Bảo tồn và phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng
Lời Tòa soạn: Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng được đánh giá là đại diện tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng của khu vực Tây Nguyên mức độ đa dạng sinh học rất cao.
Làm thế nào để tạo sự cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trí-Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (thuộc UNESCO).
*P.V: Là người đồng hành trong suốt quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận cao nguyên Kon Hà Nừng là Khu DTSQ thế giới, theo Giáo sư, đâu là điểm độc đáo của khu vực này?
- Giáo sư-Tiến sĩ NGUYỄN HOÀNG TRÍ: Khi xây dựng hồ sơ Khu DTSQ, tôi nhận thấy điểm nổi bật nhất của cao nguyên Kon Hà Nừng là rừng còn khá nguyên vẹn, nhất là vùng lõi Kon Ka Kinh, Kon Chư Răng. Điều này có giá trị rất lớn, là điều kiện cần thiết để các sinh vật ở đây có thể thực hiện các tập tính kiếm ăn, sinh sản…
Cao nguyên Kon Hà Nừng có khá nhiều động vật quý hiếm đang sinh sống, trong đó có 3 loài thú đặc hữu của Đông Dương bao gồm voọc chà vá chân xám, vượn đen má hung Trung Bộ và mang lớn.
Điểm nổi bật, độc đáo chỉ có ở cao nguyên Kon Hà Nừng là hệ sinh thái phong phú, đa dạng, trong đó, đặc trưng là rừng kín nhiệt đới thường xanh cây lá rộng, rừng kín nhiệt đới thường xanh cây lá kim, rừng thưa thường xanh cây lá rộng, rừng thưa thường xanh cây lá kim, thảm cây bụi và các khu vực đất nông nghiệp, khu dân cư tính đa dạng sinh học cao, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng các tỉnh Tây Nguyên.
Đặc biệt nhất là nguồn nước, cụ thể là nước mội. Đây là loại nước có được khi mưa rơi xuống tán rừng, rồi rơi xuống mặt đất rừng, ngấm dần trong đất, qua các lớp khoáng chất nằm sâu trong lòng đất. Các khoáng chất đã hòa vào nước thành các vi chất. Vì vậy, việc giữ rừng, giữ nước ở cao nguyên Kon Hà Nừng không chỉ cho người Gia Lai mà còn giữ cho cả khu vực lân cận. Giá trị quan trọng là nằm ở đó.
* P.V: Vậy để bảo tồn Khu DTSQ thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng một cách hiệu quả, cần chú ý đến những vấn đề gì, thưa Giáo sư?
- Giáo sư-Tiến sĩ NGUYỄN HOÀNG TRÍ: Để làm tốt công tác bảo tồn thì cần có sự kết nối về không gian và cảnh quan. Muốn sinh vật thực hiện tập tính vốn có của nó thì phải liên kết các vùng bảo tồn, trong đó, Kon Chư Răng và Kon Ka Kinh phải được kết nối một cách tự nhiên, để các loài lưu thông, giao lưu được với nhau. Việc kết nối 2 khu vực trước tiên phải có sự nỗ lực của địa phương, khôi phục các hệ sinh thái kết nối, như là trồng các cây bản địa.
Hai là phải có mối liên kết giữa con người và thiên nhiên, thể hiện ở việc rừng cung cấp các sản phẩm cho con người, bao gồm sản phẩm về nông nghiệp, về chăn nuôi, cung cấp thức ăn, dinh dưỡng, cây thuốc cho con người. Người dân tộc thiểu số đã sống phụ thuộc vào rừng từ rất lâu đời, bây giờ, nếu tiếp tục sống như thế thì cần có phương án vừa giữ rừng lại vừa khai thác rừng thì mới bảo tồn được. Điều đó đòi hỏi phải huy động sức lực của toàn hệ thống chính trị lẫn người dân.
* P.V: Giáo sư đánh giá như thế nào về công tác bảo tồn tại Khu DTSQ cao nguyên thế giới Kon Hà Nừng thời gian qua của Gia Lai?
- Giáo sư-Tiến sĩ NGUYỄN HOÀNG TRÍ: Nhà nước đã triển khai các chương trình nghiên cứu về Tây Nguyên từ năm 1976 đến nay, gồm chương trình Tây Nguyên I, Tây Nguyên II, Tây Nguyên III và nhiều chương trình khác nữa. Qua đó, ngành chức năng xác định một trong những nhiệm vụ của Tây Nguyên là bảo vệ rừng. Điều này không ai rõ hơn là người dân địa phương. Mất rừng là mất sinh kế, dân đói thì việc phát triển bền vững không thành công.
Gia Lai phải tuyên truyền để người dân nhận thức được rừng là nguồn thực phẩm, nguồn thức ăn cho người dân, nhưng đồng thời chính người dân cũng phải bảo vệ rừng để bảo vệ sinh kế cho bản thân mình.
* P.V: Du lịch là một trong những trụ cột mà Gia Lai đang thúc đẩy khai thác, phát triển, trong đó, cao nguyên Kon Hà Nừng là một điểm đến hấp dẫn, hứa hẹn sẽ thu hút được lượng lớn khách du lịch. Vậy theo Giáo sư, việc phát triển du lịch có ảnh hưởng gì đến công tác bảo tồn tại khu DTSQ này không?
- Giáo sư-Tiến sĩ NGUYỄN HOÀNG TRÍ: Với chủ trương của UNESCO, du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái là một trong những hoạt động phát triển kinh tế-xã hội cần được đưa vào trong hoạt động của khu vực sinh quyển để tạo sinh kế cho người dân. Việc nghiên cứu các sinh kế, tạo sinh kế cho người dân là hết sức quan trọng, thậm chí trở thành hoạt động chính cho các cộng đồng trong khu vực. Điều đó được UNESCO đánh giá rất cao.
Song song với đó, du lịch sinh thái chỉ được phát huy khi gắn với công tác bảo tồn, gắn với trách nhiệm và duy trì hệ sinh thái bền vững, đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư.
Nói đến du lịch sinh thái tức là nói đến cái tự nhiên, cảnh quan tự nhiên. Không thể nào phá hủy hệ sinh thái để phục vụ cho du lịch sinh thái. Nếu ta phá hủy hệ sinh thái để xây dựng thế hệ bê tông, nhân tạo thì không thể gọi là hệ sinh thái được. Do đó, một trong những chủ trương, yêu cầu, khuyến cáo của UNESCO là mỗi du khách, mỗi người dân đi du lịch phải có trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Ví dụ ở Khu DTSQ quần đảo Cát Bà (TP. Hải Phòng), người ta gắn nhãn mác hình con voọc của khu sinh quyển vào các chai nước mắm, chai mật ong. Khi mua các sản phẩm đó, nhìn thấy hình ảnh con vật, du khách cũng cảm thấy mình đã đóng góp vào việc bảo tồn loài voọc ở khu DTSQ này.
Trong vấn đề phát triển bền vững liên quan đến khu DTSQ thì du lịch sinh thái là một trong những hoạt động được chú trọng hàng đầu. Bởi phát triển du lịch sinh thái là vừa bảo vệ môi trường, vừa mang lại lợi ích cho người dân. Đây được đánh giá là một công cụ rất hữu hiệu cho phát triển và bảo tồn, là mô hình cho phát triển bền vững.
* P.V: Xin cảm ơn Giáo sư!