Lễ hội Ẩm thực Việt Nam: Tôn vinh tinh hoa, kết nối văn hóa

Năm 2024, Việt Nam chào đón du khách bốn phương bằng một bức tranh ẩm thực rực rỡ sắc màu, được dệt nên bởi chuỗi lễ hội ẩm thực từ Bắc vào Nam.

Lễ hội Văn hóa Ẩm thực, Món ngon Saigontourist Group 2024. Ảnh: ITN.

Lễ hội Văn hóa Ẩm thực, Món ngon Saigontourist Group 2024. Ảnh: ITN.

Không chỉ đơn thuần là nơi thưởng thức mỹ vị, các lễ hội còn là hành trình khám phá, trải nghiệm và tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo, đa dạng của dân tộc; khẳng định vị thế ẩm thực Việt trên bản đồ thế giới.

Diện mạo mới

Khác xa hình ảnh những lễ hội ẩm thực tự phát, nhỏ lẻ, năm 2024 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ, là bản lề hướng tới sự chuyên nghiệp, bài bản và quy mô xứng tầm của các năm tiếp theo.

Điểm nhấn đầu tiên phải kể đến là sự góp mặt của các chuyên gia ẩm thực hàng đầu, những đầu bếp danh tiếng từ các nhà hàng, khách sạn 5 sao. Họ không chỉ mang đến những màn trình diễn nấu ăn đỉnh cao, phô diễn kỹ thuật điêu luyện, mà còn thổi hồn vào từng món ăn, biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật, nâng tầm trải nghiệm ẩm thực cho du khách.

Lễ hội Văn hóa Ẩm thực, Món ngon Saigontourist Group được tổ chức hồi đầu năm là minh chứng rõ nét cho xu hướng này. Hàng trăm đầu bếp tài hoa từ các khách sạn, nhà hàng danh tiếng của Saigontourist Group đã hội tụ, mang đến lễ hội những món ăn đẳng cấp, chắt lọc tinh hoa ẩm thực Việt và quốc tế. Du khách không chỉ được thưởng thức hương vị tuyệt hảo, mà còn được chiêm ngưỡng quá trình chế biến công phu, tỉ mỉ, đầy sáng tạo của các nghệ nhân.

Sự chuyên nghiệp còn được thể hiện ở công tác tổ chức. Lễ hội được thực hiện bởi các đơn vị, công ty tổ chức sự kiện chuyên nghiệp, đảm bảo sự bài bản từ khâu lên ý tưởng, thiết kế, dàn dựng, truyền thông, đến vận hành, an ninh trật tự và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, các lễ hội diễn ra suôn sẻ, an toàn, mang đến sự hài lòng cho du khách thập phương.

Hay như tại Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 diễn ra cách đây ít lâu, thay vì gói gọn trong 1 ngày như những năm trước, lễ hội có sự mở rộng về cả thời lượng và không gian hoạt động. Diễn ra trong 2 ngày, liên hoan không đơn thuần dừng lại ở giới thiệu những món ăn đặc sắc của Việt Nam và quốc tế, mà còn mang đến hành trình trải nghiệm ẩm thực đặc biệt với hơn 70 gian hàng của khoảng 60 quốc gia.

 Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại họp báo.

Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại họp báo.

Nhiều người dân có cơ hội tham gia trực tiếp cho biết, họ như lạc vào “bản hòa ca” của ẩm thực thế giới, được thưởng thức những đặc sản nổi tiếng của nhiều quốc gia dù chưa từng được đặt chân đến.

Phát biểu tại họp báo giới thiệu lễ hội, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: “Lễ hội là sự kiện nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống của Thủ đô Hà Nội, xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu văn hóa, ẩm thực.

Đồng thời, lễ hội góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh Hà Nội là điểm đến du lịch, văn hóa, ẩm thực Hà Nội như một nét di sản tinh tế, được hình thành trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, hấp dẫn công chúng trong nước và quốc tế”.

Bên cạnh đó, lễ hội cũng là dịp để Thủ đô Hà Nội và Đại sứ quán các nước, các địa phương, tổ chức cá nhân gặp gỡ, giao lưu, trưng bày quảng bá sản phẩm, trao đổi, ký kết hợp tác kinh doanh, tăng cường đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng với bạn bè quốc tế.

Một điểm chung của các lễ hội ẩm thực trong 2024 là sự đầu tư về cơ sở vật chất. Không gian được thiết kế khang trang, hiện đại, mang đến sự thoải mái và tiện nghi cho du khách.

Hệ thống gian hàng được thiết kế đẹp mắt, khoa học, khu vực ăn uống sạch sẽ, thoáng mát, sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại. Tất cả góp phần tạo nên một không gian lễ hội văn minh, lịch sự, xứng tầm với quy mô và ý nghĩa của sự kiện.

Tôn vinh giá trị ẩm thực truyền thống

Dù khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại và chuyên nghiệp hơn, các lễ hội ẩm thực 2024 vẫn luôn trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống, xem đó là cội nguồn, là bản sắc riêng có, làm nên sức hấp dẫn của ẩm thực Việt.

Nói về sự phong phú của ẩm thực Việt Nam, siêu đầu bếp Gordon Ramsay, một trong 10 đầu bếp đạt nhiều sao Michelin nhất thế giới, đã phải từng thốt lên rằng: “May mắn tôi không sinh ra ở Việt Nam nếu không tôi chỉ là một đầu bếp tồi”.

Mỗi vùng miền trên dải đất hình chữ S đều sở hữu những sản vật, những món ăn đặc trưng, kết tinh từ điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử và bàn tay khéo léo của con người. Các lễ hội ẩm thực chính là nơi hội tụ của những tinh hoa ấy, mang đến cho du khách cơ hội thưởng thức trọn vẹn hương vị ba miền.

Từ phở Hà Nội - món ăn quốc hồn quốc túy, với nước dùng thanh tao, bánh phở mềm dai, thịt bò ngọt thơm đến Bún Bò Huế đậm đà, cay nồng; Cao Lầu Hội An mộc mạc, tinh tế; Bánh Xèo Nam Bộ giòn rụm, thơm lừng; Nem Nướng Nha Trang đậm đà hương vị biển, hay vô số món ngon khác, tất cả đều được chế biến bởi chính những nghệ nhân, những người con của vùng đất ấy, mang đến hương vị nguyên bản, trọn vẹn nhất. Nhưng trong từng món ăn đó, tại mỗi vùng miền lại có cách chế biến khác nhau, mang đến cho du khách những trải nghiệm “rất quen” mà cũng “rất khác”.

Các lễ hội ẩm thực cũng là cầu nối đưa sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đến gần hơn với người tiêu dùng. Đây là những sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, gắn liền với bản sắc văn hóa và tiềm năng của từng vùng miền.

Lễ hội Đặc sản Vùng miền được tổ chức luân phiên ở các tỉnh, thành, tạo cơ hội cho các địa phương giới thiệu, quảng bá những sản phẩm OCOP độc đáo, chất lượng, từ nông sản tươi ngon, đến các sản phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ… Du khách không chỉ được thưởng thức, mua sắm những sản phẩm chất lượng, mà còn góp phần hỗ trợ người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.

Không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức hương vị, các lễ hội ẩm thực còn chú trọng khai thác những câu chuyện văn hóa, lịch sử, những nét đẹp trong phong tục, tập quán ăn uống của người Việt. Không chỉ là du khách nước ngoài, chính người Việt mình cũng sẽ được hiểu thêm các giá trị văn hóa truyền thống, ví dụ như “Tại sao người Việt lại ăn bánh chưng, bánh tét vào dịp Tết?”, “Nguồn gốc của món Phở bắt nguồn từ đâu?”, “Ý nghĩa của mâm cơm cúng gia tiên như thế nào?”...

Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản ấy lại ẩn chứa bao giá trị văn hóa, lịch sử, được các nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực giải đáp, chia sẻ tại các buổi tọa đàm, workshop, hay qua những câu chuyện bên lề, giúp du khách hiểu hơn về chiều sâu văn hóa, về tâm hồn Việt ẩn sau mỗi món ăn.

Các lễ hội ẩm thực 2024 không chỉ tôn vinh giá trị truyền thống, mà còn khéo léo kết hợp các yếu tố hiện đại, tạo nên sự mới mẻ, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ - những người tiếp nối và lan tỏa giá trị văn hóa Việt trong tương lai.

 Robot đảm nhận khâu chan nước phở và phục vụ trên bàn ăn tại Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2024.

Robot đảm nhận khâu chan nước phở và phục vụ trên bàn ăn tại Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2024.

 Điều làm nên sự đặc biệt của món phở Hà Nội là nước dùng. Ảnh minh họa: ITN.

Điều làm nên sự đặc biệt của món phở Hà Nội là nước dùng. Ảnh minh họa: ITN.

Làn gió mới từ “Phở Số”

Song hành cùng các lễ hội ẩm thực truyền thống, năm 2024 còn chứng kiến sự “bùng nổ” của “Phở Số”. “Phở Số” đã mang đến một làn gió mới, trẻ trung, hiện đại, góp phần lan tỏa tình yêu phở nói riêng và ẩm thực Việt nói chung đến với đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ trong nước và bạn bè quốc tế.

Trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội, được bố trí gian hàng thoáng rộng ngay trước cổng vào Công viên Thống Nhất, trong cả ba ngày diễn ra lễ hội từ 29/11 đến 1/12, gian hàng “Phở Số” luôn đông người dân hiếu kỳ đứng xếp hàng xem robot làm phở phục vụ thực khách.

Thông qua nền tảng số, “Phở Số” đã vượt qua mọi rào cản địa lý, đưa hình ảnh phở Việt Nam đến với bạn bè quốc tế một cách nhanh chóng và hiệu quả. Chương trình cũng tích cực hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài để quảng bá phở, tổ chức các sự kiện phở ở nước ngoài, góp phần đưa phở trở thành một biểu tượng ẩm thực toàn cầu.

Du lịch ẩm thực - hướng phát triển bền vững

Nhận thức được tiềm năng to lớn của du lịch ẩm thực, các lễ hội đang ngày càng gắn kết chặt chẽ với các hoạt động du lịch, tạo thành chuỗi trải nghiệm hấp dẫn, thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế địa phương và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Các lễ hội ẩm thực trở thành điểm nhấn trong các tour du lịch, là “thỏi nam châm” thu hút du khách đến với địa phương. Du khách không chỉ được thưởng thức ẩm thực, mà còn có cơ hội tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương.

Lễ hội “Rạng danh văn hóa ẩm thực Việt” tại TPHCM được định hướng trở thành sự kiện thường niên, là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá thành phố mang tên Bác. Du khách đến với lễ hội không chỉ để thưởng thức món ngon, mà còn để cảm nhận nhịp sống sôi động, văn hóa đặc trưng của Sài Gòn - nơi hội tụ tinh hoa ẩm thực từ khắp mọi miền đất nước.

Chưa dừng ở đó, nhiều lễ hội ẩm thực được tổ chức gắn liền với các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, mang đến cho du khách những trải nghiệm đa dạng, phong phú.

Lễ hội Tôm Cà Mau là một ví dụ tiêu biểu. Du khách đến với Cà Mau không chỉ để thưởng thức các món ngon chế biến từ tôm, mà còn được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ của rừng ngập mặn, trải nghiệm cuộc sống sông nước miền Tây, tham gia các hoạt động thú vị như bắt tôm, cua, câu cá… Đây là hướng đi bền vững, vừa phát triển kinh tế địa phương, vừa bảo tồn thiên nhiên và văn hóa bản địa.

Vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững đang ngày càng được quan tâm trong các lễ hội ẩm thực. Nhiều lễ hội đã tiên phong triển khai các biện pháp hạn chế rác thải nhựa, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường như ly giấy, ống hút tre, túi vải, đồng thời tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho du khách và các đơn vị tham gia.

Hành trình ẩm thực Việt Nam 2024, với dấu ấn đậm nét từ các lễ hội ẩm thực và sự lan tỏa mạnh mẽ của các giá trị văn hóa tốt đẹp, đã vẽ nên một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Đó là sự hòa quyện tinh tế giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và hội nhập, giữa giá trị văn hóa lâu đời và sức sống của thời đại mới.

Ẩm thực Việt Nam không chỉ là món ăn, mà còn là cầu nối văn hóa, là niềm tự hào dân tộc, và là sứ giả đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè năm châu. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc bảo tồn, phát huy và quảng bá, ẩm thực Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục tỏa sáng, khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực thế giới, góp phần đưa Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới” trong tương lai không xa.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/le-hoi-am-thuc-viet-nam-ton-vinh-tinh-hoa-ket-noi-van-hoa-post715328.html
Zalo