Nữ phục dân tộc truyền thống - bức tranh rực rỡ sắc màu
Không chỉ phục vụ nhu cầu mặc, trang phục còn như tác phẩm nghệ thuật sống động, kể câu chuyện về lịch sử, văn hóa, tâm hồn con người từng dân tộc, từng vùng đất. Tìm về nữ phục truyền thống của các dân tộc, nhóm dân tộc ở ba miền, đạo diễn Nguyễn Bông Mai đã tỉ mỉ ghi lại vẻ đẹp ấy và quảng bá rộng rãi tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Khám phá văn hóa dân tộc qua trang phục
Lên ý tưởng cho chuyến đi 99 ngày xuyên Việt năm 2022, đạo diễn Nguyễn Bông Mai cho biết đã nghĩ nhiều về việc sẽ kể câu chuyện gì trong hành trình này. “Khi ngồi xây dựng bản đồ để đi, tôi chợt tự hỏi: Tại sao không phải là về 54 dân tộc anh em? Lâu nay thông tin về chủ đề này trên sách vở, báo chí khá nhiều nhưng đến tận nơi để gặp đồng bào thì không phải ai cũng có cơ hội. Từ câu hỏi ấy tôi đã quyết định hành trình này sẽ tìm hiểu về trang phục truyền thống của phụ nữ các cộng đồng dân tộc trải dài trên khắp mảnh đất hình chữ S”.
Hành trình bắt đầu từ Hà Nội ngược lên vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc rồi vào miền Trung, Nam Bộ. Trước đó, đạo diễn Bông Mai đã thực hiện 2 chuyến ngắn để làm quen, với 17 ngày đi cung đường miền Trung - Tây Nguyên, 10 ngày khám phá Tây Bắc. Trong 99 ngày trong hành trình chính thức thì 60 ngày chị ở miền núi phía Bắc, lái xe trên những đường núi quanh co, vác máy ảnh lang thang trong bản, đến gặp các nghệ nhân, ngắm nhìn các bà, các chị vừa dệt vừa hát, chụp nhiều tư liệu trang phục, tìm hiểu ý nghĩa của hoa văn và phụ kiện kèm theo…
Đạo diễn Nguyễn Bông Mai chia sẻ: “Mỗi trang phục có nét đẹp riêng. Chẳng hạn, bộ quần áo của người Dao Tiền ở Hoài Khao, Cao Bằng, có nhiều đồng bạc rất đẹp, cùng với đó là những vòng cổ bằng bạc. Mọi người nói rằng, nhà có con trai cần cưới vợ không thể thiếu bộ bạc ấy. Tôi cũng được xem bộ quần áo được dệt bằng tay rất đẹp và tinh xảo. Rất tiếc là hiện nay không còn nhiều nghệ nhân dệt bằng tay nữa. Tôi rất muốn quay trở lại mua những bộ trang phục như vậy”.
Ở bản làng sâu xa nhất của Sa Pa, Lào Cai, phụ nữ Xá Phó có trang phục được dệt, thêu thủ công rất sặc sỡ và công phu. Điểm nhấn là áo ngắn cổ vuông, thêu hoa văn tỉ mỉ và hạt cườm được trang trí đối xứng trải dài từ vai xuống thân áo. Trang phục của người Xá Phó độc đáo trong lối tạo dáng và phong cách thẩm mỹ với lối phối màu trên những hoa văn họa tiết từ những màu chủ đạo đỏ, xanh, vàng, khó trộn lẫn với bất cứ dân tộc nào.
Đến Tây Nguyên, trang phục của đồng bào Hrê, Gia Rai, Ê Đê với tông màu đen, điểm các họa tiết màu; đồng bào Mnông là sắc xanh rất riêng dù vẫn trên nền kiểu dáng, họa tiết có nhiều điểm tương đồng với đồng bào vùng Tây Nguyên…
Tiếp nối các thế hệ
Sau 99 ngày rong ruổi các vùng miền, đạo diễn Nguyễn Bông Mai đã có hình ảnh về trang phục của phụ nữ 35 dân tộc thiểu số mà chị gặp, với hàng nghìn chi tiết cùng với những câu chuyện liên quan. Tư liệu này chưa đủ hết 54 dân tộc, nhưng một số dân tộc có nhiều ngành như: Mông (Mông Xanh, Mông Đỏ, Mông Hoa...), Dao (Dao Đỏ, Dao Thanh Phán, Dao Đầu Bằng, Dao Thanh Y, Dao Tiến, Dao Khâu) hay một số dân tộc đa dạng và phong phú theo từng vùng, miền… nên trang phục cũng khác nhau.
Nhiều trang phục được đồng bào gìn giữ, duy trì qua thời gian, nhưng cũng có một số nơi, chi tiết trên trang phục đã được thay thế bằng chất liệu tiện dụng hơn. Thậm chí, ở một số địa phương, khi hỏi về trang phục truyền thống của phụ nữ thì hiếm hoi còn lại ở gia đình người lớn tuổi, nhiều phụ nữ trẻ không biết…
“Tôi mong muốn các bạn trẻ có thêm kiến thức về văn hóa dân tộc, vì họ đang sống trong thế giới phẳng, ra nước ngoài một cách dễ dàng, nếu không hiểu, không yêu văn hóa Việt, thì chỉ là con số 0. Hy vọng rằng, thế hệ trẻ biết hiểu hơn, giúp cho văn hóa Việt Nam được bảo tồn trong thời đại mới và có thể giới thiệu với bạn bè thế giới” - đạo diễn Nguyễn Bông Mai nói.
Đó cũng là lý do chị tập hợp thành quả của chuyến đi, cho ra mắt cuốn du khảo Rực rỡ sắc màu trang phục phụ nữ các dân tộc Việt Nam như một cách cập nhật thông tin về trang phục của phụ nữ các dân tộc theo năm tháng. Đặc biệt, hình ảnh chụp chi tiết đã được vẽ lại và thể hiện chân thực, sinh động dưới góc nhìn của người trẻ. Các thế hệ nối tiếp nhau kể về nữ phục truyền thống của các dân tộc, nhóm dân tộc đương đại đầy màu sắc nhưng không sai lệch với nguyên gốc được kỳ vọng tạo làn gió mới đưa văn hóa đến với công chúng.
Đạo diễn Nguyễn Bông Mai mong muốn cùng với trang phục, sẽ giới thiệu về những vùng đất, dân tộc với tập tục khác nhau, đặc biệt là vẻ đẹp ẩn sâu trong tấm lòng những con người chị đã gặp. Ngoài cuốn sách du ký, chị dự kiến sẽ hợp tác với các nhạc sĩ để có dự án về âm nhạc dân tộc kết hợp nhạc điện tử và nhạc giao hưởng.
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, với các dân tộc, phục trang và đồ trang sức của phụ nữ luôn phong phú hơn nam giới, nhất là phụ nữ các tộc người thiểu số. Điểm chung là hoa văn trang trí đều là hình kỷ hà chắt lọc từ chính đời sống của họ, truyền thuyết về sự ra đời của tộc người như sông núi, cây, mây, các vị thần, trâu, ngựa… "Phục trang bao giờ cũng là bức chân dung văn hóa của mỗi dân tộc. Trong phục trang có truyền thống, có lịch sử, có nhân học, có nghệ thuật, có phong tục, tính tình, nếp ăn nếp mặc, nếp người… tất cả tạo thành một bảng màu rực rỡ".