Bảo đảm bộ máy chính quyền vận hành thông suốt khi sắp xếp, tinh gọn
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) bảo đảm vận hành bộ máy chính quyền thông suốt trong quá trình sắp xếp, tinh gọn.
Sáng 15-2, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên họp; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp.
![Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_8_51482760/6a60a6a295ec7cb225fd.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Phân quyền gắn với nguồn lực và kiểm soát quyền lực
Thảo luận tại phiên họp, quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, cho ý kiến.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND các cấp, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) nhận định, tổ chức hoạt động của UBND các cấp còn chưa tinh gọn, nặng về điều hành của tập thể, chưa phát huy hết thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch UBND, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả, tính kịp thời trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương.
Từ đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần trao quyền cho Chủ tịch UBND các cấp mạnh mẽ hơn nữa, đề cao vai trò cá nhân của người đứng đầu UBND để quyết định kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền, trừ các vấn đề thuộc thẩm quyền tập thể thì phải thông qua đa số và cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp để bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Đồng tình với các quy định về phân cấp, phân quyền, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị tăng cường kiểm soát quyền lực khi phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các cấp chính quyền địa phương. Trong đó, việc ủy quyền dựa trên nguyên tắc nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định; tạo sự linh hoạt, chủ động, nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ…
![Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) phát biểu tranh luận. Ảnh: media.quochoi.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_8_51482760/aa6879aa4ae4a3bafaf5.jpg)
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) phát biểu tranh luận. Ảnh: media.quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) đề nghị cân nhắc một số quy định về phân cấp, phân quyền để tránh việc mỗi địa phương thực hiện theo trình tự, thủ tục khác nhau cho cùng một vấn đề.
Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật Thủ đô năm 2024 cũng như một số nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương đã quy định cấp trên được điều chỉnh trình tự thủ tục khi ủy quyền cho cấp dưới theo quy định của Luật, Nghị quyết. Đại biểu Đoàn Hà Nội cũng đề nghị dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm, cơ chế để cơ quan nhà nước ở trung ương theo dõi, điều chỉnh trình tự, thủ tục để các cơ quan được giao quyền thực hiện hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, nếu chỉ phân cấp, phân quyền mà không bảo đảm năng lực thực thi thì sẽ không mang lại lợi ích thiết thực. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung phân quyền gắn với nhân lực, ngân sách, năng lực thực hiện; cấp nào có đủ năng lực thì thực hiện phân quyền, nếu chưa đủ thì phải có lộ trình nâng cao năng lực.
“Đề nghị Chính phủ ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả phân quyền, quy định rõ địa phương nào đủ điều kiện thực hiện thẩm quyền được giao, đồng thời, có cơ chế thu hồi thẩm quyền của địa phương thực hiện không hiệu quả”, đại biểu nói.
![Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_8_51482760/b35e619c52d2bb8ce2c3.jpg)
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Nghiên cứu mở rộng mô hình chính quyền đô thị
Từ cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả và thực tiễn các địa phương đang thực hiện chính quyền đô thị mang lại kết quả rất tốt, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) và đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, trong khi chưa thể đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn, thì cần mạnh mẽ đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị giống như các nơi đã và đang thí điểm hiệu quả.
“Đây sẽ là cơ sở thực hiện tốt cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước”, đại biểu Trần Quốc Tuấn nói.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đồng tình với việc dự thảo Luật tiếp tục theo quy định hiện hành (tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND). Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục tổng kết, đánh giá một cách toàn diện về việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương, trên cơ sở đó đề xuất mô hình phù hợp để thực hiện một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước.
![Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: media.quochoi.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_8_51482760/2684f746c4082d567419.jpg)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: media.quochoi.vn
Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cốt lõi, trọng tâm của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương là 3 vấn đề: Phân định, làm rõ, hoàn thiện việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương để thực hiện phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; xây dựng cơ chế, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ để tháo gỡ những “điểm nghẽn”, vướng mắc hiện đang tồn tại trong các luật chuyên ngành, bảo đảm thực hiện hiệu quả nguyên tắc phân cấp, phân quyền, ủy quyền; sửa đổi căn bản, toàn diện Luật nhưng cũng bảo đảm tính ổn định trước mắt để vận hành bộ máy chính quyền địa phương thông suốt trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội đều ủng hộ tư duy đổi mới rất mạnh mẽ trong tổ chức chính quyền địa phương, ủng hộ quyết tâm đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo Luật với chất lượng cao nhất, trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại cuối kỳ họp.