Điều chỉnh tiếp diễn, cầu bắt đáy đang hoạt động tích cực
Những xáo trộn từ chứng khoán Hàn Quốc sáng nay hầu như không ảnh hưởng gì tới thị trường Việt Nam, các gia dịch vẫn diễn ra chậm và thanh khoản ở mức trung bình. Áp lực bán hạ giá đang chiếm ưu thế, toàn thời gian VN-Index nằm dưới tham chiếu và số mã đỏ nhiều áp đảo, nhưng biên độ giảm không nhiều. Dòng tiền bắt đáy đang nâng dần giá lên, khá nhiều cổ phiếu đảo chiều thành công...
Những xáo trộn từ chứng khoán Hàn Quốc sáng nay hầu như không ảnh hưởng gì tới thị trường Việt Nam, các gia dịch vẫn diễn ra chậm và thanh khoản ở mức trung bình. Áp lực bán hạ giá đang chiếm ưu thế, toàn thời gian VN-Index nằm dưới tham chiếu và số mã đỏ nhiều áp đảo, nhưng biên độ giảm không nhiều. Dòng tiền bắt đáy đang nâng dần giá lên, khá nhiều cổ phiếu đảo chiều thành công.
VN-Index chạm đáy lúc 10h25, giảm gần 7,3 điểm (-0,58%). Tuy nhiên đến cuối phiên sáng mức giảm đã co lại còn -2,3 điểm tương đương -0,18% so với tham chiếu. Độ rộng tại đáy ghi nhận 86 mã tăng/232 mã giảm và kết phiên là 131 mã tăng/218 mã giảm.
Như vậy số lớn cổ phiếu vẫn đang đỏ và nhịp hồi diễn ra chủ đạo ở vùng đỏ. Khoảng 50 mã đảo chiều thành công và lợi thế đang thuộc về các cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Chỉ số Smallcap đang tăng 0,2% với 69 mã xanh trong tổng số 131 mã của sàn HoSE.
Sàn này hiện cũng có 48 cổ phiếu tăng trên 1%, phần lớn thanh khoản thấp. Đây là lợi thế tự nhiên vì áp lực bán yếu giúp dòng tiền đỡ giá thuận lợi hơn. Các cổ phiếu đang thu hút dòng tiền nổi bật ở nhóm tăng là HAH khớp 74,6 tỷ đồng, giá tăng 1,36%; VTP với 69,5 tỷ, giá tăng 2,11%; HDC với 65,2 tỷ, giá tăng 2,57%; SIP với 63,2 tỷ, giá tăng 1,43%; HDG với 57,2 tỷ, giá tăng 1,75%... Các mã như AGG, APH, HTN, VCA còn tăng kịch trần nhưng giao dịch hạn chế.
Nhóm blue-chips lại đang là các mã yếu nhất, chỉ số VN30-Index giảm 0,41% với 6 mã tăng/22 mã giảm. 5 mã trong rổ này đang giảm quá 1% là MWG giảm 1,84%, VRE giảm 1,69%, BVH giảm 1,34%, POW giảm 1,19% và VPB giảm 1,04%. Trong số này duy nhất VPB thuộc Top 10 vốn hóa của chỉ số VN-Index nên ảnh hưởng cũng không quá nhiều. Ngược lại, VCB tăng 0,54%, FPT tăng 0,28% và GAS tăng 0,73% cũng là trụ rất lớn.
Diễn biến phục hồi giá cũng đang xuất hiện ở tất cả các cổ phiếu trong rổ VN30. VCB, GAS, FPT cũng chính là các mã xuất sắc nhất: VCB phục hồi 1,08% so với giá thấp nhất, GAS lên khoảng 1,02% và FPT là 1,82%.
Mở rộng ra toàn bộ cổ phiếu trong VN-Index, khoảng 27% số mã đã phục hồi từ 1% trở lên so với giá đáy trong tổng số 76,8% số mã đã “thoát đáy”. Điều này thể hiện có dòng tiền vào mua và tạo được hiệu ứng phục hồi nhất định. Điểm số của chỉ số đang lên dần về phía tham chiếu là có sự ủng hộ của số đông, không chỉ nhờ nâng trụ VCB, GAS hay FPT.
Thanh khoản khớp lệnh HoSE phiên sáng giảm nhẹ 6% so với sáng hôm qua, đạt gần 5.002 tỷ đồng. Tính cả HNX, hai sàn giảm hơn 4% thanh khoản, đạt 5.389 tỷ đồng. Mức giảm thanh khoản này cũng có yếu tố giảm giá chiếm khá nhiều. Ví dụ sàn HoSE có 35 cổ phiếu khớp từ 50 tỷ đồng trở lên trong sáng nay – nhóm này chiếm 64% tổng giao dịch sàn – thì chỉ có 8 mã tăng giá.
Nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận mức bán ròng tăng lên 438,1 tỷ đồng ở HoSE (sáng hôm qua là 341,2 tỷ). Đây là phiên sáng bán ròng lớn nhất kể từ khi khối này đảo chiều mau ròng trở lại 5 phiên trước. Tuy nhiên mức bán ròng tăng cũng không phải là do quy mô bán tăng, mà do bên mua giảm đi. Cụ thể, khối này xả 799,8 tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 8% so với sáng hôm qua nhưng mua giảm 10% còn 361,7 tỷ. Đây là mức giải ngân kém nhất 17 phiên. Các cổ phiếu bị bán khá nổi bật là MWG -113,4 tỷ, VRE -60 tỷ, FPT -53,3 tỷ, VNM -32,7 tỷ, NLG -25,1 tỷ. Bên mua có HAH +27,8 tỷ, MSN +27,4 tỷ.
Thị trường đang cho thấy diễn biến điều chỉnh rõ rệt hơn đáng kể so với giai đoạn trước và sức ép khiến phần lớn thời gian chỉ số lẫn giá cổ phiếu là đỏ. Tuy nhiên biên độ giảm không mạnh kết hợp với thanh khoản ở mức trung bình cho thấy các giao dịch chốt lời diễn ra bình thường không có bán tháo. Dòng tiền chưa mua vào trong nhịp tăng đầu tiên đang có cơ hội để “sửa sai” và đó sẽ là lực đỡ ở nhịp điều chỉnh này.