Tết làng chài
Nép mình bên bờ sông Hồng (khu vực thuộc địa phận xã Hương Nộn, huyện Tam Nông), 'xóm chài' khu 5 là nơi cư ngụ của hơn 30 hộ dân 'đời nối đời' làm nghề chài lưới. Với bà con nơi đây, nếu như không phải ngày lễ Tết, thanh niên sẽ đi làm ăn xa, trung niên thì lênh đênh sông nước, trẻ con thì đến trường... Xóm chài chỉ còn các cụ già ở lại trông nom nhà cửa. Những ngày cuối tháng Chạp, Tết cận kề có lẽ là dịp nơi đây đông vui, nhộn nhịp nhất. Từng chiếc thuyền cá nối nhau tấp bờ 'nghỉ ngơi'. Ngõ xóm rợp cờ hoa. Người sắm cành đào, nhà chung nồi bánh. Tết giản dị, mộc mạc nhưng ấm tình đoàn viên, bạn chài.
Vị Tết trên sông
28 tháng Chạp, “xóm vạn chài” nhộn nhịp hơn hẳn thường ngày bởi nhiều gia đình đang tất bật, hân hoan tổ chức tiệc tất niên, đoàn viên cùng người thân sau chuyến hành trình dài lênh đênh trên sông nước. Tranh thủ tỉa tót cành đào để kịp trưng Tết, ông Lê Văn Tích - một trong những ngư dân đầu tiên của “xóm chài” tâm sự với chúng tôi: Từ khi có chỗ ở ổn định, nhà cửa được xây dựng kiên cố, khang trang, “xóm chài” này mới thực sự đón cái Tết đủ đầy, sum vầy, đầm ấm. Ngày trước lênh đênh trên sông nước, thuyền cá vừa là nhà, vừa là “cần câu cơm”. Cuộc sống chật vật, khốn khó nên Tết cũng chỉ qua loa, đại khái. Có khi, 30 Tết, chúng tôi mới tấp thuyền vào bờ. Chạy vạy đổi cá tôm lấy ít gạo, thịt lợn gói cái bánh chưng cho có không khí Tết... Chẳng mấy khi tổ chức được những buổi tụ họp tất niên như thế này.
Tìm hiểu được biết, 40 năm về trước, khu vực bờ bãi ven sông Hồng thuộc địa phận xã Hương Nộn là nơi ngụ cư của hơn chục thuyền dân làm nghề chài lưới quê ở Thái Hòa, huyện Ba Vì (TP. Hà Nội). Không đất thổ cư, quanh năm họ lênh đênh trên thuyền cá, sống nhờ “gạo chợ nước sông”. Thuyền ít thì 3 nhân khẩu, thuyền nhiều thì 5 - 7 nhân khẩu. Tất cả đùm dúm cùng nhau ăn ở, sinh hoạt trên những chiếc thuyền gỗ cũ kỹ phủ đủ thứ bạt, vải, manh chiếu... Không trú ngụ ổn định ở bất kỳ đâu. Mỗi nơi ở một thời gian, bao giờ nơi đó vơi tôm, cá họ lại dầm chèo men theo dòng nước di cư đến khúc sông khác. Việc học hành của con trẻ vì thế cũng gặp nhiều trở ngại, đa phần là thất học. Thế hệ này nối tiếp thế hệ sau sinh ra, lớn lên trên thuyền rồi lại kiếm kế sinh nhai nhờ thuyền, nhờ sông.
“Bao năm lênh đênh trên thuyền là ngần đấy năm đón Tết dưới sông. Nhớ thuở đó, chiều 30 Tết, các thuyền cá ghép vào nhau và tổ chức ăn uống chung. Người góp thịt lợn, người thêm cặp bánh, bát dưa hành,... bữa cơm ngày Tết vì thế cũng tươm tất hơn. Ngày đầu Xuân, các bạn chài thường di chuyển sang “nhà” nhau để chúc Tết. Dù điều kiện sống còn nhiều khó khăn, cái Tết trên sông nước chỉ đơn sơ, giản dị nhưng cũng là dịp để ngư dân chúng tôi cảm nhận nghĩa tình sông nước, nhắc nhở con cháu không quên vị Tết truyền thống của dân tộc...”, ông Tích bộc bạch.
Ấm áp Xuân an cư
Năm 2002 - mốc thời gian đáng nhớ với nhiều cư ngư dân vạn chài Hương Nộn. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ mua đất, xây nhà ở, những công dân xa lạ ven sông đã lần lượt lên bờ định cư, ổn định cuộc sống. “Xóm chài” khu 5 Hương Nộn cũng được dân làng “định danh” từ đó.
Dẫn chúng tôi tham quan những con đường, ngõ xóm rực rỡ cờ hoa, phong quang sạch sẽ, Bí thư chi bộ khu 5 tấm tắc: “Xóm chài hiện có 32 hộ dân, 135 nhân khẩu, 100% đồng bào công giáo. Sau hơn 20 năm lên bờ định cư, từ chỗ không đất thổ cư, đến nay, 100% gia đình đã xây dựng được nhà ở kiên cố, nhà cao tầng khang trang. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe được quan tâm chú trọng. Việc chăm lo học hành của các cháu trong độ tuổi cũng được bà con coi trọng. Hiện 100% trẻ em trong xóm được đến lớp đúng độ tuổi và hàng năm có từ 5 - 7 cháu học hết bậc THPT, có 2 - 4 cháu thi đỗ vào các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; 100% cư dân đều tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, đóng góp thiết thực vào quá trình xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu tại khu 5....".
Người ta vẫn thường nói “an cư” rồi mới “lạc nghiệp". Từ khi có mảnh đất cắm dùi, cuộc sống của bà con xóm chài như bước sang “trang mới”. Nhiều gia đình tích góp đầu tư mua tàu, thuyền chạy máy không phải chèo tay, đầu tư trang thiết bị đánh bắt, phát triển thêm dịch vụ vận tải đường thủy ... nên nghề mưu sinh trên sông nước cũng đỡ vất vả phần nào. Bà Lê Thị Dục - một trong những gia đình đầu tiên lên bờ định cư phấn khởi chia sẻ: Từ khi được đón Tết trên bờ, chúng tôi phấn khởi lắm. Ngoài có điều kiện mua bán, trang hoàng nhà cửa cho sạch đẹp, ấm cúng trong ngày Tết, bà con trong xóm có điều kiện đi thăm, chúc Tết nhau, tổ chức tiệc tất niên, sum họp. Đặc biệt, trong dịp Tết, địa phương còn tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để bà con xóm chài có dịp giao lưu, chia sẻ, tạo sự gắn kết cộng đồng.
Chiều giáp Tết trên “xóm chài” Hương Nộn, chúng tôi thấy lòng ấm áp hơn bao giờ hết bởi cuộc sống của ngư dân nơi đây nay đã đổi thay nhiều. Tin rằng, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự đồng lòng nỗ lực của xóm chài, những cái Tết an cư, đoàn viên sẽ ngày càng hân hoan, sung túc, nghĩa tình.