Nguyễn Ái Quốc và quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Năm 1911, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bắt đầu ra đi tìm lý tưởng cách mạng sau khi phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX đã thất bại rơi vào bế tắc, các phong trào đầu thế kỷ thứ XX như Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, Duy Tân cho đến Việt Nam Quang phục hội đều không tìm được lối ra.

Nhưng lý tưởng cách mạng mà Người tìm thấy cũng chỉ có thể ở dưới ánh sáng của Cách mạng tháng Mười và cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân Pháp với sự ra đời của Đảng Cộng sản Pháp. Những tờ báo Người cùng khổ và Bản án chế độ thực dân Pháp… là những hạt giống của chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản đầu tiên gieo rắc trên đất nước ta.

Trong bối cảnh nước mất, phong trào Cần vương đã bị dập tắt. Phong trào Duy Tân bị đàn áp. Các cuộc vận động Đông Du cũng bị thất bại. Từ đầu thế kỷ XX cho đến cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, người được xem là đã “làm một cuộc cách mạng trong làng Nho”[1], đó chính là cụ Phan Bội Châu. Cụ đã từng kiên trì bạo động, đã từng tuyên truyền, cải cách… miễn sao giành lại độc lập cho non sông đất nước, nhưng cuối cùng đều thất bại. Lúc ấy lịch sử đặt ra với dân tộc ta là một thử thách thật khắc nghiệt.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930. Ảnh tư liệu

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930. Ảnh tư liệu

Một câu hỏi lớn đặt ra là trong bối cảnh như vậy: Ai là những người tiếp thu lý tưởng cách mạng mới ấy? Cũng như hạt giống phải có miếng đất gieo trồng thích hợp thì hạt giống mới nảy mầm được, nếu gặp miếng đất khô cằn thì không thể nảy mầm xanh ngọn. Người tiếp thu lý tưởng mới ấy tất nhiên không phải là những sĩ phu trái mùa trong “làng nho”, cũng không phải là tầng lớp tư sản mới hình thành, mà về căn bản, phải là những người đương mang một sứ mệnh của lịch sử, xây dựng xã hội người không bóc lột người. Theo đồng chí Trần Văn Giàu không ai khác là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, người “làm cuộc cách mạng trong tân nho, tôi (Trần Văn Giàu-TG) muốn nói trong làng Tây học, đó là Nguyễn Ái Quốc”[2].

Trong lúc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin về Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam đã phát triển tới mức độ nào? Trên thực tế, qua cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, số công nhân, kể cả lao công tại các xí nghiệp, công trường, không quá 10 vạn người, trình độ tập trung lúc ấy còn thấp, ý thức giai cấp chưa rõ rệt chưa cho phép nói lên là giai cấp công nhân đã thành hình rõ nét. Phải sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp bước vào thời kỳ phồn vinh và tư sản dân tộc Việt Nam đã có cơ phát triển thì số lượng công nhân mới tăng hẳn lên. Còn số 22 vạn thợ chuyên nghiệp [3], lấy năm 1930 làm mức, cộng với những cuộc đầu tranh lác đác nổ ra tại những nơi công nhân tập trung từ năm 1920 đến năm 1925, mới nói lên giai cấp công nhân thành hình cả về giai cấp tự nó đến giai cấp vì nó.

Ngoài giai cấp công nhân hình thành và lãnh đạo cách mạng, thì số trí thức mới xuất thân từ các tầng lớp tiểu tư sản, nhất là tầng lớp tiểu tư sản thành thị, là những người đầu tiên tiếp thu những tư tưởng tiến bộ nhất của thời đại và mạnh bạo bước vào cách mạng. Ở nước ta, những người đầu tiên tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, tổ chức cộng sản, bên cạnh một số ít người thuộc thành phần công nhân, đại đa số là trí thức tiểu tư sản, nhất là trung và tiểu trí thức.

 Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920. Ảnh tư liệu/congan.com.vn

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920. Ảnh tư liệu/congan.com.vn

Giới trí thức tiểu tư sản trong tầng lớp trung gian là những nhà giáo, công chức nghèo, người làm nghề tự do, sinh viên, học sinh bãi khóa trong dịp đòi thả Phan Bội Châu và để tang Phan Châu Trinh năm 1926. Một số đông những người này, trong những ngày đầu “tầm sư học đạo” đã hướng về Mát-xcơ-va (Liên Xô), hướng về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tìm đến giai cấp công nhân… Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vì đã nắm vững quy luật phát triển và thực tiễn cách mạng ở Việt Nam, năm 1925, trong điều kiện và hoàn cảnh, tình thế lúc bây giờ, Người đã sáng lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực tế của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, là thành phần chủ yếu là tiểu tư sản có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh lịch sử ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lập ra một tổ chức “Hội Thanh niên” lấy danh nghĩa thanh niên, nói rõ hơn là thanh niên tiểu tư sản, làm động lực là rất đúng đắn, phù hợp với thực tế, điều kiện lịch sử khi ấy. Cũng như đến giữa năm 1929, chủ trương thành lập Đảng Cộng sản lại là một tất yếu của lịch sử, là một đòi hỏi bức thiết cho cách mạng Việt Nam.

Trong bối cảnh lịch sử ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc “nổi bật lên” khi giai cấp công nhân Việt Nam vừa thành hình với một chính đảng đi theo đường lối đó. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lại nổi bật lên khi 3 tổ chức cộng sản ra đời, cùng song song tồn tại, thiếu sự nhất trí trong lãnh đạo, chỉ đạo, gây trở ngại cho phong trào cách mạng Việt Nam đang lên mạnh mẽ. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho cách mạng Việt Nam là phải có một chính đảng cộng sản của giai cấp công nhân thống nhất trong cả nước. Thực tế lịch sử Việt Nam khi ấy, đòi hỏi phải có một bộ tham mưu duy nhất để lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ dân tộc, dân chủ tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Trong bối cảnh khó tiến tới thành lập một chính Đảng thống nhất tách ra từ “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” (Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng), hay giữa “Hội Thanh niên” với Tân Việt Cách mạng Đảng (sau là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) đã rất nhiều lần tìm cách “hợp nhất”; thậm chí đến Hội nghị (Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên họp ở Hương Cảng (Trung Quốc), đầu tháng 5-1929, đoàn đại biểu Bắc Kỳ đã đề nghị: “Nếu không thành lập ngay một Đảng Cộng sản, dù công khai hay bí mật, thì không thể tập hợp được quần chúng đấu tranh dưới ngọn cờ của giai cấp vô sản được”[4]. Không được Đại hội chấp nhận, tức thì, ba đại biểu là Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự và Nguyễn Văn Tuân “tuyên bố thoát ly Đại hội” [5] bỏ hội nghị ra về.

Quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, chúng ta thấy một đặc điểm độc đáo của giai cấp công nhân Việt Nam và cũng là đặc điểm của cách mạng Việt Nam là “lãnh tụ” (hay vai trò của cá nhân kiệt xuất) đã xuất hiện trước khi giai cấp hình thành và chính Đảng tiên phong của giai cấp thành lập. Đúng lúc đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đã xuất hiện từ trước và đúng lúc của thực tế lịch sử bức thiết đang đặt ra như vậy, nên Đảng Cộng sản Việt Nam đã dễ dàng đi đến thống nhất và đường lối vạch ra của Đảng có một chỗ dựa vững chắc rút ra từ kinh nghiệm tích lũy của phong trào công nhân quốc tế. Đây là một đặc điểm “độc đáo” của cách mạng Việt Nam, cũng là đặc điểm hiếm có trong lịch sử dân tộc ta.

Từ năm 1925 đến khi Đảng được thành lập ngày 3-2-1930 trở đi, Đảng đã lãnh đạo cuộc đấu tranh đánh đổ đế quốc và phong kiến; lập ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945; lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc để đi đến thống nhất nước nhà, là cả một quá trình 30 năm (1945-1975) gian khổ, hào hùng của dân tộc ta. Lịch sử đấu tranh do Đảng Cộng sản Việt Nam đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam[6], gắn liền với vai trò lịch sử của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Con thuyền cách mạng Việt Nam trải bao sóng gió vẫn “nổi bật” lên người lái thuyền, từ mái tóc xanh đến đầu bạc trắng, rất vững tay, rất nhanh tay đưa chiếc thuyền đến bến bờ vinh quang ngày nay khi Đảng ta vừa tròn 95 năm (1930-2025) trường tồn cùng dân tộc, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc có một ý nghĩa lịch sử rất lớn.

NGUYỄN VĂN BIỂU, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[1] Trần Văn Giàu, Kết luận hội thảo khoa học về Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, in trong “Kỷ yếu Hội thảo khoa học về cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp xuất bản, 1990, tr.274.

[2] Trần Văn Giàu, Kết luận hội thảo khoa học về Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Sđd, tr.275.

[3] Số công nhân tại các xí nghiệp kỹ nghệ và thương mại là non 9 vạn người; công nhân nông nghiệp non 9 vạn người, công nhân khai mỏ hơn 5 vạn người. Tổng cộng trên 22 vạn người. Trần Huy Liệu, Lịch sử tám mươi năm chống Pháp (Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003, tr.250.

[4] Ngô Gia Tự tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr.82.

[5] Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam, Hà Nội, 1961, tr.117.

[6] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.19.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nguyen-ai-quoc-va-qua-trinh-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-811486
Zalo