Sau một đêm thiết quân luật, chứng khoán Hàn Quốc và đồng won giảm mạnh giá trị
Trước bất ổn chính trị tối 3/12 đến rạng sáng 4/12, thị trường chứng khoán Hàn Quốc lao dốc nhanh trong khi đồng won giảm mạnh 2,5% so với đồng USD, rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua.
Đêm 3/12 rạng sáng ngày 4/12, Tổng thống Yoon Suk-yeol ban bố lệnh thiết quân luật tại Hàn Quốc, áp đặt các biện pháp như đình chỉ quốc hội hoạt động và kiểm soát báo chí nước này cũng như cấm tụ tập biểu tình.
Lý do được Tổng thống Hàn Quốc đưa ra là nhằm đối phó với thế lực "chống phá, thân Triều Tiên". Tuy ông Yoon Suk-yeol đã chấp nhận gỡ bỏ thiết quân luật theo kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội nhưng vẫn gây ra tổn thất không nhỏ cho nền kinh tế nước này.
Đồng won xuống mức thấp nhất 8 năm qua sau lệnh thiết quân luật tại Hàn Quốc
Tính đến sáng 4/12, đồng won đã phục hồi so với USD ở mức 1.415 won đổi 1 USD, tăng khoảng 1,7% so với mức thấp nhất ghi nhận vào đêm 3/12. Ngay sau khi lệnh thiết quân luật được ban bố, đồng won ghi nhận biến động mất giá mạnh so với USD. Giá đồng nội tệ Hàn Quốc giảm hơn 2,5% so với đồng bạc xanh trong đêm 3/12, xuống mức 1.442 won đổi 1 USD, xác lập mức thấp nhất trong 8 năm qua.
Đồng won chịu áp lực khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc liên tục hạ lãi suất mạnh nhằm kích thích nền kinh tế. Nhà đầu tư có xu hướng rút vốn khỏi Hàn Quốc bởi lo ngại nền kinh tế xuất khẩu nước này sẽ chịu ảnh hưởng nặng từ thuế quan Mỹ đe dọa áp lên Trung Quốc. Những yếu tố đó khiến giá nội tệ nước này mất hơn 9% từ đầu năm đến nay, trở thành một trong những đồng tiền có diễn biến tệ nhất châu Á.
Rong Ren Goh - Giám đốc danh mục đầu tư tại Eastspring Investments (Singapore) nhận xét: "Đồng won vốn chịu sức ép từ rủi ro Mỹ áp thuế nhập khẩu. Diễn biến mới nhất này càng khiến tình hình tệ đi".
Chứng khoán giảm điểm sau khi lệnh thiết quân luật tại Hàn Quốc được ban bố
Theo CNBC, thị trường chứng khoán Hàn Quốc chìm trong sắc đỏ khi quốc gia này trải qua một đêm biến động về chính trị.
Hai chỉ số chính của chứng khoán Hàn Quốc là Kospi và Kosdaq giảm lần lượt 45,5 điểm (-1,8%) xuống 2.454 điểm và 16,4 điểm (-2,4%) xuống 674 điểm.
Cổ phiếu của tập đoàn công nghệ Samsung Electronics giảm gần 1% trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution và nhà sản xuất ô tô Hyundai Motor giảm lần lượt giảm 2,8% và 2,4%.
Cổ phiếu của SK Hynix, công ty sản xuất chip khổng lồ, giảm nhẹ 0,1%. Trái ngược, cổ phiếu của Internet Naver Corp và nhà sản xuất pin Samsung SDI giảm hơn 2,5%.
Tại bộ chỉ số Kospi đều giảm điểm, trong đó cổ phiếu Korea Gas Corporation dẫn đầu đà giảm với biên độ hơn 14%.
Những diễn biến tiêu cực kể trên khiến vốn hóa thị trường chứng khoán Hàn Quốc bị thổi bay hàng chục tỉ USD.
Trên sàn chứng khoán Mỹ, các cổ phiếu liên quan đến Hàn Quốc biến động mạnh phiên 3/12. iShares MSCI South Korea ETF - theo dõi hơn 90 doanh nghiệp lớn và vừa tại Hàn Quốc có thời điểm đã giảm tới 7%, xuống mức thấp nhất trong 52 tuần sau những diễn biến bất ổn chính trị.
Cuối giờ giao dịch, ETF này đã thu hẹp đà giảm và đóng cửa với mức giảm 1,6% sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố dỡ bỏ lệnh thiết quân luật.
Theo hãng thông tấn Yonhap, cơ quan quản lý tài chính Hàn Quốc sẵn sàng triển khai 10.000 tỉ won (7,07 tỉ USD) vào quỹ bình ổn thị trường chứng khoán bất cứ lúc nào để xoa dịu tâm lý nhà đầu tư.
Trong khi đó, nguồn tin từ Reuters tiết lộ các cơ quan quản lý ngoại hối của Hàn Quốc có thể đã bán USD ra thị trường vào sáng 4/12 nhằm hạn chế đà mất giá của đồng won.
Sáng 4/12, hội đồng chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ nhóm họp bất thường.
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc và Nhật Bản tại Ngân hàng Standard Chartered Park Chong Koon cho biết, tình trạng hỗn loạn chính trị đã giáng một đòn mới vào thị trường tài chính của quốc gia này, thúc đẩy dòng vốn chảy ra ngoài và làm suy yếu đồng tiền nội tệ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Citi đánh giá: "Tác động tiêu cực lên nền kinh tế và thị trường tài chính Hàn Quốc có thể chỉ kéo dài trong ngắn hạn. Bất ổn chính trị và kinh tế có thể nhanh chóng giải quyết nhờ phản ứng chính sách chủ động".