Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh
Ủy ban nhân dân tỉnh có Kế hoạch số 3295/KH-UBND ngày 29/11/2024 về việc thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.
Nhằm cụ thể hóa Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 09/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đồng thời, gắn với mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đối với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản để hình thành khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản được khoanh vùng và hoạt động hiệu quả, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch với các nội dung cụ thể.
Mục tiêu đến năm 2030, đối với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản sẽ hình thành khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản được khoanh vùng và hoạt động hiệu quả; đối với khai thác thủy sản sẽ hình thành 6 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn; 100% người dân không sử dụng chất nổ, xung điện, kích điện, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.
Tầm nhìn đến năm 2050, sẽ phát triển ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; gắn sản xuất nuôi trồng thủy sản với bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn sinh học, quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản cùng với phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh là thành tố quan trọng để góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, thu nhập cho người dân.
Đối với việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, xác định các khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn là khu vực thủy sản tập trung theo mùa sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống; khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản là nơi cư trú, tập trung sinh sản, nơi thủy sản còn non tập trung sinh sống thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm hoặc loài thủy sản bản địa; Lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen của các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài bản địa, loài đặc hữu, loài có giá trị kinh tế. Chủ động giám sát, dự báo, cảnh báo môi trường sống của các loài thủy sản, kịp thời phát hiện xử lý ô nhiễm, suy thoái trên các thủy vực sông, hồ.
Nội dung quy hoạch giai đoạn 2025 - 2030 được UBND tỉnh xây dựng cụ thể:
Đối với khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực Suối Lê nin, từ Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó đến khu di tích lịch sử Kim Đồng thuộc xã Trường Hà (Hà Quảng), diện tích 15 ha.
Đối với khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, gồm 6 khu vực: (1) Sông Quây Sơn: Đoạn từ sông chảy vào địa phận xã Đàm Thủy đến khu vực Thác Bản Giốc thuộc huyện Trùng Khánh, diện tích 78 ha, thời gian cấm khai thác từ ngày 2/2 - 30/4 hằng năm; (2) Sông Bằng Giang: Đoạn chảy qua các khu vực xã Hồng Nam (Hòa An); xã Tiên Thành và Thị Trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa), diện tích 205 ha, thời gian cấm khai thác từ ngày 2/2 - 30/4 hằng năm; (3) Sông Hiến: Khu vực chảy qua địa phận xã Lê Chung (Hòa An), diện tích 13 ha, thời gian cấm khai thác từ ngày 2/2 - 30/4 hằng năm; (4) Sông Bắc Vọng: Khu vực sông chảy qua xã Đoài Dương (Trùng Khánh), diện tích 32 ha, thời gian cấm khai thác từ ngày 2/2 - 30/4 hằng năm; (5) Sông Gâm: Từ xã Cô Ba và xã Khánh Xuân đến thị trấn Bảo Lạc (Bảo Lạc), diện tích 59 ha, thời gian cấm khai thác từ ngày 1/4 - 30/7 hằng năm; (6) Sông Gâm: Từ xóm Nà Xiêm đến xóm Nà Ròa thuộc xã Bảo Toàn (Bảo Lạc), diện tích 65 ha, thời gian cấm khai thác từ ngày 1/4 - 30/7 hằng năm.
Thực hiện kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường xử lý hoạt động sử dụng xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt, khai thác loài có kích thước nhỏ hơn quy định, khai thác, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
Xác định và bảo vệ đường di cư tự nhiên của các loài cá: Cá Chiên, cá Anh Vũ, cá Lăng Chấm... có mặt tại các hệ thống sông trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức khai thác nguồn lợi thủy sản hiệu quả, bền vững với tiềm năng thủy sản, diện tích mặt nước tự nhiên của địa phương. Khai thác đi cùng với bảo vệ tại các sông, hồ tự nhiên, đảm bảo sinh kế cho người dân. Khai thác kết hợp với bảo vệ và tái tạo phát triển nguồn lợi thủy sản, cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên môi trường, đảm bảo ổn định cân bằng sinh thái trong các thủy vực. Điều chỉnh tỷ trọng sản lượng khai thác tự nhiên và nuôi trồng thủy sản. Giảm dần lượng thủy sản khai thác ngoài tự nhiên, tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng với các loài thủy sản truyền thống cho năng suất và có giá trị kinh tế.
Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị của nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, bảo vệ khu vực thủy sản tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống. Đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, lựa chọn các phương thức truyền thông phù hợp với văn hóa, tập quán, điều kiện của địa phương để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.
Ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu bảo tồn và phát triển các loại thủy sản quý, hiếm của tỉnh; tiếp nhận làm chủ công nghệ tiên tiến sản xuất nhân tạo giống và nuôi các loại thủy sản đặc sản phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; hoàn thiện quy trình kỹ thuật, xây dựng mô hình nuôi lồng, bè kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái, gắn kết giữa nuôi trồng, khai thác với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ nghiên cứu bảo tồn, lưu giữ nguồn gen các giống loài thủy sản đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị khoa học; thả tái tạo một số loài thủy sản có giá trị kinh tế, loài thủy sản bản địa, đặc hữu, loài nguy cấp, quý, hiếm, bổ sung nguồn giống thủy sản phục vụ công tác tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái thủy sinh. Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào công tác phát triển khoa học công nghệ trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, khai thác nguồn lợi thủy sản hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường. Ứng dụng công nghệ nuôi thương phẩm cho các loài cá có giá trị như cá Lăng, cá Chiên, cá Bỗng, cá Rầm xanh, cá Anh vũ… Xây dựng cơ chế liên kết, phối hợp giữa các địa phương, các cơ quan liên quan để sử dụng hiệu quả, chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm trong bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản đặc sản bản địa.