'Bắt kịp, tiến cùng và vượt lên' trong chuyển đổi số, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt giúp Việt Nam phát triển trong kỷ nguyên số. Điều này đòi hỏi tinh thần 'bắt kịp, tiến cùng và vượt lên' trong chuyển đổi số. Nhưng làm thế nào để Việt Nam chuyển từ 'số hóa từng phần' sang một cuộc cách mạng chuyển đổi số toàn diện, tạo bước đột phá đưa đất nước tiến xa, vươn mình trong kỷ nguyên mới?

Phóng viên đã trao đổi với TS. Lê Trung Kiên, từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, xung quanh bài viết quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.

+ Thưa TS. Lê Trung Kiên, từ bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm có thể thấy cuộc cách mạng chuyển đổi số là cấp bách, đúng thời điểm. Vậy theo ông, đâu là những lý do khiến Việt Nam không thể trì hoãn cuộc cách mạng này trong bối cảnh hiện nay?

- Tiến sĩ Lê Trung Kiên: Thế giới hiện nay phát triển về khoa học công nghệ và ngày càng đạt được những thành tựu mạnh mẽ của chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực. Những nguồn lực về khả năng sáng tạo, hiệu quả tối ưu hóa trong quản lý, năng xuất lao động và chất lượng tốt, đặc biệt là trình độ cao về nhân lực đã giúp các cường quốc có tốc độ bứt phá nhanh, bỏ xa nhiều quốc gia đang nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình hoặc còn nghèo.

Với Việt Nam, để hạn chế tối đa những trở lực kìm hãm sự phát triển cũng như thấy được tất yếu không thể đảo ngược của việc ứng dụng chuyển đổi số, coi đây là đột phá duy nhất và nhanh nhất để trở thành nước phồn vinh. Đây là cơ hội để các nước đi sau như Việt Nam đi tắt, đón đầu, thu hẹp khoảng cách phát triển.

 Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu. Ảnh: Internet

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu. Ảnh: Internet

Nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên và lao động giá rẻ. Lợi thế này sẽ không còn khi thời kỳ dân số vàng kết thúc và xu hướng dịch chuyển FDI tìm kiếm nhân công chi phí thấp hơn. Năng suất lao động của chúng ta tăng chậm lại, thậm chí có nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực. Tăng trưởng kinh tế gần đây phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài, nhập khẩu công nghệ, linh kiện. Công nghiệp hỗ trợ còn yếu, doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Như vậy có thể thấy, lực lượng sản xuất vẫn còn lạc hậu, chủ yếu là lao động chân tay. Trong khi đó, quan hệ sản xuất hiện hành với các cơ chế, chính sách chưa tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp gây lãng phí thời gian, công sức. Việc chia sẻ, khai thác dữ liệu chưa hiệu quả do thiếu sự liên thông, đồng bộ. Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số còn hạn chế…

Những bất cập trên đã kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất mới, tạo ra những “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ. Và chuyển đổi số chính là “chìa khóa” cho vấn đề này. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất”.

Như vậy, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, mà còn là quá trình thiết lập một phương thức sản xuất mới, tạo ra cuộc cách mạng triệt để trong các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Sự kết hợp giữa con người và trí tuệ nhân tạo, dữ liệu số trở thành tư liệu sản xuất quan trọng, sẽ giúp thay đổi sâu sắc hình thức sở hữu và phân phối thu nhập. Thông qua đó, kích hoạt các nguồn lực mới cho tăng trưởng, lấp đầy các khoảng trống, điểm yếu trong cấu trúc kinh tế hiện nay. Chuyển đổi số sẽ mang đến sức bật mạnh mẽ, giúp Việt Nam bứt phá, cất cánh trong kỷ nguyên mới.

 TS Lê Trung Kiên - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Ảnh: T.Vương

TS Lê Trung Kiên - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Ảnh: T.Vương

+ Chuyển đổi số có thể đóng góp thế nào vào việc xây dựng hệ thống quản lý, hành chính công minh bạch và hiệu quả hơn?

- Tiến sĩ Lê Trung Kiên: Chuyển đổi số giúp cho phương thức quản lý hệ thống một cách nhất quán, đồng bộ, đặc biệt là ích lợi trong việc khơi thông mọi nguồn lực trong hoạt động quản lý Nhà nước, thúc đẩy các cơ quan công quyền làm việc, phục vụ một cách liêm chính, tránh rào cản hay ách tắc, trì trệ trong khâu nào đó của bộ máy hành chính.

Một trong những nội dung quan trọng của chuyển đổi số là xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số. Sự thay đổi phương thức vận hành này sẽ góp phần mang lại nhiều lợi ích cho công tác quản lý hành chính công.

Thứ nhất, chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả xử lý công việc. Các ứng dụng công nghệ số cho phép số hóa, tự động hóa quy trình nghiệp vụ, cắt giảm các khâu trung gian không cần thiết. Nhờ đó, thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính được rút ngắn, giảm thiểu tối đa chi phí và sự chờ đợi của người dân, doanh nghiệp.

Thứ hai, các dịch vụ công trực tuyến toàn trình do chính phủ cung cấp sẽ giúp mọi người thuận tiện hơn, trải nghiệm tốt hơn khi sử dụng. Chỉ với một chiếc điện thoại hay máy tính có kết nối Internet, người dân có thể thực hiện thủ tục hành chính bất cứ đâu, bất cứ lúc nào mà không cần phải trực tiếp đến các cơ quan công quyền.

Thứ ba, việc ứng dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong phân tích, dự báo sẽ hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra quyết sách kịp thời và hiệu quả hơn. Các nhà hoạch định chính sách sẽ tận dụng được sức mạnh của dữ liệu để ra các quyết định dựa vào thông tin chính xác và phù hợp với thực tiễn.

Thứ tư, chuyển đổi số nâng cao tính minh bạch của Chính phủ. Các hoạt động của bộ máy Nhà nước sẽ trở nên “đo đếm được” theo thời gian thực. Việc công khai thông tin, chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động, mức độ hài lòng của người dân với cơ quan công quyền sẽ giúp tăng trách nhiệm giải trình, năng suất lao động trong khu vực công.

Tổng Bí thư trong bài viết cũng nhấn mạnh cải cách, xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là một trong những định hướng trọng tâm trong quá trình chuyển đổi số. Do vậy, song song với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cần tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế theo hướng đa năng, đa lĩnh vực. Lấy phục vụ người dân, giảm chi phí xã hội là trọng tâm. Mặt khác, việc số hóa cũng sẽ mang lại công cụ hiệu quả để chống tham nhũng, tiêu cực trong khu vực công.

+ Theo ông, thực tế về khó khăn, vướng mắc trong chuyển đổi số của chúng ta hiện nay là gì?

- Tiến sĩ Lê Trung Kiên: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi cả nước phải nỗ lực không ngừng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công cuộc này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần khắc phục.

Trước hết, đó là tư duy và nhận thức một bộ phận cán bộ, đảng viên về chuyển đổi số chưa thực sự đầy đủ. Việc quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn còn chậm. Sức ỳ, sự né tránh của một số bộ, ngành, địa phương gây khó khăn cho triển khai trên diện rộng.

 Việc truyền thông, nâng cao nhận thức, dạy kỹ năng số phải được triển khai mạnh mẽ tới từng người dân, doanh nghiệp, địa phương. Trong ảnh là Kiosk y tế thông minh tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Xuân Quỳnh

Việc truyền thông, nâng cao nhận thức, dạy kỹ năng số phải được triển khai mạnh mẽ tới từng người dân, doanh nghiệp, địa phương. Trong ảnh là Kiosk y tế thông minh tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Xuân Quỳnh

Bên cạnh đó, một trong số khó khăn đang đặt ra là bộ máy và các cơ quan hành chính quá cồng kềnh, chức trách nhiệm vụ còn chồng lấn giữa các cơ quan, việc thực hiện tinh giản phải thực sự như một cuộc cách mạng lớn, cần thiết phải mạnh mẽ xóa bỏ một số cơ quan đơn vị hoặc sáp nhập tổ chức, nhân sự, sẽ rất khó khăn cho một nền hành chính số để thực sự tinh gọn, hiệu lực hiệu quả.

Hệ thống thể chế, chính sách cho chuyển đổi số chưa hoàn thiện, còn bất cập, chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn. Các vấn đề mới như kinh tế số, thương mại điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh mạng chưa có khung pháp lý rõ ràng. Nhiều quy định còn rườm rà, cản trở đổi mới sáng tạo.

Một khó khăn nữa là hạ tầng số còn phát triển chưa đồng bộ. Các trung tâm dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật, kết nối băng thông rộng mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn thiếu bài bản. Đặc biệt là nhiều vùng sâu, vùng xa chưa có kết nối internet. Mạng 5G chưa được phổ cập rộng rãi trên toàn quốc.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã chỉ rõ trong bài viết một số hạn chế của chuyển đổi số Việt Nam: “Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn hạn chế. Vẫn tồn tại những thủ tục hành chính rườm rà, lạc hậu, qua nhiều khâu, nhiều cửa, mất nhiều thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp, dễ nảy sinh tham nhũng vặt, cản trở phát triển. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương và cơ sở dữ liệu quốc gia chưa thông suốt; nhiều dịch vụ công trực tuyến chất lượng thấp, tỷ lệ người sử dụng chưa cao”.

Một thách thức nữa là nguồn nhân lực công nghệ thông tin vừa thiếu về số lượng, yếu về trình độ. Chúng ta còn phụ thuộc lớn vào các chuyên gia nước ngoài. Trong khi đó, việc ứng dụng và làm chủ công nghệ lõi, phát triển các sản phẩm “Make in Vietnam”, chủ động tạo ra các nền tảng số còn hạn chế. Bên cạnh đó, số đông người dân, doanh nghiệp, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi còn nhiều bỡ ngỡ, chưa sẵn sàng thích ứng với môi trường số.

Để chuyển đổi số thành công, tôi cho rằng trước hết phải nhanh chóng khắc phục những rào cản về thể chế, tháo gỡ nút thắt ở cơ chế chính sách, tạo môi trường cởi mở, minh bạch cho kinh tế số. Mặt khác, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần được đãi ngộ, khuyến khích nghiên cứu, đầu tư cho chuyển đổi số. Việc truyền thông, nâng cao nhận thức, dạy kỹ năng số phải được triển khai mạnh mẽ tới từng người dân, doanh nghiệp, địa phương. Đó sẽ là những tiền đề quan trọng giúp chuyển đổi số thực sự lan tỏa và đi vào chiều sâu.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả thực chất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, bắt đầu từ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm tổ chức thực hiện nhanh, mạnh, triệt để các nhiệm vụ trong công cuộc chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, cần tổ chức các giải pháp mang tính chiến lược về chuyển đổi số, kiên định theo đuổi công cuộc đổi mới ở tầm cao mới, với trình độ mới, phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại. Đồng thời, phải tiến hành cải cách mạnh mẽ về bộ máy, bảo đảm tính tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả trong việc thực thi các chiến lược chuyển đổi số. Có như vậy, chuyển đổi số mới không chỉ thành công mà còn tạo ra sự chuyển biến thực chất, bền vững và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

+ Tổng Bí thư nhấn mạnh chuyển đổi số phải là một cuộc cách mạng thực sự và chỉ rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm. Vậy theo ông, nếu thiếu một trong các yếu tố then chốt này thì cuộc cách mạng chuyển đổi số có thể đạt được thành công như kỳ vọng?

- Tiến sĩ Lê Trung Kiên: Thông điệp của Tổng Bí thư trong bài viết rất rõ ràng. Đó là chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là cuộc cách mạng về chất. Và để chuyển đổi số thực sự tỏa sáng, tạo ra những đột phá cho sự phát triển đất nước, tôi cho rằng chúng ta cần đảm bảo 4 yếu tố quan trọng.

Một là, phải có sự quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền phải nhận thức sâu sắc, quán triệt nghiêm túc chủ trương về chuyển đổi số. Người đứng đầu là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và chịu trách nhiệm đến cùng. Sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị với tinh thần “quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả” sẽ tạo nên sức mạnh to lớn cho cuộc cách mạng này.

Hai là, phải xây dựng thể chế đi trước một bước. Hành lang pháp lý cho kinh tế số phải toàn diện, đồng bộ và cập nhật với xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các cơ chế, chính sách cần chú trọng vào khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Rà soát những rào cản thể chế, luật pháp phải phù hợp với sự vận động của nền kinh tế mới, đặc biệt là các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, cần có các chính sách nhằm bảo vệ an ninh mạng, an toàn thông tin, sở hữu dữ liệu của người dùng.

 Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất. Ảnh: Shutterstock

Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất. Ảnh: Shutterstock

Ba là, hạ tầng số phải được đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ. Mạng viễn thông, Internet băng thông rộng phủ rộng toàn quốc, bảo đảm dung lượng lớn, tốc độ cao. Dữ liệu số, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp cần được xây dựng và kết nối, chia sẻ giữa các cơ quan. Đây sẽ là nền tảng xây dựng các ứng dụng trên môi trường số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và cải cách thủ tục hành chính thực chất.

Bốn là, phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số. Đào tạo những công dân số với tư duy đổi mới, sáng tạo và các kỹ năng mới là nhiệm vụ cấp bách. Cần có các chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút nhân tài trong nước và thế giới về phục vụ chuyển đổi số. Đồng thời, mở rộng hợp tác về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với các nước phát triển trong lĩnh vực này.

+ Nếu những quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về chuyển đổi số của Tổng Bí thư được thể hiện trong nghị quyết Đại hội Đảng sắp tới, theo ông đây sẽ là “cú hích” như thế nào cho công cuộc chuyển đổi số và phát triển đất nước ta trong thời gian tới?

- Tiến sĩ Lê Trung Kiên: Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số là một tư tưởng chiến lược mang tính đột phá, khẳng định tầm quan trọng sống còn của công cuộc này với phát triển đất nước trong thời gian tới. Nếu những quan điểm mang tính chỉ đạo này được thể hiện rõ ràng trong văn kiện Đại hội XIV, nó sẽ trở thành kim chỉ nam cho cả hệ thống chính trị trong việc triển khai quá trình chuyển đổi số thời gian tới.

Trước hết, sự xuất hiện của chủ trương này trong nghị quyết đại hội sẽ thể hiện sự quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, phản ánh nhận thức đúng đắn, sâu sắc về cuộc cách mạng chuyển đổi số. Đồng thời, nó sẽ thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị ở các cơ quan, bộ ngành, địa phương, nâng chuyển đổi số thành quốc sách, sự nghiệp của toàn dân.

Điều này sẽ tạo tiền đề thuận lợi để ban hành các chính sách, chiến lược chuyển đổi số mang tính toàn diện, dài hạn và ổn định, hướng đến xây dựng nền kinh tế số, xã hội số với sự tham gia của toàn dân. Chúng ta sẽ có khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ hơn để triển khai các nhiệm vụ như xây dựng hạ tầng số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi nhận thức của người dân và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ…

Với tinh thần đồng tình, đồng ý, đồng chí và nhất quán cao độ của Đảng và hệ thống chính trị, tôi rất tin tưởng rằng nếu những quan điểm mới, tư tưởng lớn về chuyển đổi số của Tổng Bí thư được hiện thực hóa bằng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, nó sẽ là ngọn cờ tiên phong đưa chuyển đổi số thực sự đi vào chiều sâu, tạo ra bước đột phá cho lực lượng sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Đồng thời, với khát vọng của nhân dân được thôi thúc và lan tỏa sâu sắc, tôi kỳ vọng vào một dân tộc mà mỗi người sẽ ý thức được trách nhiệm vươn mình, trở thành động lực chuyển đổi số và hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

+ Trân trọng cảm ơn!

Minh Chí (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bat-kip-tien-cung-va-vuot-len-trong-chuyen-doi-so-dua-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-post327751.html
Zalo