10 mẹo giúp con bạn tránh bị bạn bè tác động tiêu cực

Ở tuổi mới lớn, khi tâm lý còn chưa ổn định, trẻ có thể dễ bị cuốn vào những tình huống khó khăn do áp lực từ bạn bè, như sợ xa lánh, chê cười. Cha mẹ cần dạy trẻ đối phó với điều này.

1. Duy trì giao tiếp tốt với con: Duy trì giao tiếp tốt và củng cố mối quan hệ với con cái là điều cơ bản để trẻ vượt qua những khoảnh khắc khó khăn. Điều quan trọng là cho con cái biết rằng cha mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe và nói chuyện với chúng về bất kỳ chủ đề nào. Bằng cách này, bạn tạo ra nền tảng để con tin tưởng bạn và cảm thấy rằng có thể trò chuyện về những tình huống khó xử với bạn bè. Ảnh: Pexels.

2. Gặp gỡ bạn bè của con: Cha mẹ nên làm quen với bạn bè của con, bằng cách mời trẻ tới nhà, tạo không gian riêng cho chúng với đồ ăn ngon và tâm trạng vui vẻ. Điều này giúp cha mẹ thiết lập các quy tắc ứng xử và hiểu rõ hơn về những gì trẻ nói chuyện và điều khiến chúng quan tâm. Một mẹo khác là làm quen với các phụ huynh của con để hiểu về cách họ nuôi dạy. Ngoài ra, việc có mối quan hệ tốt với bạn của con hay cha mẹ chúng giúp bạn thu thập được thông tin liên quan đến con khi bạn vắng mặt. Ảnh: Pexels.

3. Khuyến khích con gặp gỡ người mới: Một trong những lý do khiến trẻ áp lực là muốn có bạn bè, được chấp nhận và thuộc về một nhóm mang lại cho chúng sự an toàn. Nếu cha mẹ khuyến khích và hỗ trợ con tham gia các hoạt động khác nhau, chúng có thể gặp gỡ những người bạn mới, có cơ hội vun đắp tình bạn trong các môi trường khác nhau và tránh việc chỉ muốn chơi cùng một nhóm. Ảnh: Pexels.

4. Dạy con nghĩ về hậu quả: Để giúp trẻ em đưa ra quyết định an toàn hơn, ngoài việc dạy chúng những hành vi nào sai trái hoặc rủi ro, bạn cần khuyến khích con suy nghĩ về hậu quả đối với bản thân và người khác khi hành động. Ví dụ, nếu con tham gia vào kế hoạch bạo lực học đường với nhóm bạn, nạn nhân có thể bị tổn thương và cảm thấy buồn. Để hạn chế, cha mẹ có thể hỏi trẻ những câu như "Nếu con bị bắt nạt, con thấy như thế nào?", "Điều này có khiến con cảm thấy tự hào về bản thân sau này không?". Ảnh: Freepik.

5. Đặt ra "mã" an toàn trong trường hợp cần giúp đỡ: Đây là một biện pháp giúp trẻ em thoát khỏi rắc rối khi chúng cảm thấy không thoải mái hoặc sợ hãi trong một tình huống. Các mã này có thể là từ, cụm từ mà trẻ sử dụng để cha mẹ đến tìm chúng mà không cần nói với bạn bè lý do thực sự - tránh cảm giác xấu hổ hoặc khó xử. Ảnh: Pexels.

6. Dạy con biết nói "không": Đôi khi, ngay cả người lớn cũng thấy khó nói lời từ chối. Vì vậy, cha mẹ cần làm gương cho con bằng cách thể hiện rõ ràng giới hạn trong cuộc sống. Điều này không chỉ giúp trẻ hiểu rằng nói "không" là điều bình thường mà còn giúp trẻ học cách từ chối một cách lịch sự và tự tin khi đối mặt với áp lực từ bạn bè. Ảnh: Freepik.

7. Dạy con cách phản ứng nếu không thể từ chối: Nếu con không muốn từ chối ngay lập tức, bố mẹ có thể gợi ý cho con một cách khác. Con có thể khéo léo "đổ lỗi" cho bố mẹ, ví dụ như "Các bạn đừng rủ tớ làm thế nhé, bố mẹ tớ mà biết thì tiêu". Cách này giúp con từ chối một cách khéo léo mà không làm mất lòng bạn bè. Ngoài ra, thay vì từ chối thẳng thừng, con có thể gợi ý một hoạt động khác thú vị hơn. Ảnh: Freepik.

8. Thực hành: Để giúp con tự tin hơn trong việc từ chối, cha mẹ có thể cùng con thực hành. Giống như diễn tập cho một vở kịch, con sẽ được đặt vào những tình huống thực tế, nơi con cần nói "không". Điều này giúp trẻ sẽ dần hình thành những phản xạ tự nhiên và biết cách ứng phó một cách khéo léo. Ảnh: Freepik.

9. Hạn chế và để ý việc con dùng mạng xã hội: Trong thời đại số, mạng xã hội dường như là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của thanh thiếu niên. Tuy nhiên, việc tiếp xúc quá nhiều với môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, như áp lực xã hội, bắt nạt trực tuyến... Hãy cùng con lập kế hoạch cụ thể về thời gian sử dụng các thiết bị điện tử, quan tâm đến những gì con đang xem trên mạng và giúp con hiểu rõ về những mặt trái của nó. Ảnh: Freepik.

10. Giúp con phát triển lòng tự trọng: Điều rất quan trọng là cần xây dựng cho trẻ lòng tự trọng và sự tự tin lành mạnh. Điều này khiến chúng ít có khả năng chịu thua trước áp lực từ người khác. Hãy tôn trọng sở thích của con, khen ngợi thành tích và hành vi tốt của trẻ, cũng như cho con thấy rằng bạn tin tưởng chúng. Ảnh: Freepik.

Ngọc Bích

Theo Bright Side

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/10-meo-giup-con-ban-tranh-bi-ban-be-tac-dong-tieu-cuc-post1519927.html
Zalo