Công bố Quyết định của Thủ tướng chuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân

'Tôi mong các thầy cô trong ban lãnh đạo ĐH Kinh tế Quốc dân, sự thay đổi tên gọi từ hiệu trưởng sang giám đốc không chỉ là đổi mới về tên, mà cần có tầm nhìn mới, tư duy quản trị mới cho phù hợp với đối tượng quản lý đã khác trước về quy mô và tính chất', Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Ngày 12/1, Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thành ĐH Kinh tế Quốc dân.

Dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo các trường ĐH, CĐ, các tổ chức doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước của nhà trường…

Ngày 15/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc chuyển Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thành ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ từ một trường ĐH thành một ĐH đa ngành, đa lĩnh vực.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thành ĐH Kinh tế Quốc dân cho Ban Giám đốc ĐH Kinh tế Quốc dân.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thành ĐH Kinh tế Quốc dân cho Ban Giám đốc ĐH Kinh tế Quốc dân.

Ngày 13/12/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có Quyết định chuyển và công nhận Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế quốc dân nhiệm kỳ 2021-2026 thành Hội đồng ĐH Kinh tế Quốc dân nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 25 thành viên. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã có các quyết định công nhận PGS.TS Bùi Đức Thọ giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng ĐH Kinh tế Quốc dân; GS.TS Phạm Hồng Chương giữ vị trí Giám đốc ĐH Kinh tế Quốc dân.

ĐH Kinh tế Quốc dân là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Với tư cách là đơn vị trọng điểm quốc gia, ĐH Kinh tế Quốc dân được Chính phủ và ngành Giáo dục ưu tiên đầu tư để phát triển thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học. Với 88 ngành ở trình độ đại học, 70 ngành trình độ sau đại học, hàng năm, trường đào tạo hơn 40.000 sinh viên và học viên; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm các chuyên gia, nhà quản lý và nhà khoa học, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội từ trung ương đến địa phương, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đây cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu cả nước với nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở. ĐH Kinh tế Quốc dân còn là một trung tâm nghiên cứu lớn, góp phần xây dựng các chính sách kinh tế, cải thiện mô hình quản lý và thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật chất lượng cao cho quốc gia. Với uy tín và vị thế của mình, ĐH Kinh tế Quốc dân đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho các mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn. Trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân đã từng bước khẳng định vị thế và uy tín của mình như một trung tâm nghiên cứu, đào tạo hàng đầu về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao quyết định công nhận các thành viên Hội đồng Đại học của ĐH Kinh tế Quốc dân.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao quyết định công nhận các thành viên Hội đồng Đại học của ĐH Kinh tế Quốc dân.

Phát biểu tại buổi lễ công bố, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chúc mừng ĐH Kinh tế Quốc dân và các thầy cô trong ban lãnh đạo đảm nhiệm cương vị và định danh lãnh đạo mới. Ngày hôm nay sẽ đi vào lịch sử phát triển của nhà trường như một dấu mốc đậm nét trong lịch trình phát triển, lịch trình đổi mới và thể hiện vai trò của nhà trường trong nền giáo dục quốc dân và với toàn thể xã hội, với người dân, người học và đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặt câu hỏi: "Đại học và trường đại học khác nhau ở những điểm nào? Vấn đề then chốt không phải ở chỗ to hay nhỏ. Trường đại học cũng có thể phát triển quy mô rất lớn và cũng có thể có kết quả nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Đại học quan trọng ở chỗ nó đòi hỏi khả năng và trình độ quản trị đại học cao, hướng tới sự phát triển, thể hiện khát vọng phát triển và lớn mạnh. Đại học cho phép phát huy quyền tự chủ và sự năng động. Quyền tự chủ có thể thực hiện tới tận đơn vị cấp thấp nhất và tới các các nhóm chuyên môn, các nhà khoa học. Nếu thiết kế mô hình tổ chức không hướng tới được sự giải phóng năng lực sáng tạo từ bên trong của cơ sở giáo dục, thì sự chuyển đổi mô hình không đem lại mấy giá trị".

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD & ĐT, đất nước đang rất khẩn trương, tích cực và quyết tâm phát triển các ngành công nghệ và kỹ thuật mũi nhọn, mong sao theo kịp các nước tiên tiến. Sứ mệnh của chúng ta trong thời đại mới, trong kỷ nguyên mới chắc chắn khác với những gì chúng ta đã từng làm trong truyền thống. Với ĐH Kinh tế Quốc dân, sản phẩm rất quan trọng chính là tư vấn chính sách, là giải pháp về chính sách, là mô hình, là phương pháp quản lý tầm quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định công nhận Giám đốc ĐH Kinh tế Quốc dân cho GS.TS Phạm Hồng Chương.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định công nhận Giám đốc ĐH Kinh tế Quốc dân cho GS.TS Phạm Hồng Chương.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu, một trong những việc cần làm ngay của ĐH Kinh tế Quốc dân là rà soát và hoàn thiện chiến lược phát triển nhà trường.

"Tôi mong các thầy cô trong ban lãnh đạo, sự thay đổi tên gọi từ hiệu trưởng sang giám đốc không chỉ là đổi mới về tên, mà cần có tầm nhìn mới, tư duy quản trị mới cho phù hợp với đối tượng quản lý đã khác trước về quy mô và tính chất", Bộ trưởng chia sẻ.

Về công tác tổ chức, Bộ trưởng yêu cầu ĐH Kinh tế Quốc dân cần tạo cơ chế, quy định nội bộ để phát huy quyền tự chủ tốt hơn theo tinh thần Luật Giáo dục đại học, phát huy sự năng động sáng tạo của các trường trực thuộc, các đơn vị, bộ phận trong toàn hệ thống. Mỗi trường, mỗi đơn vị, tổ chức bên trong cần có cơ chế tự chủ phù hợp, có chức năng, nhiệm vụ riêng, không trùng lặp, tạo nên tổng thể của một đại học hoàn chỉnh và mạnh mẽ. Phải thiết lập một cơ chế đảm bảo tự chủ cho từng đơn vị nhưng vẫn duy trì sự thống nhất trong toàn đại học.

ĐH Kinh tế Quốc dân cũng cần xây dựng một hệ thống quản trị đại học thông minh, hiện đại, kết hợp với tự chủ đại học, phân cấp, phân quyền, chủ động đầu tư chiều sâu và tận dụng tối đa nền tảng công nghệ, trí tuệ nhân tạo. ĐH Kinh tế Quốc dân cần phải tập trung phát triển và tạo điều kiện tốt nhất để các nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ trẻ phát triển, đồng thời có chính sách phù hợp để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác và đóng góp cho sự phát triển của Nhà trường.

Về phía Bộ GD&ĐT sẽ có cơ chế hỗ trợ và giám sát phù hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho ĐH Kinh tế Quốc dân phát triển.

Cũng tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT đã trao các quyết định công nhận Hội đồng Đại học, Chủ tịch Hội đồng Đại học và Giám đốc Đại học của ĐH Kinh tế Quốc dân...

Thu Phương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/cong-bo-quyet-dinh-cua-thu-tuong-chuyen-truong-dai-hoc-kinh-te-quoc-dan-thanh-dai-hoc-kinh-te-quoc-dan-i756323/
Zalo