Bảo đảm sức khỏe cho các đối tượng xã hội
Với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe cho các đối tượng, đặc biệt là người có công với cách mạng, người cao tuổi và trẻ em.
Với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe cho các đối tượng, đặc biệt là người có công với cách mạng, người cao tuổi và trẻ em.
Chăm sóc chu đáo
Hiện nay, Trung tâm BTXH tỉnh chăm sóc, nuôi dưỡng 273 đối tượng xã hội. Trong đó, có nhiều trường hợp đa bệnh tật, mắc các bệnh mạn tính và có nhiều bệnh lý nền. Với sự bùng phát và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trung tâm đã chủ động tuyên truyền về cách phòng, chống dịch, chú trọng chế độ dinh dưỡng, hướng dẫn cách luyện tập thể thao phù hợp, nâng cao sức khỏe cho các đối tượng; đồng thời quản lý chặt chẽ, không để các đối tượng ra môi trường bên ngoài nhằm hạn chế lây nhiễm dịch. Bà Nguyễn Thị Tám (90 tuổi) đang sống tại trung tâm cho biết: “Tôi vào đây ở đã hơn 5 năm và được chăm sóc, nuôi dưỡng rất chu đáo. Đặc biệt, hơn 1 tháng qua, chúng tôi được thăm khám sức khỏe, phát thuốc, rửa tay trước khi ăn, chất lượng các bữa ăn được nâng cao hơn. Mọi người còn được phát khẩu trang, hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh”.
Tại Nhà Dưỡng lão và an dưỡng thuộc Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công tỉnh đang chăm sóc, nuôi dưỡng 8 đối tượng người có công với cách mạng. Các cụ có độ tuổi từ 73 đến 93 và phần lớn có nhiều bệnh lý về tim mạch, huyết áp. Do vậy, lãnh đạo trung tâm đã bố trí nhân viên y tế trực 24/24 giờ, thực hiện đo thân nhiệt, khám bệnh 2 lần/ngày; khử khuẩn toàn bộ khuôn viên nhà ở, trang bị khẩu trang, nước rửa tay cho các cụ; tăng cường hoạt động vật lý trị liệu; tổ chức ngâm chân thuốc bắc 1 lần/tuần. Đồng thời, tạm dừng mọi hoạt động thăm và đưa các cụ về nhà thăm gia đình, người thân. Đặc biệt, chế độ sinh hoạt, chất lượng ăn uống hàng ngày của các cụ được nâng cao. Cụ ông Tạ Văn Sinh (92 tuổi) chia sẻ: “Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trung tâm đã nâng mức quản lý, chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho chúng tôi nên ai cũng rất an tâm và thực hiện nghiêm những biện pháp phòng, chống dịch”.
Những ngày này, các đối tượng tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh cũng nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt hơn. Cơ sở đang chăm sóc, quản lý, điều trị hơn 500 học viên. Đây là những đối tượng mang tính chất đặc thù như: rối loạn tâm thần, sức khỏe suy giảm nên cần được sống trong môi trường an toàn tuyệt đối. Do vậy, đơn vị đã tiến hành phun khử trùng tại các khu vực phòng ở, phòng ăn, khu vực sinh hoạt chung; thường xuyên kiểm tra thân nhiệt và sức khỏe của các đối tượng, cân đối nguồn dinh dưỡng trong các bữa ăn; tạm dừng tiếp nhận người cai nghiện mới cũng như các hoạt động thăm, gặp người thân để hạn chế lây nhiễm vi rút từ bên ngoài. Cùng với đó, cơ sở phân công bộ phận thường trực theo dõi, nắm bắt những vấn đề liên quan để kịp thời đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp…
Áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch
Ông Chu Văn Công - Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh cho biết, hàng ngày, đơn vị phun thuốc khử khuẩn toàn trung tâm; trang bị nước, xà phòng rửa tay khử khuẩn cho các đối tượng vệ sinh toàn bộ khu nhà ở. Các đối tượng thường xuyên được đo thân nhiệt; ghi chép rõ lịch trình, khai báo về y tế của những người đến trung tâm. Đặc biệt, nguồn thực phẩm luôn được duy trì đảm bảo dinh dưỡng, rõ về nguồn gốc, xuất xứ. Trung tâm đã bố trí, sắp xếp, giãn khoảng cánh bàn ăn, nơi ngủ nghỉ của các đối tượng. Thời gian qua, trung tâm thực hiện nghiêm ngặt việc tiếp nhận các đối tượng lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh tập trung về cơ sở. Đến nay, trung tâm đang quản lý, chăm sóc 26 đối tượng. Hầu hết những người này cách ly riêng, được điều tra rõ ràng về lịch trình đi, ở; kiểm tra về sức khỏe và trang bị đầy đủ đồ dùng, khẩu trang, nước sát khuẩn. Các đối tượng này phần lớn ở ngoài tỉnh và được trung tâm liên hệ với người nhà, địa phương nhưng phải chờ cách ly hết 14 ngày mới bàn giao cho gia đình, địa phương. Hiện nay, mỗi đối tượng tại trung tâm chỉ được hỗ trợ 900.000 đồng/người/tháng, trong khi vật giá tăng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nên nguồn vận động hỗ trợ bị giảm mạnh. Do vậy, UBND tỉnh cần quan tâm bổ sung thêm kinh phí suất ăn và trang thiết bị, vật tư cho trung tâm trong giai đoạn này”.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, toàn tỉnh có 8 cơ sở xã hội công lập và 10 cơ sở ngoài công lập chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 1.100 đối tượng. Thời gian qua, sở đã liên tục chỉ đạo, yêu cầu các cơ sở tăng cường công tác phòng, chống dịch và chăm sóc, bảo đảm sức khỏe cho các đối tượng. Đồng thời, thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở BTXH. Trong thời gian tới, các cơ sở xã hội trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp, góp sức cùng cả hệ thống chính trị chống dịch hiệu quả.
VĂN GIANG