Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị áp thuế kỹ thuật số

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/2 (giờ địa phương) tuyên bố ông sẽ ký một bản ghi nhớ về việc áp thuế đối với các quốc gia đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ Mỹ.

Trụ sở Google tại Mountain View, California, Mỹ. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trụ sở Google tại Mountain View, California, Mỹ. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump đang chỉ đạo chính quyền của mình xem xét các hành động đáp trả như thuế quan "để chống lại thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST), tiền phạt, các hoạt động và chính sách mà các chính phủ nước ngoài áp dụng đối với các công ty Mỹ". Ông nhấn mạnh: "Tổng thống Trump sẽ không cho phép các chính phủ nước ngoài chiếm đoạt cơ sở thuế của Mỹ vì lợi ích của riêng họ".

Bản ghi nhớ chỉ đạo văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) gia hạn các cuộc điều tra về thuế dịch vụ kỹ thuật số đã được khởi xướng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump và điều tra bất kỳ quốc gia nào khác sử dụng thuế kỹ thuật số "để phân biệt đối xử với các công ty Mỹ".

Khi được các phóng viên hỏi liệu có ký lệnh áp thuế đối với thuế kỹ thuật số hay không, ông Trump khẳng định: "Chúng tôi sẽ thực hiện điều đó, kỹ thuật số. Những gì họ đang làm với chúng tôi ở các quốc gia khác là rất tệ với kỹ thuật số, vì vậy chúng tôi sẽ công bố điều đó, có thể là hôm nay".

Thuế dịch vụ kỹ thuật số nhắm vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ bao gồm Google của Alphabet, Facebook của Meta, Apple và Amazon đã là nguồn gốc của các tranh chấp thương mại trong nhiều năm qua.

Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Áo và Canada đã áp đặt các loại thuế này, đánh vào doanh thu kiếm được từ các dịch vụ kỹ thuật số được bán trong biên giới của họ. Văn phòng USTR trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đã phát hiện ra các nước này phân biệt đối xử với các công ty Mỹ và đã chuẩn bị các mức thuế trả đũa.

Trưởng USTR của Tổng thống Joe Biden, bà Katherine Tai, vào năm 2021 đã theo dõi các cuộc điều tra này và công bố mức thuế 25% đối với hơn 2 tỉ USD hàng nhập khẩu từ 6 quốc gia, nhưng ngay lập tức đình chỉ để cho phép các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thuế toàn cầu tiếp tục.

Trong diễn biến khác, theo số liệu khảo sát do S&P Global công bố ngày 21/2, hoạt động sản xuất kinh doanh của Mỹ đã gần như đình trệ trong tháng 2/2025 do những lo ngại gia tăng về thuế quan đối với hàng nhập khẩu và cắt giảm sâu chi tiêu của chính phủ liên bang.

Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp của S&P Global, theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống còn 50,4 trong tháng 2/2025, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2023 và giảm so với mức 52,7 của tháng 1. Chỉ số PMI sản xuất tăng từ mức 51,2 của tháng 1 lên mức 51,6 trong tháng 2, song chỉ số PMI dịch vụ lại giảm xuống mức 49,7, mức suy giảm lần đầu tiên kể từ tháng 1/2023, từ mức 52,9 của tháng trước đó.

Mối lo ngại về lạm phát chiếm ưu thế trong cuộc khảo sát của S&P Global. Chỉ số giá đầu vào mà các doanh nghiệp phải trả đã tăng lên mức 58,5 trong tháng 2/2025, từ mức 57,4 của tháng 1. Chỉ số này được thúc đẩy bởi chỉ số giá đầu vào sản xuất tăng cao lên mức 63,5, từ mức 57,4 của tháng 1.

Chỉ số đơn đặt hàng mới mà các doanh nghiệp tư nhân nhận được cũng giảm từ mức 53,7 của tháng 1, xuống còn 50,6 trong tháng 2. Chỉ số việc làm thì giảm từ mức 54,0, xuống còn 49,4.

Theo S&P Global, hoạt động sản xuất kinh doanh giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng do các doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng lo ngại về những chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global Market Intelligence, cho biết nhiều doanh nghiệp đã báo cáo về những lo ngại ngày càng gia tăng về tác động của các chính sách của chính phủ liên bang, từ cắt giảm chi tiêu đến thuế quan và diễn biến địa chính trị.

Cuộc khảo sát của S&P Global được tiến hành từ ngày 10-20/2.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/326230/tong-thong-my-donald-trump-chuan-bi-ap-thue-ky-thuat-so.html
Zalo