Cựu tù Phú Quốc ở Hải Dương và những ký ức chưa nguôi
May mắn sống sót trở về quê hương, ông Đinh Đắc Khâm, một cựu tù Phú Quốc ở thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) vẫn nhớ về một thời bom đạn và bị cầm tù.

Ông Đinh Đắc Khâm (ngoài cùng bên phải) tặng một số kỷ vật thời chiến cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Không thể kể hết tội ác của giặc
Một ngày đầu tháng 4 lịch sử, chúng tôi men theo con đường rợp bóng hàng dừa tới nhà của ông Đinh Đắc Khâm.
Hơn 50 năm kể từ khi thoát khỏi gông cùm của Trại giam Tù binh Phú Quốc, ông Đinh Đắc Khâm giờ đã quên nhiều thứ, nhưng những ngày tù ngục ở trại giam này vẫn còn mãi trong ký ức của ông.
Ông Đinh Đắc Khâm sinh ra ở làng quê nghèo với tuổi thơ đầy gian khó. Năm 14 tuổi, ông đã tham gia phục kích, gửi thư liên lạc cho cán bộ, bao vây bốt giặc. Khi giặc Mỹ bắt đầu đổ bộ đưa quân vào miền Nam, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên ấy đã tình nguyện vào Nam chiến đấu, để lại quê nhà người mẹ già, vợ và 2 con nhỏ.
Ngày 19/8/1965, ông Khâm nhập ngũ tại Sư đoàn 312, Trung đoàn 209, đóng tại tỉnh Thái Nguyên rồi sau đó được chuyển về Trung đoàn 141. Sau 4 tháng hành quân ròng rã, vượt dãy Trường Sơn, đơn vị của ông Khâm mới tới được nơi tập kết.
Trận chiến đấu ấn tượng và cũng là cuối cùng của ông Khâm vào ngày 11/7/1967. Tiểu đoàn cử ông đi đánh bộc phá số 1, mở màn cho trận đánh lớn của đơn vị. Trong trận chiến ấy, ông Khâm đã bị giặc bắt về trại tù Biên Hòa, rồi chuyển sang nhà tù Phú Quốc.
Trong ký ức của ông, nhà tù có rào dây thép gai 8 đến 10 lần. Chúng đàn áp, đánh tù binh vô cớ. Ông nhớ ngày 7/5/1970, một trại tù đấu tranh, chúng đã xả súng vào nhà tù làm chết và bị thương gần 200 người…
"Chúng lấy roi cá đuối đánh đồng chí Hải ở Kinh Môn. Lột 1/3 da lưng, thật vô cùng tàn ác. Kẻ địch còn dựng lên nhà biệt giam và chuồng cọp trong các trại tù. Không một giấy bút nào có thể kể hết tội ác của chúng… Vào mùa khô, anh em tôi mỗi người một ngày được nửa lít nước. Bảy anh em dồn lại cho một anh tắm. Nhiều tù binh ốm đau, bệnh tật cộng với sự hành hạ, tra tấn nên đã ra đi", ông Khâm nhớ lại.
Ông Khâm bị địch bắt giữ 2.049 ngày, mà phần lớn ở nhà tù Phú Quốc. Khát khao trở về bầu trời tự do, được cầm súng chiến đấu trả thù, nhiều tù binh đã tìm cách vượt ngục. Cơm tù khó nuốt, đòn tù thường xuyên giáng xuống nhưng không làm lung lay ý chí của những chiến sĩ kiên trung. Trong đó, tổ chức Đảng, Đoàn của ta vẫn bí mật hoạt động.

Dù đã 90 tuổi nhưng ông Đinh Đắc Khâm vẫn tự học mỗi ngày
Hạnh phúc ngày trở về
Giữa chốn ngục tù, người lính chưa bao giờ ngừng tin vào ngày thắng lợi của cách mạng. Sau Hiệp định Paris năm 1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tù binh được trao trả giữa các bên. Ông Khâm cùng đồng đội được thông báo tập trung, kiểm tra thông tin cá nhân và lên xe ra sân bay rồi được chở thẳng ra Phú Bài (Huế).
Ở khu vực tập trung, ông Khâm nhìn thấy lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay ở phía bờ Bắc. Trên bờ, dưới bến, bộ đội, bà con đã chuẩn bị thuyền để đón những người con xa quê trở về. Ông Khâm cùng đồng đội lặng nhìn bên này, nhìn về vùng đất giải phóng, nước mắt cứ trực trào…

Cuốn nhật ký "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng" có phần tự truyện của ông Đinh Đắc Khâm
Ở quê nhà, ngày 3/2/1972, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Hưng khi đó có giấy báo tử liệt sĩ Đinh Đắc Khâm. Chính quyền địa phương khi đó đã trang trọng làm lễ truy điệu "liệt sĩ Khâm". Năm 1973, khi được trao trả tù binh, ông Khâm không biết mình đã là "liệt sĩ".
Trong lời tựa cuốn nhật ký "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng" của thầy giáo, thương binh Đinh Đức Lâm (em trai của ông Khâm) được Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng biên soạn và giới thiệu có viết: “Một liệt sĩ sống lại là tự truyện của tù binh Phú Quốc Đinh Đắc Khâm được giới thiệu trong nửa cuối cuốn sách này. Bạn đọc sẽ bất ngờ khi biết rằng ông Khâm chưa bao giờ đến trường và mới tự học hết lớp 4, nhưng có thể làm thơ và viết tự truyện hay đến thế”.
Trở về cuộc sống đời thường, mang theo những tổn thương, dấu vết đòn roi của quân thù nhưng niềm tự hào, bất khuất của người lính Cụ Hồ vẫn luôn còn mãi trong cựu tù Đinh Đắc Khâm. Sau khi trở về địa phương, ông tham gia làm Bí thư Chi bộ thôn, Đội trưởng đội sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Tiên Động chia sẻ: "Điều khiến tôi ấn tượng về ông Khâm chính là tinh thần tự học. Năm nay đã tuổi cao, dù mắt đã mờ, nhưng ông vẫn cần mẫn tự học, đọc sách mỗi ngày"