Bảo đảm thống nhất trong quy định các đối tượng thuộc 'nhóm dễ bị tổn thương'
Thảo luận tại Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Phú Yên), một số ĐBQH đề nghị, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm sự thống nhất trong việc quy định các đối tượng thuộc 'nhóm dễ bị tổn thương' tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Các ĐBQH tán thành việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay.

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Phú Yên). Ảnh: Hồ Long
Bên cạnh đó, đánh giá tính hiệu quả của cơ chế Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện để bảo vệ quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công trong trường hợp không có người khởi kiện. Trên cơ sở đó, sau khi kết thúc thí điểm sẽ tiến hành tổng kết, đưa ra đề xuất, kiến nghị phù hợp.
Về phạm vi điều chỉnh, theo quy định tại khoản 1 Điều 1 và khoản 2, khoản 3 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết, Viện kiểm sát nhân dân được thí điểm “khởi kiện vụ án dân sự công ích” để bảo vệ quyền dân sự của nhóm dễ bị tổn thương, gồm 6 nhóm: trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em; người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi; người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật; phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi theo quy định của pháp luật; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự; người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật.

ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Hoàn toàn nhất trí đối với 6 nhóm như quy định tại dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên, ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ, khu trú thêm về các nhóm này để bảo đảm tính chặt chẽ của quy định. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, quy định đầy đủ, chặt chẽ phạm vi “lợi ích công”.
Cùng quan điểm, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) chỉ rõ, qua thực tế nghiên cứu cho thấy, quy định liệt kê như vậy chưa bao hàm được hết các đối tượng là người dễ bị tổn thương. Dự thảo Nghị quyết mới chỉ đề cập đến phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, vậy người phụ nữ là mẹ đơn thân, người phụ nữ bị bạo lực gia đình, người nghèo, người không có việc làm, người bị nhiễm HIV/AIDS và mắc bệnh hiểm nghèo khác, người là nạn nhân của hành vi mua bán người thì có thuộc nhóm đối tượng yếu thế hay không?

ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Mặt khác, những đối tượng nêu trên cũng là những người cần được bảo vệ, do đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm bao hàm đầy đủ các đối tượng bởi nếu bỏ sót thì trong quá trình thực thi cũng có thể sẽ gặp khó khăn, vướng mắc.
Điều 8 dự thảo Nghị quyết quy định 6 nhóm biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ gồm: thu thập, ủy thác thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu, dữ liệu điện tử, vật chứng; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý; trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản; trưng cầu ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn; lấy lời khai, tiến hành đối chất; xem xét, thẩm định tại chỗ, kiểm tra, đánh giá hiện trường; các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
Trong đó biện pháp “kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu, dữ liệu điện tử, vật chứng” được thể hiện ở giai đoạn trước khi khởi kiện, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, đây là hoạt động hết sức cần thiết, tránh vấn đề lạm quyền, lạm dụng quy định và có những tác động đến quá trình khởi kiện.
Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị, sau khi nghị quyết được ban hành, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy định cụ thể tại các văn bản quy định chi tiết về hướng dẫn thực hiện các điều khoản thí điểm theo nhiệm vụ, quyền hạn; tránh chồng chéo với các nhiệm vụ của Tòa án, đồng thời phù hợp với các nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng Dân sự và pháp luật có liên quan.