Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Không chỉ là nét đẹp văn hóa, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông… trên địa bàn tỉnh đã tạo ra giá trị kinh tế, đem lại thu nhập cho người dân. Ngoài việc giữ và nâng cao tay nghề của người thợ, cần có hỗ trợ về đào tạo, nâng cao chất lượng mẫu mã, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để các sản phẩm vươn đến được thị trường lớn trong và ngoài tỉnh, tìm chỗ đứng vững chắc cho nghề dệt thổ cẩm.
Miệt mài bên khung cửi
Chúng tôi đến thăm làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống xóm Cóm, xã Đông Lai (Tân Lạc). Trước đây, nghề dệt thổ cẩm ở xóm bị mai một, có nhà dỡ bỏ cả khung cửi làm củi, nhiều người không còn mặn mà với nghề. Được HTX dệt thổ cẩm Vọng Ngàn (thị trấn Mãn Đức) hỗ trợ khôi phục từ năm 2003 đến nay, làng nghề đã có hơn 70 khung dệt. Dệt vải trong lúc nông nhàn đã trở thành công việc yêu thích và đem lại thu nhập cho nhiều chị em. Các mẹ, các chị sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm về từng hoa văn, đường chỉ, chất vải, trau dồi thường xuyên kỹ năng dệt thổ cẩm.
Bà Bùi Thị Mỉa, Phó Trưởng làng nghề dệt thổ cẩm xóm Cóm cho biết: Nghề dệt thổ cẩm của người Mường có từ hàng trăm năm nay. Khung cửi tuy thô sơ làm bằng tre, gỗ nhưng đã tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, độc đáo bằng thời gian và công sức của người thợ dệt. Sự xuất hiện của các sản phẩm ngành dệt may công nghiệp với mẫu mã đa dạng, phong phú đã đẩy nghề dệt thổ cẩm thủ công đến khó khăn. Đầu ra bấp bênh, mất nhiều thời gian mới tạo ra được sản phẩm, nhiều thợ dệt giỏi trong xóm cũng không còn mặn mà với nghề. Với ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tôi và một số thợ dệt có tâm huyết đã quyết tâm bám trụ, tìm cách khôi phục lại nghề, đưa chị em quay trở lại làm nghề, dần phát triển làng nghề với 54 thành viên như ngày hôm nay. Làng nghề hoạt động liên tục, bất cứ thời điểm nào trong năm cũng có sản phẩm cung cấp cho khách hàng”.
Thực tế, để tạo nên một tấm thổ cẩm cần trải qua khoảng 20 công đoạn: trồng bông, chăm sóc, bông sau khi được hái về nhà phải trải qua chục công đoạn nữa mới se thành những sợi chỉ và mất khoảng nửa năm dệt vải chăm chỉ mới tạo thành cạp váy, chân váy như ý. Các công đoạn đều làm thủ công hoàn toàn nên đòi hỏi người thợ phải có sự tỉ mỉ, tinh tế trong quá trình dệt mới có thể tạo ra những tấm vải rực rỡ, họa tiết cầu kỳ, hoa văn đẹp mắt. Tấm vải thổ cẩm chứa đựng tâm huyết, tình yêu của người thợ dệt gửi gắm.
Nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống
Hiện nay, những người thợ dệt lành nghề đều lớn tuổi nên việc truyền nghề gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, một số người trẻ lại không tâm huyết với nghề vì đầu ra còn bấp bênh. Xu hướng hiện đại, chạy theo mốt cũng được nhiều người trẻ chọn lựa hơn trang phục truyền thống. Thực trạng này không chỉ ở xóm Cóm mà còn ở các huyện Lạc Sơn, Mai Châu, Đà Bắc…
Bà Dương Thị Bin, HTX dệt thổ cẩm Lục Nghiệp Thành, xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) cho biết: Hiện giờ, lớp trẻ đều thích mặc trang phục hiện đại, đồ dệt thổ cẩm hầu như chỉ được dùng vào dịp lễ hội. Thói quen mặc đồ dân tộc truyền thống đang dần mai một. Mong muốn lớn nhất của tôi là được truyền nghề cho thế hệ trẻ để sau còn biết đến nghề truyền thống của dân tộc mình. Vì vậy, khi được mời tham gia dạy tại lớp đào tạo dệt thổ cẩm do huyện tổ chức, tôi dành nhiều thời gian để truyền lại kiến thức, kinh nghiệm của mình cho những người khác.
Hiện, toàn tỉnh có 6 làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm với gần 600 lao động, thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn, thăm quan nhằm nâng cao tay nghề cho phụ nữ. Khi triển khai đào tạo nghề dệt thổ cẩm, lo ngại lớn nhất là sản phẩm không có đầu ra khiến các học viên bỏ nghề. Sản phẩm thổ cẩm đa dạng, đủ mẫu mã để bán cho du khách như: túi xách, túi đựng điện thoại, mũ… giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, sản phẩm thủ công 100% cùng kỹ thuật lành nghề nên những tấm vải dệt của bà con đang thấp về giá thành.
Để giải quyết vấn đề, nhiều địa phương thúc đẩy hình thức du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa, trong đó, trải nghiệm dệt thổ cẩm được nhiều du khách chú ý; đẩy mạnh quảng bá, kết nối với các điểm bán hàng lưu niệm, các công ty du lịch, nhà phân phối để tạo điều kiện cho bà con làng nghề tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích, định hướng, phấn đấu phát triển các sản phẩm dệt trở thành sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị, từ đó người dân có nguồn thu nhập ổn định từ sản phẩm, giúp bà con gắn bó hơn với nghề truyền thống này.