Từ trang sách: Tấm vé vô giá
Có thể với một số người, tuổi thơ là nơi chứa đựng vô số kỉ niệm tưởng là đáng quên nhưng khi trưởng thành lại luôn nhớ nhung khôn nguôi...
Tháng ngày quậy phá
Ngắm nhìn bìa và lật từng trang sách, độc giả dễ dàng đoán được cậu bé ở bìa ấy chính là nhân vật “tôi” – “thằng cu Mùi”, và nội dung tác phẩm xoay quanh những tháng ngày thơ ấu của nhân vật “tôi” hồi tám tuổi cùng với ba người bạn trong xóm: Hải cò, con Tủn và con Tí sún.
Nhóm bạn của nhân vật “tôi” đã cùng nhau tạo ra những trò quậy phá động trời, mà chắc chắn chỉ có trẻ con mới có thể làm được.
Tại chương “Đặt tên cho thế giới”, nhân vật “tôi” đã đầu têu cho đám bạn trò chơi mới, được mô tả “kể từ hôm nay, tụi mình không gọi con gà là con gà, con chim là con chim, cuốn tập là cuốn tập, cây viết là cây viết nữa […] Gọi bằng gì cũng được, miễn là không gọi như cũ!”.
Và thật tai hại làm sao khi đám bạn ngây thơ này đã không dừng ở ngưỡng trò chơi, mà còn áp dụng cả vào đời sống thực tế. Rắc rối đã ập đến bởi thứ ngôn ngữ mới mẻ này không được ai công nhận, ngược lại gây ra nhiều phiền hà và khó chịu tới mọi người xung quanh, khiến chỉ một khoảng thời gian ngắn sau, “con chó đã quay trở lại là con chó, thằng cu Mùi đã trở lại là thằng cu Mùi”.
Hay vẫn là “thằng cu Mùi” nhất quyết tin rằng kho báu tồn tại trong khu vườn của nhà Hải, khiến nó bị đào bới “không còn chỗ nào nguyên vẹn. […] Sau mười ngày, đã xuất hiện trong vườn những hục hang và vài cái hố sâu hoắm.
Tới ngày thứ mười một toàn bộ cây cối bắt đầu từ giã cuộc sống”. Chắc hẳn độc giả ai cũng đoán được kết quả của hành trình đi tìm kho báu đầy điên rồ này thông qua câu nói của mẹ Hải cò: “Ôi, lũ giết người!”.
Những kỉ niệm đắt giá
Thông qua những trò nghịch dại của nhóm bạn của nhân vật “tôi”, dường như tác giả muốn gửi gắm tới độc giả thông điệp về lưu giữ tháng ngày tuổi thơ của mình – những kỉ niệm độc nhất vô nhị mà ta chỉ may mắn có được một lần trong cuộc đời.
Bởi lẽ, trẻ em lúc nào cũng nhìn thế giới xung quanh giàu trí tưởng tượng hơn so với người lớn, nên đôi lúc có thể sẽ cảm thấy cuộc sống của mình thật nhàm chán. Cùng với đó, trẻ em cũng rất thích được thử nghiệm những điều mới mẻ, kì lạ, nên thật dễ hiểu tại sao chúng luôn tìm đủ mọi cách để thế giới trở nên thú vị hơn thông qua các trò quậy phá hay những ý tưởng mới mẻ, kì quặc, điên rồ.
Chẳng hạn như những đứa trẻ thích uống nước bằng chai có thể giải thích với lí do rất đơn giản: “Chính vì tất cả mọi người đều uống nước trong ly nên tôi mới thích uống nước trong chai”. Hoặc những đứa trẻ làm vô số các hành động kì quặc khác, từ nhảy chân sáo ngoài đường, đi trên các gờ tường, đội mũ lưỡi trai ngược, có lẽ cũng chỉ muốn được thử nghiệm những điều mới lạ.
Trong tác phẩm, chính tác giả cũng chia sẻ về những trò nghịch ngợm của trẻ con: “Thật là sáng tạo, những đứa trẻ đó. Chúng làm vậy chẳng qua chỉ để cho đời bớt nhạt. Lý do mới lành mạnh làm sao!”.
Nhưng thật không may, khi lớn lên con người vô tình đánh mất dần sự hồn nhiên, ngây thơ ấy. Con người khi ấy thích một cuộc sống ổn định với mọi hoạt động theo đúng cách của nó, chứ không còn thích được thử nghiệm những điều mới mẻ như những tháng ngày trẻ con nữa.
Vì vậy, những điều ta đã làm ngày còn thơ bé tưởng chừng như hư hỏng, kì quặc bỗng hóa thành những kỉ niệm đẹp mà ta cần lưu giữ, không được đánh mất. Những ngày tháng ấy như tượng trưng cho tâm hồn, những cảm xúc chân thật nhất của chúng ta. Nếu như quên đi chính tuổi thơ của mình, tâm hồn của ta sẽ cứ thế dần bị “cào bằng”, trở nên đơn điệu, trống rỗng.
“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” giúp độc giả tìm về những tháng ngày tuổi thơ hồn nhiên, vui tươi với các trò nghịch ngợm, quậy phá của mình. Không chỉ thế, tác giả còn muốn gửi gắm tới độc giả thông điệp về việc gìn giữ những kỉ niệm quý giá ấy, bởi chúng như tượng trưng cho những gì đẹp nhất trong tâm hồn và cảm xúc của mỗi con người.
Tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh được ấn hành bởi Nhà xuất bản Trẻ. Cuốn sách có hình ảnh bìa ẩn chứa những nét vẽ rất độc đáo. Đó là khuôn mặt của một cậu bé chừng 8 - 10 tuổi, trên đầu là một chiếc máy bay giấy đang bay ngang qua.
Tuy chỉ chiếm một phần nhỏ của hình ảnh bìa, nhưng chiếc máy bay như tượng trưng cho hành trình quay ngược thời gian trở về tuổi thơ của một người đã trưởng thành. Không chỉ thế, tất cả các chi tiết của hình ảnh bìa đều rực rỡ và viền bằng màu sáp. Có lẽ cách tô màu này của hình ảnh bìa là có chủ đích, bởi màu sáp hầu như là thứ không thể thiếu trong các bức tranh do trẻ em vẽ.
Điều này giúp độc giả cảm nhận được phần nào sự ngây thơ, hồn nhiên trong tuổi thơ của người ấy, qua đó lật giở các trang sách tiếp theo để tìm hiểu về tháng ngày thơ ấu của nhân vật “thằng cu Mùi” cùng với những người bạn trong xóm của mình, nơi những kỉ niệm đẹp, những tình huống dở khóc dở cười đã xảy ra.