Dở khóc dở cười vì 'đất mình, ngõ người'
Nhiều khu vực có lối đi chung, hẻm chung được thỏa thuận miệng giữa các hộ dân từ nhiều năm. Tuy nhiên, khi nảy sinh bất đồng với hàng xóm, nhiều người rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi đất không có lối đi hợp pháp.
Khổ vì đường đi phải dựa vào hàng xóm
Thẫn thờ vì mảnh đất 6 tỷ đồng mua để đầu tư rơi vào tình trạng "đi cũng dở, ở không xong", anh Đặng Duy Linh ngậm ngùi: "Mọi chuyện bắt đầu khi tôi mua mảnh đất ở xã Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) với giá tốt, pháp lý đầy đủ. Trên giấy tờ, ngõ dẫn vào mảnh đất được ghi nhận là ngõ chung. Nhưng chỉ vài tuần sau khi ký hợp đồng mua bán, hàng xóm tuyên bố ngõ là của họ, tôi không có quyền đi ngõ này".

Mảnh đất của nhà chị Kim Anh bị rào chắn ngang ngõ, không có lối đi.
Vô cùng ngỡ ngàng, anh tìm hiểu mới biết, mảnh đất này được chia từ lô đất lớn và con ngõ là đất của nhà bên cạnh cho đi nhờ.
"Lần đầu, địa chính làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ghi nhận ngõ chung, nên về mặt pháp lý, tôi hoàn toàn có quyền sử dụng. Tuy nhiên, sau đó, mọi chuyện nảy sinh", anh Linh kể lại.
Theo anh, muốn bán đất cũng không ai dám mua. Hàng xóm dựng cổng sắt chắn ngang ngõ, mở quán trà đá án ngữ lối vào, rồi treo biển "Khu vực tranh chấp, cấm đi lại". Mỗi lần dẫn khách đến xem đất, khách không quay trở lại.
"Tôi bị mắc kẹt ba năm nay. Hồ sơ pháp lý, giấy tờ, biên bản hòa giải chất đống trên bàn làm việc, hóa đơn tiền thuê luật sư ngày một dày. Tiền treo ở đất, tâm trí treo ở việc tranh chấp, tôi thực sự kiệt sức", anh Linh buồn rầu.
Theo anh Duy Linh, hiện vụ việc đã được khiếu kiện ra tòa và đang đợi phân giải của Tòa án Nhân dân huyện Chương Mỹ.
Từ bài học trên, anh Linh rút ra bài học kinh nghiệm: Không vội vàng xuống tiền chỉ vì giá tốt hay sổ đỏ "sáng sủa". Thay vào đó, cần kiểm tra kỹ, từ pháp lý đến thực tế, từ thông tin của hàng xóm, môi giới địa phương, đến hợp đồng rõ ràng, tránh mệt mỏi và tổn thất, tranh chấp về sau.
Hàng xóm xây tường bịt lối đi
Tương tự, mảnh đất của chị Kim Anh nằm liền kề ngõ số 2 và ngõ số 4 đường trục xã Kim An, thuộc thôn Ngọc Liên (xã Kim An, Thanh Oai, Hà Nội) cũng bị hàng xóm xây tường chắn lối đi, do tranh chấp lối đi chung.

Ngõ nhà anh Linh bị hàng xóm xây dựng chắn lối vì tranh chấp.
"Trước đây, nhà tôi chưa có nhu cầu sử dụng đến ngõ số 2, nên không đi lối đó. Khi có ý định mở lối đi ngõ số 2, gia đình tôi đã hỏi chính quyền về nguồn gốc và được biết, đây là đất công cộng do Nhà nước quản lý và trong ngõ có 6 hộ gia đình được quyền sử dụng ngõ này", chị Kim Anh nói.
Tuy nhiên, sau khi mở lối đi sang ngõ số 2, nhà hàng xóm không để cho gia đình chị Kim Anh sử dụng, họ xây bịt lối đi và khẳng định là đất "các cụ để lại".
Việc tranh chấp lối đi không chỉ gây ảnh hưởng tới tình làng, nghĩa xóm mà còn khiến cho cuộc sống hằng ngày của gia đình chị Kim Anh bị đảo lộn.
Trao đổi với Báo Xây dựng, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Kim An cho biết, qua tiếp nhận đơn của công dân, xã đã xác minh với các cụ cao tuổi trong thôn Ngọc Liên và trên cơ sở bản đồ địa chính năm 1962, bản đồ năm 1997, giấy chứng nhận của các hộ gia đình cung cấp, ngày 7/10/2024, xã đã có văn bản xác nhận ngõ số 2 đường trục xã Kim An là ngõ đi công cộng.
Ông Hải khẳng định, để giải quyết dứt điểm tranh chấp, thời gian tới, UBND xã sẽ báo cáo UBND huyện Thanh Oai giải quyết theo quy định của pháp luật.
Cẩn trọng để tránh phiền toái
Ông Trần Tiến Thành, chuyên gia môi giới, tư vấn đầu tư bất động sản độc lập cho biết, câu chuyện của anh Duy Linh và chị Kim Anh không quá lạ lẫm.
"Mảnh đất dù đẹp nhưng không có đường đi hợp pháp thì không thể tách thửa, không được xây dựng, không thể công chứng sang tên bình thường và không thể bán lại dễ dàng, trừ khi gặp người không hiểu luật", ông Thành nói.
Ông Quốc Bảo, đại diện sàn phân phối nhà đất Kim Điền cảnh báo: Trên thực tế, việc chấp nhận mua đất ở những vị trí không có thông tin quy hoạch mở đường hoặc bị bao bọc xung quanh bởi đất của những chủ sở hữu khác sẽ gặp nhiều khó khăn, bất tiện, phiền hà.
Loại bất động sản này thường được bán rẻ nhưng người mua sẽ phải trả thêm chi phí khác như chi phí mua thêm đất để mở đường đi; chi phí làm thủ tục, giấy tờ liên quan... Vì vậy, trước khi mua bán, người mua nên xem xét kỹ.
"Mua đất không có đường đi tiềm ẩn nhiều rủi ro và không phải lựa chọn tốt nhất cho việc định cư lâu dài", ông Bảo cảnh báo.
Có thể yêu cầu mở lối đi?
Đất không có đường đi hay lối đi là phần diện tích đất của người ở phía bên trong bị vây bọc xung quanh những bất động sản của chủ sở hữu khác, người sở hữu đất không có lối đi ra đường lớn, hoặc không có đủ lối đi. Đất không có đường đi cũng có thể được xác định là những thửa đất khi tra cứu trên bản đồ địa chính không thể hiện trên bản đồ phần đường đi vào và thường xảy ra tranh chấp lối đi.
Luật sư Nguyễn Thụy Hân, phụ trách Cộng đồng ngành Luật của Công ty CP LawSoft cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu thửa đất bị vây bọc bởi các bất động sản khác, không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu đất liền kề dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Quá trình yêu cầu mở lối đi cần đảm bảo tính thuận tiện và hợp lý cho cả hai bên.
Việc mở lối đi có thể yêu cầu đền bù hoặc không phải đền bù, tùy thuộc vào hai bên thỏa thuận và hoàn cảnh cụ thể. Việc xác định vị trí của lối đi phải được thỏa thuận để thuận lợi cho việc đi lại và giảm thiểu phiền hà cho người có đất bị yêu cầu mở lối đi.
Trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận chung về việc mở lối đi, luật sư cho biết, quyền quyết định sẽ thuộc về tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác tham gia giải quyết, nhằm đảm bảo tính hợp lý và công bằng trong quá trình mở lối đi.
Theo chuyên gia Trần Tiến Thành, khi mua đất phải kiểm tra chắc chắn có tên đường trong bản đồ quy hoạch, có lối đi được Nhà nước công nhận, có xác nhận rõ ràng từ chính quyền địa phương thì mới nên "xuống tiền".
"Một bất động sản tốt không chỉ đẹp trên bản vẽ, mà phải có đường đi rõ ràng cả về giấy tờ lẫn thực tế, tránh tranh chấp về sau", ông Thành nhấn mạnh.