Đường Hồ Chí Minh trên biển được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt

Tối 24/4, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho đường Hồ Chí Minh trên biển, điểm bến Vàm Lũng – huyện Ngọc Hiển.

Đầu năm 1960, cùng với phong trào Ðồng Khởi, Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh Nam bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào Đồng Khởi rộng khắp.

Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam bộ và Nam Trung bộ, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời.

Đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên của tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên tàu, cùng 11 thủy thủ rời bến Ðồ Sơn (Hải Phòng) tiến về Nam.

Lãnh đạo HĐND và UBND tỉnh Cà Mau nhận bằng công nhận

Lãnh đạo HĐND và UBND tỉnh Cà Mau nhận bằng công nhận

Trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, ngày 16/10/1962, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), chở theo 30 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc chuyển đến chiến trường miền Nam an toàn.

Chuyến tàu của “Đoàn tàu không số” đã khai thông tuyến vận tải chiến lược trên biển vào bến Vàm Lũng, đã đi vào lịch sử là bến đầu tiên đón nhận tàu không số của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển.

Tính đến cuối năm 1970, Cà Mau đã tiếp đón tổng cộng 76 chuyến tàu với hơn 4.200 tấn vũ khí, đạn dược từ tiền tuyến lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Cùng với các bến khác tại Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa… số lượng tàu cập bến ở Cà Mau (chủ yếu Bến Vàm Lũng) chiếm hơn 50% lượt tàu "không số", trực tiếp góp phần cùng các lực lượng vũ trang giành nhiều thắng lợi oanh liệt, qua đó làm nên đại thắng Mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Với giá trị, ý nghĩa lịch sử đặc biệt, ngày 10/11/2010 di tích Bến Vàm Lũng thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Ngày 26/11/2024 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển cho các địa phương: TP Hải Phòng (xuất bến) và các tỉnh Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau (mở bến).

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh hiện có 55 di tích được công nhận, trong đó có 11 di tích Quốc gia. Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển tại bến Vàm Lũng là di tích Quốc gia đặc biệt đầu tiên của tỉnh được công nhận. Điều này mang ý nghĩa tinh thần rất lớn trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ tỉnh tiếp tục phấn đấu để hoàn thành tốt các nhiệm đề ra trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Đường Hồ Chí Minh trên biển, điểm bến Vàm Lũng được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt

Đường Hồ Chí Minh trên biển, điểm bến Vàm Lũng được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt

Ông Luân nhân mạnh, giá trị của Đường Hồ Chí Minh trên biển nói chung và Bến Vàm Lũng nói riêng thể hiện cho sức mạnh của nhân dân, có sự đùm bọc của người dân là sẽ có được những chiến công vẻ vang; bên cạnh đó cũng thể hiện cho sự mưu trí, dũng cảm của các thế hệ đi trước trong quá trình vận chuyển vũ khí trên biển, làm tất cả để đạt mục tiêu độc lập dân tộc.

Dịp này, bên cạnh việc tổ chức lễ đón nhận, Di tích Quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển tại điểm Bến Vàm Lũng, tỉnh Cà Mau cũng tổ chức dâng hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ tại cửa biển Vàm Lũng và dâng hương tại tượng đài di tích Bến Vàm Lũng; Đồng thời tặng quà cho các hộ gia đình có công mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trần Hiếu-VOV/ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/duong-ho-chi-minh-tren-bien-duoc-xep-hang-di-tich-quoc-gia-dac-biet-post1194619.vov
Zalo