Văn học, nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Tiếp sức mạnh tinh thần cho Hà Nội và cả nước

Trong dòng chảy văn học, nghệ thuật đất nước 50 năm qua kể từ khi đất nước thống nhất, Hà Nội luôn giữ vị trí chủ lưu với những tác phẩm văn học, nghệ thuật phong phú, hấp dẫn, chất lượng; tiếp tục trở thành nguồn sức mạnh tinh thần đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Bắt nhịp, đồng hành cùng công cuộc đổi mới

Ngày 16-4, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo với chủ đề “Văn học, nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025)” để đánh giá những thành tựu, hạn chế; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhằm xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của văn nghệ sĩ Thủ đô. Ảnh: Thụy Du

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của văn nghệ sĩ Thủ đô. Ảnh: Thụy Du

NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội nhấn mạnh, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đưa đất nước bước sang một trang sử mới, đồng thời cũng mở ra cho văn học, nghệ thuật nước nhà một không khí mới, không gian mới; giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa; phát triển trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng; qua đó bắt nhịp, cổ vũ, đồng hành với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Theo NSND Trần Quốc Chiêm, để thích ứng với tình hình mới, 50 năm qua Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển các tổ chức hội và tập hợp văn nghệ sĩ để phát triển toàn diện với 9 hội chuyên ngành, hơn 4.400 hội viên.

Với sự chỉ đạo và quan tâm sâu sát của Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội đã đạt được những thành tựu trong các hoạt động tổ chức và đầu tư sáng tác suốt nửa thế kỷ qua, tập hợp được đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ tâm huyết, sáng tạo ra nhiều tác phẩm và công trình nghệ thuật, phục vụ độc giả và công chúng Thủ đô. Các hoạt động văn học, nghệ thuật luôn gắn bó với dân tộc; nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống và lao động, sáng tạo của nhân dân; góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội, bồi dưỡng giáo dục con người, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thụy Du

NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thụy Du

Nhiều tác phẩm đã thẳng thắn đấu tranh, phê phán cái xấu, tiêu cực, những tệ nạn xã hội, sự sai trái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; bảo vệ những giá trị đạo đức, nhân văn. Bên cạnh việc sáng tác, nhiều công trình nghiên cứu lý luận, phê bình, dịch thuật đã ra đời nhằm tổng kết những giá trị văn học, nghệ thuật, giới thiệu những tinh hoa văn hóa nhân loại; khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Các đề tài lịch sử, đặc biệt là đề tài chiến tranh cách mạng và đề tài hiện đại được đề cập khá toàn diện, thể hiện đa hình thức, hấp dẫn, hiện đại, thu hút công chúng.

Dẫn chứng những tác phẩm văn học nổi bật sau năm 1975 đến nay của các nhà văn Hà Nội, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Bắc (Hội Nhà văn Hà Nội) cho rằng, văn học, nghệ thuật Thủ đô đã vận động theo hướng dân chủ hóa. Nếu trước đó văn học, nghệ thuật đề cao chức năng giáo dục, cổ vũ chiến đấu thì nay dù không xa rời mục tiêu giáo dục nhưng còn thỏa mãn nhu cầu giao tiếp, đối thoại và đặc biệt là nhu cầu giải trí, dự báo, quan tâm đến sự chia sẻ…

Theo NSND Bùi Thanh Trầm (Hội Sân khấu Hà Nội) đánh giá, văn học, nghệ thuật nói chung và sân khấu Thủ đô nói riêng đã có sự giao lưu giữa các vùng miền, tác động, ảnh hưởng và tạo ra sự đổi mới. Những vấn đề xây dựng đời sống mới, lao động sản xuất, xây dựng đất nước và những vấn đề nhức nhối mà xã hội đang quan tâm đã được phản ánh quyết liệt.

NSND Bùi Thanh Trầm cho rằng, sân khấu Hà Nội từ kịch nói, chèo, cải lương, múa rối, xiếc… đều trải qua nhiều giai đoạn, có lúc “hoàng kim” có lúc khó khăn khi cạnh tranh với các hình thức giải trí mới, nhưng hiện nay, sân khấu Hà Nội đã có sự đầu tư vượt bậc, vừa gìn giữ truyền thống vừa cập nhật hình thức hiện đại để tiếp cận và đáp ứng nhu cầu khán giả hiện nay.

Phát huy yếu tố tinh thần, đem lại những giá trị mới

Cùng với khẳng định đóng góp của văn học, nghệ thuật Hà Nội trên mặt trận chính trị, tư tưởng, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, tại hội thảo, các văn nghệ sĩ, đại biểu đã có những ý kiến đóng góp để văn học, nghệ thuật tiếp tục phát huy sức mạnh, đem lại nhiều giá trị mới cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

Các đại biểu nêu nhiều ý kiến sâu sắc, giá trị. Ảnh: Thụy Du

Các đại biểu nêu nhiều ý kiến sâu sắc, giá trị. Ảnh: Thụy Du

Đề cập đến công tác thực hành, lưu giữ và trao truyền những giá trị văn nghệ dân gian Hà Nội trong 50 năm qua, PGS.TS Trần Thị An, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho rằng, văn nghệ dân gian Thủ đô đã bước đầu tham gia vào các hoạt động công nghiệp văn hóa và cần phát huy tích cực điểm này trong thời gian tới.

“Các di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn Hà Nội được ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có thể phát huy tốt trong công nghiệp văn hóa, thể hiện ở việc trình diễn trên các sân khấu hoặc các trình diễn thực cảnh, trong chương trình cho các tour tham quan, các không gian sáng tạo của Thủ đô… Điều này góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, thu hút sự quan tâm, thưởng thức của người dân, nhất là các bạn trẻ”, PGS.TS Trần Thị An gợi mở.

Nhìn nhận ở góc độ khác, NSND Ứng Duy Thịnh (Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội) cho rằng, bên cạnh múa chuyên nghiệp, Hà Nội có phong trào nghệ thuật múa sôi nổi, đem lại thành tựu đáng kể trong đời sống xã hội. Qua các trung tâm, nhà trường, cơ quan, đơn vị... đều thấy phong trào sáng tác và biểu diễn múa quần chúng sôi động. Các cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng là những bức tranh đa sắc màu, động viên, ca ngợi lao động sản xuất. “Nghệ thuật múa giúp con người đến với nhau, đoàn kết gắn bó hơn trong cuộc sống, cùng đóng góp xây dựng Thủ đô”, NSND Ứng Duy Thịnh bày tỏ.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu (Hội Âm nhạc Hà Nội), trong 50 năm qua, âm nhạc truyền thống, giao hưởng, thính phòng ở Thủ đô đều có bước phát triển vượt bậc, có nhiều tìm tòi giao thoa, thể nghiệm để tiếp cận công chúng. Phát triển sôi động nhất là nhạc giải trí. Từ pop-rock, giới trẻ nhanh chóng bắt nhịp với R&B, ballad, jazz, hiphop, rap, acoustic…; tiếp đến indie, meanstream, underground… Cách làm nhạc, nghe nhạc, quảng bá âm nhạc cũng phát triển mạnh trên nền tảng số…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng, môi trường và điệu kiện hoạt động, thưởng thức nghệ thuật mở rộng phong phú chưa từng thấy như vậy cũng nảy sinh nhiều vấn đề và cần nâng cao trình độ quản lý âm nhạc nói riêng, văn học, nghệ thuật nói chung để xây dựng nền văn học, nghệ thuật Thủ đô phù hợp với thời đại mà vẫn hài hòa, cân đối, độc đáo, nhân văn.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/van-hoc-nghe-thuat-thu-do-50-nam-sau-ngay-dat-nuoc-thong-nhat-tiep-suc-manh-tinh-than-cho-ha-noi-va-ca-nuoc-699134.html
Zalo