Có gì đáng chú ý trong cuộc họp bất thường lần 2 của Eximbank sắp tới?
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã: EIB) vừa công bố nghị quyết HĐQT, thông qua kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào đầu năm 2025.
Theo nghị quyết HĐQT vừa được công bố của Eximbank, đại hội tới đây của ngân hàng dự kiến được tổ chức vào ngày 26/2/2025 tại TP Hà Nội. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền dự họp và biểu quyết tại ĐHĐCĐ là ngày 26/12/2024. Địa điểm cụ thể sẽ được nêu tại thông báo mời họp gửi cổ đông.
Nội dung xoay quanh ĐHĐCĐ bất thường lần này của Eximbank là việc bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020 – 2025), và sửa đổi bổ sung điều lệ của ngân hàng.
Số lượng nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào Ban kiểm soát Eximbank là 3 thành viên, thời gian nhận hồ sơ đề cử từ 8h30 – 17h ngày 2/1/2025.
Hồ sơ đề cử gửi về Eximbank sau 17h ngày 2/1/2025 được coi là không hợp lệ và sẽ không được xem xét, ngoại trừ các hồ sơ, tài liệu gửi bổ sung, hoàn thiện theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, theo yêu cầu của HĐQT Eximbank hoặc của Tiểu ban rà soát hồ sơ nhân sự được HĐQT Eximbank thành lập.
Thời gian Eximbank dự kiến kiểm tra, rà soát hồ sơ đề cử là 3/1/2025. Sau đó, ngân hàng sẽ trình hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự bổ sung để tiến hành bầu cử tại ĐHĐCĐ.
Hiện Ban kiểm soát của Eximbank có 2 thành viên, gồm bà Doãn Hồ Lan và Phạm Thị Mai Phương. HĐQT nhà băng này có 5 thành viên, gồm Chủ tịch Nguyễn Cảnh Anh; Phó chủ tịch Đỗ Hà Phương và ông Trần Tấn Lộc. Hai thành viên độc lập còn lại là ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng.
Eximbank tiếp tục triệu tập phiên họp bất thường trong bối cảnh nhà băng này vừa tổ chức thành công phiên họp bất thường năm 2024 vào ngày 28/11.
Trong cuộc họp này, Trưởng ban kiểm soát Ngo Tony đã bị miễn nhiệm theo đề xuất của một nhóm cổ đông nắm trên 5% vốn. Ngoài ông Ngo Tony, hai Phó chủ tịch Eximbank là ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú cũng bị miễn nhiệm.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 28/11, ông Ngo Tony được nhóm cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ Eximbank đề nghị miễn nhiệm do đã có hành vi lạm dụng/lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Điều lệ Ngân hàng Eximbank và Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban kiểm soát, gây ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi của cổ đông.
“Tính đến ngày hôm nay, tôi đã làm việc tại Ngân hàng Eximbank được gần 1.000 ngày. Với tư cách Trưởng Ban kiểm soát, tôi đã cùng các thành viên Ban kiểm soát đã làm việc và đưa ra và phát hiện 2.203 rủi ro, trong đó có 1.446 rủi ro cao và rất cao, chiếm 66%. Khi phát hiện thì chúng tôi đã đưa ra kiến nghị để giúp Eximbank tiết kiệm và bảo vệ hàng ngàn tỷ đồng,” ông Ngo Tony chia sẻ tại đại hội
Tuy nhiên trong thời gian giám sát 10 tháng đầu năm 2024, ông Ngo Tony nhận thấy bên cạnh những thành quả Eximbank đạt được, ngân hàng cũng phải đối mặt với các vấn đề lớn như chất lượng tài sản giảm xuống; vấn đề về cấp tín dụng mới chúng ta có một số việc cần phải làm, đặc biệt với việc chất lượng tài sản giảm, thể hiện qua các chỉ số nợ xấu, nợ quá hạn và nợ có khả năng mất vốn.
Vấn đề này ông Ngo Tony đã nhiều lần đề cập tại các cuộc họp với Ban điều hành, cũng như các thành viên HĐQT, tuy nhiên vẫn chưa có các hành động mang tính nghiêm túc để chỉnh sửa các vấn đề cần phải khắc phục. Do đó ông Ngo Tony đã có thư gửi các cơ quan chức năng, xác minh các dấu hiệu rủi ro để ngân hàng hoạt động một cách hiệu quả.
“Tôi bất ngờ khi nhận được đề nghị của một nhóm cổ đông sở hữu trên 5% cổ phần miễn nhiệm mình. Tôi muốn hỏi là căn cứ nào để xác minh tôi lạm dụng chức quyền, gây ảnh hưởng nặng nề lên ngân hàng,” ông Ngo Tony cho biết.
Ngoài ra, ông Ngo Tony cho biết sau khi gửi thư đến cơ quan chức năng trong thời gian chờ đợi điều tra, kết luận thì không hiểu vô tình hay cố ý, HĐQT lại đồng ý đưa tờ trình miễn nhiệm ông vào nội dung họp.
Đại hội cổ đông vừa qua cũng chốt việc chuyển trụ sở chính từ TP HCM ra Hà Nội. Nhưng chủ trương chấm dứt đầu tư xây trụ sở tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm (TP HCM) và tờ trình sửa điều lệ ngân hàng để đổi tên địa chỉ trụ sở chính chưa được thông qua.