Bảo hiểm nhân thọ FWD vừa bị xử phạt vì 'lôi kéo khách hàng bất chính': Nhân viên được trả lương lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm

Trong năm 2023, tổng chi phí nhân viên của Bảo hiểm nhân thọ FWD là hơn 653 tỷ đồng. Trong năm này, hãng bảo hiểm có 525 nhân viên. Nếu chia trung bình có thể thấy, trong một năm, mức lương nhân viên nhận lên tới hàng tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính mới nhất được công bố, nửa đầu năm 2024, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam ghi nhận lợi nhuận trước thuế 291 tỷ đồng, tăng 70,8% so với cùng kỳ. Song, đến hết tháng 6.2024, FWD vẫn lỗ lũy kế hơn 5.800 tỷ đồng.

Dù còn khoản lỗ hơn 5.800 tỷ đồng, tuy nhiên, thu nhập của của nhân viên FWD được ghi nhận trong báo cáo tài chính vẫn cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của thị trường lao động tại Việt Nam. Nửa đầu năm 2024, doanh nghiệp này chi 314 tỷ đồng trả lương cho 482 nhân viên (số liệu nêu trong báo cáo tài chính). Như vậy, nếu chia trung bình, mỗi tháng công ty chi hơn 104 triệu đồng cho mỗi nhân viên.

Tại báo cáo tài chính năm được công bố mới nhất, trong năm 2023, tổng chi phí nhân viên của Bảo hiểm nhân thọ FWD là hơn 653 tỷ đồng. Trong năm này, hãng bảo hiểm có 525 nhân viên. Nếu chia trung bình có thể thấy, trong một năm, mức lương nhân viên nhận lên tới hàng tỷ đồng.

Trước đó, vào năm 2022, Bảo hiểm nhân thọ FWD chi phí nhân viên hết hơn 647 tỷ đồng, chia đều trên tổng số 551 nhân viên, mức lương trung bình năm rơi vào hơn 1,1 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia tài chính, kinh tế, trong ngành bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, việc có một đội ngũ nhân viên giỏi và nhiệt huyết là yếu tố quyết định đến sự thành công dài hạn. Việc chi trả lương cao có thể là chiến lược của FWD để thu hút những nhân tài trong ngành, đặc biệt trong một thị trường cạnh tranh gay gắt. Nhân viên chất lượng giúp công ty phát triển nhanh chóng và mở rộng mạng lưới khách hàng. Đặc biệt, trong khi cần mở rộng thị trường, tăng nguồn thu từ các hợp đồng bảo hiểm để xóa hết lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ, FWD càng cần giữ chân những nhân viên có năng lực.

Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường một cách “quá nóng” sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Điển hình như mới đây, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam bị Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công thương) xử phạt hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh với số tiền 200 triệu đồng.

Theo quyết định xử phạt, Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam đã đăng tải một số thông tin chưa chính xác như: "Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam là thương hiệu số 1 về trải nghiệm khách hàng 4 năm liên tục trong ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam", "danh mục loại trừ ít nhất thị trường","100% thanh toán không dùng tiền mặt và không hồ sơ giấy", "công ty bảo hiểm đầu tiên phân phối qua kênh thương mại điện tử", "mạng lưới phân phối đa dạng và rộng nhất Việt Nam".

Qua chứng cứ thu thập được, cơ quan chức năng nêu rõ FWD Việt Nam đã thực hiện hành vi lôi kéo khách hàng bất chính bằng hình thức đưa thông tin gây nhầm lẫn về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác theo quy định tại Luật Cạnh tranh.

 Ông Anantharaman Sridharan, CEO của Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam (Nguồn ảnh: TT)

Ông Anantharaman Sridharan, CEO của Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam (Nguồn ảnh: TT)

Theo tìm hiểu, CEO của Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam hiện tại là ông Anantharaman Sridharan. Dữ liệu kinh doanh cho thấy, Ông Sridharan gia nhập FWD Việt Nam với một nền tảng kinh nghiệm sâu rộng trong ngành bảo hiểm và tài chính, đặc biệt là trong việc lãnh đạo các công ty bảo hiểm ở các thị trường mới nổi tại châu Á.

Khôi Ngô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-hiem-nhan-tho-fwd-vua-bi-xu-phat-vi-loi-keo-khach-hang-bat-chinh-nhan-vien-duoc-tra-luong-len-den-hang-ty-dong-moi-nam-post404504.html
Zalo