Báo in Bình Phước một thời gian khó

Khi tôi ngồi gõ những dòng này, Báo Bình Phước đã hợp nhất với Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước được gần 6 năm, trở thành một trong 2 cơ quan báo chí trong cả nước với 4 loại hình cùng phát triển. Suốt 23 năm công tác tại Báo Bình Phước và 6 năm làm cộng tác viên sau khi báo - đài hợp nhất đến nay, tôi chỉ viết báo in. Tôi yêu mến, thân thuộc với báo in Bình Phước không chỉ bởi đó là nơi mình đã gắn bó gần 1/4 thế kỷ, đã chứng kiến từ những ngày đầu gian khó nhất cho đến khi Báo Bình Phước trở thành một trong những tờ báo uy tín, thể hiện thế mạnh vượt trội trong tuyên truyền phòng, chống 'diễn biến hòa bình' của hệ thống báo Đảng địa phương. Tôi yêu mến báo in còn bởi dù nghỉ hưu đã lâu, tôi vẫn là bạn đọc thân thiết, là cộng tác viên thường xuyên của tờ báo.

Những chuyện khó quên

Những năm còn công tác, tôi có thói quen lưu trữ báo trong nhà vì không nỡ bán ve chai thành quả mà mình cùng đồng nghiệp phải vô cùng vất vả để làm nên. Khi chưa có báo điện tử, tôi thường cắt những bài báo hay, quan trọng, không chỉ trên Báo Bình Phước mà của nhiều tờ báo khác, lưu thành từng tập theo chủ đề, để khi có thời gian thì đọc lại. Thói quen ấy khiến nhà tôi trở nên chật chội và chỗ nào cũng thấy báo. Sau này, tôi thường thu gom báo, tạp chí trong cơ quan để mang tặng thầy trò Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh. Đến khi thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tất Trung nghỉ hưu mới thôi.

Nhớ năm 1997, khi tôi quyết định rời bỏ một tòa soạn báo đã có 35 năm thành lập ở phía Bắc để đầu quân cho Báo Bình Phước, bạn bè, đồng nghiệp, gia đình nhiều người nói tôi “điên”. Quả thật, dù rất hăm hở với vùng đất mới, môi trường mới, tôi đã không thể hình dung hết những khó khăn đang chờ mình ở phía trước. Cái khó đầu tiên là việc đi cơ sở. Bình Phước được tách ra từ 5 huyện khó nhất của tỉnh Sông Bé, hạ tầng giao thông vô cùng khó khăn, đường về các huyện, xã chủ yếu là đường đất đỏ. Mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi đất đỏ mù mịt. Mỗi lần đi cơ sở về, cởi bộ đồ thả vào thau nước thấy đỏ quạch. Anh chị em phóng viên đều từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung mới vào Bình Phước nên chưa quen với việc đi lại quá vất vả. Và chuyện phóng viên đi cơ sở vào mùa mưa bị té ngã là thường tình. Có lần tôi được phân công đưa tin về đoàn thiện nguyện của TP. Hồ Chí Minh về hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho đồng bào S’tiêng ở xã Đắk Nhau (huyện Bù Đăng) - xã khó khăn nhất tỉnh. Hôm ấy, trời mưa rất lớn nhưng bà con đã đội mưa ngồi chờ ở UBND xã. Thế nhưng, xe ôtô chở đoàn thiện nguyện và xe chở hàng còn cách UBND xã chừng 3km thì không thể chạy tiếp vì bùn ngập quá nửa bánh xe. Anh Bảy Thỏa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phải cho người chạy tắt vườn điều của người dân vào xã huy động thanh niên mang gùi để gùi hàng băng qua các vườn điều tập trung về UBND xã chia cho người dân.

Tác giả (thứ 2 từ phải qua) nhận bằng khen của UBND tỉnh tại lễ trao giải Cuộc thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2023

Tác giả (thứ 2 từ phải qua) nhận bằng khen của UBND tỉnh tại lễ trao giải Cuộc thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2023

Tất nhiên ai cũng muốn được sống, được làm việc trong điều kiện thuận lợi, nhưng với tôi, điều đọng lại lâu nhất, sâu nhất trong những tháng năm làm báo lại chính là những ngày mới chân ướt chân ráo vào Tòa soạn Báo Bình Phước với vô vàn khó khăn cùng những chuyến đi cơ sở đáng nhớ như thế.

Hồi Báo Bình Phước mới thành lập, phóng viên đều viết bài bằng bút mực, qua biên tập của Thư ký Tòa soạn, bản thảo nào sửa nhiều quá thì yêu cầu tác giả viết lại rồi đích thân Tổng Biên tập Hoàng Lâm hoặc Thư ký Tòa soạn Diệp Viên đưa xuống Nhà in Báo Thanh Niên để nhập liệu, dàn trang, vì Bình Phước chưa có nhà in. Trong điều kiện thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị, các công đoạn tối thiểu trong quy trình biên tập, xuất bản báo in chưa được bảo đảm nên không thể tránh được lỗi. Thường những lỗi nhỏ, thuộc về diễn đạt hay chính tả thì cho qua. Nhưng có lần báo đã đưa ra Bưu điện tỉnh phát hành mới phát hiện lỗi mang tính chính trị. Tổng Biên tập phải báo cáo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xin đình bản rồi cho người đi thu hồi lại. Cả Tòa soạn chỉ có một máy ảnh của cá nhân nên sự kiện nào quan trọng thì Tổng Biên tập cử phóng viên viết tin và phóng viên ảnh đi cùng. Phóng viên ảnh chụp theo yêu cầu của người viết tin rồi phải “chạy sô” sự kiện khác. Khó khăn, vất vả trong tác nghiệp không thể kể xiết.

Những khác biệt thú vị

Khi còn làm báo ở miền Bắc, tôi thấy có những điều “húy kỵ”. Ví như những vụ án, vấn đề tiêu cực nổi cộm ở địa phương, dù báo Trung ương, báo ngành đã “cày xới” từ lâu, nhưng báo địa phương cũng chỉ đăng tin dè dặt. Thông tin chủ yếu trên báo là các hoạt động của lãnh đạo tỉnh hoặc những bài viết mang tính khoa giáo, hàn lâm về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đó cũng là tình trạng chung của báo địa phương phía Bắc. Nhưng khi vào Bình Phước, tôi khá bất ngờ khi thấy môi trường hoạt động báo chí không bị gò bó và dung lượng tin, bài phản ánh đời sống người dân chiếm tỷ lệ khá cao trong mỗi số báo. Cách thể hiện cũng tự nhiên, gần gũi hơn. Những chuyện “không hay” như tình trạng cho vay nặng lãi ở chợ Đồng Xoài; chuyện người nuôi gà tuồn gà chết bệnh cho các quán cơm bình dân; hay nạn xin ăn, móc túi ngoài chợ... đều được sử dụng, thậm chí còn được trả nhuận bút cao hơn. Nếu ở phía Bắc, báo in được công chúng coi trọng hơn thì ngược lại ở Bình Phước, báo hình được coi trọng hơn. Thậm chí có những sự kiện dù đến giờ khai mạc nhưng vẫn phải nấn ná đợi phóng viên truyền hình tới!

Tác giả (thứ 2 từ trái qua) nhận giải Nhì tại Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tỉnh Bình Phước năm 2024

Tác giả (thứ 2 từ trái qua) nhận giải Nhì tại Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tỉnh Bình Phước năm 2024

Điều khiến tôi ngỡ ngàng là mối quan hệ rất gần gũi giữa các đồng chí lãnh đạo tỉnh với các nhà báo. Tôi đã từng nhiều lần xin đi nhờ xe của các Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thanh Phong, Nguyễn Hữu Luật, hay Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thỏa khi đi thị sát vùng sâu, vùng xa. Trên xe, lãnh đạo tỉnh trò chuyện rất cởi mở, chỉ cho mình những vấn đề mà báo chí cần quan tâm ở mỗi thời điểm cụ thể, chỉ cả những điều mà cho dù là sự thật, báo chí cũng không nên vội vàng đưa tin vì có hại cho cái chung. Đó là những điều mà suốt 10 năm làm báo ở phía Bắc, tôi chưa nhận được.

Tác giả phỏng vấn một quản đốc phân xưởng nhà máy Thủy điện Cần Đơn

Tác giả phỏng vấn một quản đốc phân xưởng nhà máy Thủy điện Cần Đơn

Tác giả phỏng vấn sư trụ trì chùa Thanh Nghiêm (thị xã Chơn Thành) tháng 3-2025

Tác giả phỏng vấn sư trụ trì chùa Thanh Nghiêm (thị xã Chơn Thành) tháng 3-2025

Từ khi báo điện tử và mạng xã hội ra đời với những tiện ích không hề nhỏ đã tạo ra bước ngoặt lớn trong hoạt động báo chí nói chung và báo in nói riêng. Có người cho rằng trong thời đại bùng nổ thông tin, báo in sẽ không còn chỗ đứng. Tuy nhiên, lợi thế của báo in là nguồn thông tin luôn được kiểm chứng; việc kiểm duyệt, biên tập được thực hiện chặt chẽ, kỹ lưỡng; các vấn đề của đời sống, kinh tế, văn hóa - xã hội... được bàn giải chuyên sâu qua những tuyến bài dài kỳ. Trong khi báo điện tử và mạng xã hội sau thời kỳ phát triển rầm rộ đã bước vào giai đoạn bão hòa. Sự ra đời của hàng trăm trang tin na ná nhau và thông tin thường không được kiểm chứng; nhiều tin, bài với nội dung nhảm nhí, xuyên tạc, đặt “tít” sai lệch với nội dung để "câu view"... khiến người đọc mất niềm tin vào tính xác thực của báo mạng.

Nhiều bạn đọc thừa nhận rằng, đọc báo in thấy thoải mái và được thư giãn hơn nhiều so với đọc trên các trang điện tử vì không mang đến cảm giác nhức mắt hay mệt mỏi và sự nghi ngờ về tính xác thực của thông tin. Với những đặc trưng của mình, hiện báo in vẫn có những nhóm độc giả trung thành là lớp người lớn tuổi và nhóm công chúng hiện đại với quan niệm sống lành mạnh. Họ không chấp nhận loại tin, bài thiếu tôn trọng bạn đọc theo kiểu sáng đăng, trưa gỡ, tối lại đăng. Thế nên ngay cả khi báo mạng phát triển cực thịnh thì các nhóm độc giả này vẫn say sưa tìm đọc báo in như một phần không thể thiếu trong đời sống thường ngày của họ. Bởi thế, đây là thời điểm thích hợp để báo in có thể lấy lại vị thế của mình. Với riêng tôi, mỗi sáng vẫn luôn mong ngóng giờ báo phát hành, để được đón nhận tờ báo in, để được ngửi mùi thơm của giấy mực và được nghe tiếng sột soạt khi lật giở từng trang báo.

Linh Tâm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/171614/bao-in-binh-phuoc-mot-thoi-gian-kho
Zalo