Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước - là vấn đề 'nóng' được bàn thảo từ khi khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV cho đến nay. Theo GS.TS Hoàng Văn Cường (ĐBQH đoàn Hà Nội), cần nghị quyết riêng của Quốc hội để tạo một khuôn khổ pháp lý cho những người dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo.
PV: Thưa ông, vấn đề cán bộ sợ sai đã được đề cập tại các phiên thảo luận tại Quốc hội. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
GS.TS Hoàng Văn Cường: Tình trạng cán bộ sợ sai hiện đang như “tấm lưới” bao phủ lên hành động của nhiều cán bộ. Nguyên nhân có nhiều nhưng theo tôi tập trung vào một số nhóm sau: Nhóm thứ nhất do cán bộ có năng lực yếu, kém nên không dám hành động, không biết hành động như thế nào. Nhóm thứ hai là một số người thiếu tinh thần trách nhiệm công vụ nên họ không dám quyết, không muốn chịu trách nhiệm. Nhóm thứ ba là các quy định của luật pháp hiện nay chưa thống nhất, chưa rõ ràng, thậm chí có sự mâu thuẫn có thể thỏa mãn ở luật này nhưng lại không thỏa mãn ở quy định khác, rồi có cái chưa có trong quy định pháp luật, khiến cán bộ không biết làm như thế nào. 3 nhóm nguyên nhân đó dẫn đến tình trạng một số cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ sai.
Thực tế hiện tượng sợ sai, né tránh của cán bộ là vấn đề không mới song đang có dấu hiệu trầm trọng hơn, nguyên nhân do đâu, thưa ông?
- Vấn đề này không phải bây giờ mới xuất hiện, trước đây cũng đã xảy ra. Bây giờ cán bộ được đào tạo tốt hơn, luật pháp cũng ngày càng được hoàn thiện hơn. Đúng ra cán bộ phải ít sợ sai hơn nhưng ngược lại, có xu hướng trầm trọng hơn. Rõ ràng là có sự mâu thuẫn.
Thời gian qua chúng ta xử lý cán bộ vi phạm rất nghiêm minh, nhiều cán bộ bị xử lý không loại trừ ở cương vị nào. Tinh thần chống tham nhũng quyết liệt, xử lý cán bộ vi phạm như vậy được dư luận, nhân dân hết sức ủng hộ. Nhưng bên cạnh đó, có một bộ phận cán bộ e ngại, sợ rằng làm không có lợi ích cá nhân nhưng nếu không tuân thủ theo quy định pháp luật thì có thể bị sai. Cho nên khi thấy các quy định của pháp luật có điều gì còn nghi ngờ thì nghe ngóng, có văn bản xin ý kiến các cấp. Từ đó dẫn đến tình trạng “đẩy đi, đẩy lại”.
Ngoài tâm lý sợ sai của một số cán bộ, còn có tình trạng chồng chéo trong hệ thống pháp luật?
- Tình trạng chồng chéo trong hệ thống pháp luật, hoặc thiếu hụt khuôn khổ pháp lý là có. Chúng ta đang càng ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên cuộc sống luôn phát sinh ra vấn đề mới nên các quy định của pháp luật khó có thể “phủ kín” được toàn bộ các vấn đề. Vấn đề là người cán bộ thực thi pháp luật phải biết vận dụng làm sao để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, mang lại lợi ích chung, mang lại hiệu quả cao nhất. Cho nên rất cần cán bộ mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, dám quyết định vì lợi ích chung. Chứ nếu pháp luật quy định thế nào mà cán bộ cứ làm như thế thì lúc đó cán bộ trở thành “cái máy” chứ không còn là người thực thi công vụ nữa. Trong bối cảnh hiện nay, khi yếu tố pháp luật vẫn còn tồn tại những mâu thuẫn, thiếu hụt thì những cán bộ dám hành động vì lợi ích chung, dám nghĩ, dám làm rất cần phải được bảo vệ.
Vậy phải chăng chúng ta cần có ngay những quy định để bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung, thưa ông?
- Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo là mấu chốt để chúng ta có thể tạo ra những bước đột phá trong cải cách thể chế và quản lý. Đó là động lực để tạo sự tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn hiện nay.
Bộ Chính trị đã có Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Chính phủ cũng đang giao cho Bộ Nội vụ xây dựng Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, năng động, sáng tạo. Đây là những việc làm quan trọng chúng ta cần phải triển khai và cụ thể hóa. Tuy nhiên tôi cho rằng người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới thì họ sẽ không thực hiện theo những quy định “theo lối mòn” mà luật pháp đang quy định. Nếu cứ lặp đi, lặp lại các quy định lối mòn đó thì nó không còn là đổi mới, năng động, sáng tạo nữa.
Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng, cùng với kết luận của Bộ Chính trị thì cũng rất cần thiết phải có một nghị quyết của Quốc hội để tạo khuôn khổ pháp lý cho những người dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo. Như thế mới giúp cán bộ nghĩ ra cách làm mới hơn, khác hơn so với những quy định thông thường, kể cả những điều mà luật pháp chưa theo kịp. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ xây dựng 1 nghị định để hướng dẫn quy trình, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, cống hiến, phục vụ cho lợi ích chung.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo là mấu chốt để chúng ta có thể tạo ra những bước đột phá trong cải cách thể chế và quản lý. Đó là động lực để tạo sự tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn hiện nay.