn dân. Trong khi đó trạm y tế chỉ có 10 người, việc thống kê, rà soát là vô cùng khó khăn.

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Huy, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đó là tình trạng chung của các đô thị.

"Không phải ai đến địa bàn ở cũng khai báo tạm trú tạm vắng. Không khai báo thì y tế phường/xã không thể đưa vào danh sách quản lý được. Nhiều khi tháng này y tế phường đã rà soát để tiêm hết cho số trẻ từ nơi khác đến nhưng tháng sau, số trẻ ấy chuyển đi và một nhóm trẻ khác nữa lại đến.

Nhóm trẻ mới đến có thể nằm ở vùng trắng tiêm chủng. Nhưng nhân lực cơ sở mỏng khó quản lý hết được. Việc rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ ở các trường học cũng không dễ dàng vì có những trẻ phụ huynh không nhớ hoặc khai báo không đúng thực trạng. Có trường hợp chưa tiêm nhưng phụ huynh vẫn báo là tiêm rồi, đến khi trẻ bị sởi, thành ổ dịch, phụ huynh mới nhận là chưa cho con tiêm phòng".

Vaccine phòng bệnh sởi

Vaccine phòng bệnh sởi

Cần đẩy mạnh các giải pháp lấp lỗ hổng

Trước tình hình dịch bệnh sởi có dấu hiệu gia tăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát công tác điều tra, xử lý ca bệnh ổ dịch sởi tại Thượng Thanh (Q.Long Biên), Xuân La (Q.Tây Hồ), La Khê (Q.Hà Đông).

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Huy, bệnh sởi thường lây lan ở giai đoạn 4 ngày đầu ủ bệnh, trước khi phát ban. Vì vậy đối với địa phương có ổ dịch cộng đồng, y tế cơ sở cần thực hiện điều tra xem trong vòng 4 ngày trước khi có triệu chứng phát ban, bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc với ai để định hướng nguồn lây. Sau đó khuyến cáo họ tự theo dõi sức khỏe và đi tiêm chủng ngay.

"Nếu trong vòng 3 ngày đầu sau khi tiếp xúc, mà đi tiêm phòng sởi thì hiệu quả phòng bệnh sẽ khoảng 60-70%. Nếu tiêm ở ngày thứ 2 sau tiếp xúc, hiệu quả sẽ khoảng 80%. Tiêm ở ngày thứ nhất trong vòng 24 giờ tiếp xúc, hiệu quả phòng bệnh sau khi tiêm đối với người chưa từng tiêm mũi nào hiệu quả sẽ lên tới 90%" - bác sĩ Huy cho biết.

Còn đối các trường học, y tế cơ sở phối hợp với nhà trường, thầy cô để rà soát tiền sử tiêm chủng. Lọc danh sách trẻ chưa tiêm, tiêm một mũi hoặc không nhớ đã tiêm hay chưa, nhờ nhà trường tư vấn cho phụ huynh về nguy cơ mắc bệnh và diễn biến nặng, ảnh hưởng liên quan của mắc sởi ở trẻ. Nhắc nhở phụ huynh cho con em đi tiêm.

"Nếu trường rà soát, tư vấn cho phụ huynh đưa con đi tiêm chủng, làm tốt thì sẽ giảm bớt được nguy cơ xuất hiện ổ dịch trong trường học, y tế cơ sở sẽ có nhiều thời gian, nhân lực hơn để tập trung vào các đối tượng di biến động dân cư trên địa bàn.

Bên cạnh đó, y tế cơ sở cần tiếp tục dựa trên phần mềm, sổ tiêm chủng và các nguồn tin khác để quản lý, nắm bắt đối tượng. Phân theo các cụm của tổ dân phố, nhờ họ thông báo, kết hợp trạm gọi nhắc lịch để phụ huynh lên kế hoạch cho trẻ đi tiêm" - bác sĩ Huy nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Anh Đào

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/benh-soi-bua-vay-y-te-co-so-loay-hoay-20241227174450645.htm
Zalo