Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng: Xây dựng hệ sinh thái số an toàn

Việc tạo dựng hệ sinh thái an toàn nhằm hỗ trợ học tập, tương tác cũng là cách giúp các em tránh xa những nội dung độc hại trên môi trường mạng...

Cần trang bị cho học sinh năng lực số ngay từ cấp học đầu tiên. Ảnh: Vân Anh

Cần trang bị cho học sinh năng lực số ngay từ cấp học đầu tiên. Ảnh: Vân Anh

Trải nghiệm không mong muốn

Tại hội thảo chuyên đề “Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, đại diện Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng đã đưa ra con số gây bất ngờ, đó là có đến 40% trẻ em cảm thấy không an toàn và hơn 70% từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng Internet.

Ông Ngô Tuấn Anh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng chia sẻ: Chúng ta đang sống trong thời đại mà công nghệ số đang phát triển vượt bậc. Các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT)... trở thành một phần không thể thiếu trong học tập, làm việc và giải trí.

Tuy nhiên, song hành cùng những lợi ích là những thách thức ngày càng gia tăng, đặc biệt về an toàn thông tin, quyền riêng tư trên môi trường mạng. Đặc biệt, trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất - đang đối mặt với nhiều nguy cơ khi các em chưa có đầy đủ kỹ năng để nhận diện và phòng tránh rủi ro.

Đơn cử, tháng 3/2024, một tài khoản TikTok đã đăng clip về bé gái mặc bộ đồ thỏ trắng đang vui chơi trong trung tâm thương mại. Đáng nói, clip này đã thu hút hơn 6 triệu lượt xem cùng hơn 80.000 lượt bình luận; bên cạnh những bình luận bày tỏ sự yêu thích, có nhiều bình luận khiếm nhã, nội dung tiêu cực.

Ở một trường hợp khác, nữ sinh lớp 8 tên Nguyễn Phương N. kể, một ngày nọ em nhận được tin nhắn cùng số điện thoại của vài người lạ có ý quấy rối, đòi em cung cấp hình ảnh cho họ. Sau khi tìm hiểu, N. mới thấy hình ảnh và thông tin của em đang bị phát tán trong một group kín trên nền tảng Telegram...

 Trang bị kỹ năng “tự vệ” cho trẻ, giúp trẻ biết bảo vệ thông tin cá nhân và tương tác lành mạnh trên không gian mạng. Ảnh: Vân Anh

Trang bị kỹ năng “tự vệ” cho trẻ, giúp trẻ biết bảo vệ thông tin cá nhân và tương tác lành mạnh trên không gian mạng. Ảnh: Vân Anh

Xây dựng môi trường mạng lành mạnh

Thiếu tá Đào Mạnh Tú - cán bộ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho rằng, để đảm bảo an ninh mạng quốc gia, cần sớm đưa vào chương trình dạy học trong nhà trường, các cơ sở giáo dục khác và phải đảm bảo phù hợp với ngành và cấp học.

Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ sở giáo dục, phát huy sức mạnh tổng hợp của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển giáo dục, tạo môi trường học đường lành mạnh.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra và ban hành các chế tài xử lý vi phạm, có tính răn đe đối với những hành vi vi phạm trên Internet; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tham gia phòng ngừa, chống vi phạm trên mạng Internet chuyên nghiệp, hiệu quả, liêm chính, tăng tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ.

Nhà trường cần tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy các môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh, đạo đức, giáo dục công dân, pháp luật trong các cơ sở giáo dục; chỉ đạo các cấp đảng, đoàn, đội duy trì hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tham gia.

Đồng thời, cha mẹ, nhà trường cần trang bị kỹ năng “tự vệ” cho học sinh, giúp các em biết bảo vệ thông tin cá nhân và tương tác lành mạnh trên không gian mạng... Đó chính là “lá chắn khỏe mạnh” giúp trẻ tăng sức “miễn dịch” trong thời đại số.

Ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trong thời đại công nghệ 4.0, môi trường mạng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, đặc biệt với học sinh.

 Cô trò Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) trong một tiết học tại phòng học thông minh. Ảnh: Vân Anh

Cô trò Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) trong một tiết học tại phòng học thông minh. Ảnh: Vân Anh

Bên cạnh những lợi ích to lớn mà công nghệ mang lại, môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trẻ em, học sinh dễ bị tổn thương và cần được trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Đồng thời, trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội là tạo dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn, giúp trẻ em, học sinh phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính tới tháng 5/2024, toàn quốc có khoảng 25 triệu học sinh, sinh viên. Trong đó, trẻ mầm non, học sinh tiểu học, trung học cơ sở (trong độ tuổi trẻ em) là hơn 20 triệu em, chiếm 80%.

Như vậy, trẻ em thuộc ngành Giáo dục quản lý rất lớn. Đây là thách thức lớn đối ngành trong việc bảo vệ các em trước các tác nhân xấu nói chung và trên môi trường mạng nói riêng.

Để hạn chế những tiêu cực trên môi trường mạng, điều quan trọng nhất là nâng cao năng lực số cho cả giáo viên và học sinh. Cùng đó, trong nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, tích cực trong việc tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn tác nhân xấu, độc trên môi trường mạng.

Trong Chương trình GDPT 2018, nội dung về an toàn trên không gian mạng không chỉ được thể hiện trong yêu cầu cần đạt của các môn học như Tin học, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế pháp luật mà còn trong hoạt động giáo dục bắt buộc là Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp gồm 105 tiết.

Các yêu cầu cần đạt nhấn mạnh vào việc trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân, giao tiếp trên mạng xã hội, quy tắc ứng xử trên môi trường mạng cũng như các kỹ năng nhận diện và tố giác xâm hại trẻ em trên mạng.

Ngoài các nội dung đã có trong Chương trình của các môn học và hoạt động giáo dục nêu trên, Bộ GD&ĐT cũng tổ chức triển khai xây dựng Khung năng lực số cho học sinh làm cơ sở để phát triển năng lực số cho học sinh ở các cấp học và tổ chức triển khai tập huấn giáo viên về phát triển năng lực số và kỹ năng chuyển đổi cho học sinh tại các nhà trường.

 Học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: Vân Anh

Học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: Vân Anh

Hệ sinh thái giáo dục số

Để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, cần tạo hệ sinh thái an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025”.

Ông Lê Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Khi tham gia môi trường mạng, trẻ em phải đối mặt với nhiều rủi ro. Do vậy, Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng là cần thiết và cấp bách.

Mục tiêu của Đề án là hỗ trợ trẻ em tiếp cận, tương tác môi trường mạng một cách tích cực, nâng cao chất lượng học tập và giải trí của trẻ em bằng công nghệ; xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, trong đó gồm: Sử dụng mạng lành mạnh, an toàn; tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình đặt ra mục tiêu 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn.

100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội; phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Để thực hiện được các mục tiêu, Chương trình đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp gồm: Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật…

Trong đó, Chương trình sẽ triển khai các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ như thiết lập các kênh thông tin thân thiện để tiếp nhận phản ánh theo hướng tích hợp thành một đầu mối duy nhất; có cơ chế kết nối để các nhà cung cấp dịch vụ nội dung trên Internet có thể tích hợp chế độ báo cáo tự động về các nội dung nguy hại, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đưa vào sử dụng trong ngành GD-ĐT các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, các kho học liệu, xuất bản phẩm điện tử nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập trên môi trường mạng, đồng thời quản lý tốt việc học sinh truy cập mạng, đổi mới cách thức tương tác giữa nhà trường với gia đình và học sinh.

“Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số, nội dung số, truyền thông số Việt Nam phát triển, làm chủ các công nghệ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng và các ứng dụng, nội dung giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Lan Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bao-ve-tre-em-tren-khong-gian-mang-xay-dung-he-sinh-thai-so-an-toan-post715509.html
Zalo