Phố Mã Mây trước kia nằm dọc theo bờ sông Hồng, là nơi trên bến dưới thuyền, sầm uất, thương mại diễn ra rất sôi nổi. Theo một số tài liệu xưa, cái tên Mã Mây được ghép từ hai tên phố là Hàng Mã đoạn ở phía Nam và Hàng Mây đoạn ở phía Bắc. Thời Pháp thuộc, còn gọi là phố Quân Cờ Đen. Nhiều thương gia trong nước và nước ngoài tụ họp, buôn bán rồi định cư sinh sống tại đây. Ngày nay, phố Mã Mây trở thành một trong những phố đông khách du lịch đến nhất ở Hà Nội. Ảnh: Lê An
Về ngôi nhà di sản tại 87 Mã Mây, ngôi nhà này được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Nơi đây đã thay đổi chủ nhiều lần. Năm 1945, một thương gia bán thuốc bắc đã mua lại ngôi nhà. Từ năm 1954 - 1999, từng có 5 gia đình sinh sống tại đây. Ảnh: Lê An
Ngôi nhà bắt đầu được trùng tu từ cuối năm 1998, hoàn thành vào ngày 27/10/1999 trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp), được bảo tồn và khôi phục lại dáng vẻ ban đầu. Đặc điểm nhà truyền thống trong khu phố cổ Hà Nội theo dạng hình ống, đa năng sử dụng. Nhà thường hẹp về chiều ngang, rất sâu, các lớp nhà được ngăn cách bởi các lớp sân trong. Trái ngược hoàn toàn với vẻ ngoài nhỏ bé, đơn sơ, bên trong ngôi nhà là một không gian rộng rãi, thoáng đãng, tái hiện một không gian sinh hoạt và kiến trúc tiêu biểu của người Hà Nội xưa. Ảnh: Lê An
Ngôi nhà trở thành điểm thông tin, tuyên truyền, giới thiệu đến người dân và du khách về ngôi nhà phố của người Việt trong khu phố cổ Hà Nội, kỹ thuật xây dựng nhà truyền thống (mặt ngoài công trình, tổ chức không gian bên trong ngôi nhà). Ngày 16/2 /2004, ngôi nhà 87 Mã Mây lđã được công nhận là Di sản cấp Quốc gia. Ảnh: Lê An
Ngôi nhà số 87 phố Mã Mây mang vẻ đẹp cũ kĩ, giản dị tựa như những nét vẽ hay gặp trong tranh. Đây là một trong số rất ít những nhà cổ còn sót lại ở Hà Nội.
Đối với kiểu nhà cổ xưa, phía trong có sân trời lấy ánh sáng, nước mưa làm nước sạch sinh hoạt. Tiếp đến là một gian nhà hậu, rồi đến kho hàng và bếp nấu ăn. Các khoảng sân trong tạo độ thông thoáng và ánh sáng tự nhiên cho ngôi nhà. Ảnh: Lê An
Bộ ấm trà mang những họa tiết truyền thống được trưng bày tại phòng khách của ngôi nhà. Ảnh: Lê An
Trên tầng 2 là gian thờ và phòng ngủ. Vào những ngày giáp Tết, bàn thờ sẽ không thể thiếu những cành đào nhỏ. Ảnh: Lê An
Tranh truyền thống được treo tại gian thờ ngôi nhà cổ. Ảnh: Lê An
Khách quốc tế tham quan tầng hai tại Ngôi nhà Di sản Mã Mây. Ảnh: Lê An
Vì từng có chủ sở hữu là thương gia buôn bán thuốc bắc, phía căn nhà cũng được tái hiện không gian làm thuốc. Ảnh: Lê An
Hơn 100 năm tồn tại trên mảnh đất Hà Nội, ngôi nhà 87 Mã Mây đã trở thành chứng nhân lịch sử, từ những giờ phút chiến tranh gian nguy đến sự phát triển của thành phố. Không chỉ vậy, ngôi nhà ấy còn là dấu mốc vững vàng cho sự hình thành lịch sử kiến trúc khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: Lê An
Ngôi nhà còn được trang trí bởi những loài hoa đặc trưng của Hà Nội. Nhà di sản 87 Mã Mây thực sự là một nơi lưu giữ dấu mốc vững vàng cho lịch sử phát triển kiến trúc của phố cổ Hà Nội. Những đồ vật xưa cũ vẫn được gìn giữ nguyên vẹn như nhắc nhở về những kỷ niệm đẹp, những dấu ấn khó phai mờ dù người xưa đã không còn. Ảnh: Lê An
Vào dịp Tết Ất Tỵ 2025, theo thông báo của Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, điểm di tích Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây sẽ mở cửa tham quan miễn phí từ 14h00 ngày 29/01/2025 đến hết 16h00 ngày 30/01/2025. Ảnh: Lê An
Trần Đình