Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong và di chứng thần kinh cao

Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong và di chứng thần kinh cao, làm gia tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội. Việc phát hiện muộn và điều trị chậm trễ đã để lại nhiều di chứng đáng tiếc cho các bệnh nhi.

Phòng ngừa viêm não Nhật Bản: Vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất

Theo các chuyên gia, việc phát hiện bệnh sớm đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giảm thiểu biến chứng. Tuy nhiên, một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất mà các chuyên gia khuyến cáo chính là tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, nhấn mạnh rằng vắc-xin là phương pháp bảo vệ hiệu quả nhất trước virus viêm não Nhật Bản (JEV).

Vắc-xin này tạo ra đáp ứng miễn dịch, giúp cơ thể chống lại virus gây bệnh. Việc tiêm vắc-xin sớm và đầy đủ, đặc biệt đối với trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên, có thể ngăn ngừa bệnh viêm não Nhật Bản và giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh nặng hoặc tử vong.

Nếu đang băn khoăn không biết nên tiêm loại vắc-xin viêm não Nhật Bản nào phù hợp thì theo bác sỹ Hải, vắc-xin được tiêm sớm nhất là vắc-xin tốt nhất. Những vắc-xin viêm não Nhật Bản đã được cấp phép sử dụng rộng rãi đều đã được trải qua quá trình nghiên cứu và thử nghiệm nghiêm ngặt.

Các loại vắc-xin viêm não Nhật Bản đều có tác dụng bảo vệ cơ thể trẻ em và người lớn khỏi virus JEV gây bệnh viêm não Nhật Bản hoặc ít nhất khi nhiễm virus, bệnh sẽ không tiến triển nặng hay để lại các biến chứng nghiêm trọng hơn.

Với câu hỏi độ tuổi nào nên tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản theo bác sĩ Hải, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus JEV đều có thể mắc bệnh viêm não Nhật Bản.

Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ, đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất hiện nay.

Về độ tuổi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản sẽ phù thuộc vào loại vắc-xin người tiêm sử dụng. Trong đó, vắc-xin Imojev được chỉ định tiêm chủng cho trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên và người lớn, còn vắc-xin Jevax được sử dụng tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và người lớn.

Cũng tương tự như các loại vắc-xin khác và bất cứ loại thuốc nào đều có khả năng gây ra tác dụng phụ. Sau khi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản, người tiêm có thể gặp một số phản ứng sau tiêm thông thường, không nghiêm trọng, sẽ tự khỏi và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Các phản ứng tại chỗ phổ biến như đỏ, ngứa, sưng, đau,… Các phản ứng phụ toàn thân như mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, đau cơ,… ở trẻ em có thể sốt còn người lớn có thể phát ban.

Các phản ứng phụ vừa và nghiêm trọng sau tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản rất hiếm khi xảy ra, ước tính tỷ lệ chưa đến 1/1 triệu liều.

Bên cạnh đó, các triệu chứng được cảnh báo sốc phản vệ gồm: Khó thở, tức ngực, thở rít; nổi mề đay, phù mạch nhanh; đau bụng hoặc nôn; tụt huyết áp hoặc ngất; rối loạn ý thức,…

Do vậy, theo dõi các phản ứng sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút là nguyên tắc cần phải tuân thủ sau tiêm tất cả vắc-xin, kể cả vắc-xin viêm não Nhật Bản, vì đây là khoảng thời gian có thể xuất hiện các tác dụng phụ sau tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản sớm, vừa và nặng.

Ngoài ra, sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần tự theo dõi trong 48h nhằm phát hiện các triệu chứng đầu tiên của phản ứng phản vệ để đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/benh-viem-nao-nhat-ban-co-ty-le-tu-vong-va-di-chung-than-kinh-cao-d236368.html
Zalo