Cần cơ chế kiểm soát quyền lực khi 'trao quyền' cho Chủ tịch UBND các cấp

Ngày 15/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi). Đa số ĐBQH nhất trí với phạm vi sửa đổi và đóng góp hoàn thiện các quy định liên quan đến phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp…

Toàn cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi).

Cho ý kiến về dự án Luật, ĐBQH Nguyễn Duy Minh – Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đề nghị bổ sung quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp theo hướng: Tăng trách nhiệm, quyền hạn để Chủ tịch UBND các cấp được quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp mình, các vấn đề UBND thảo luận tập thể và quyết định theo đa số, trừ các vấn đề phải thông qua cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp và đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Ông Nguyễn Duy Minh nêu quan điểm: "Khi được trao quyền thực chất như vậy, hoạt động quản lý nhà nước của UBND các cấp được xử lý nhanh chóng, kịp thời, theo kịp thực tiễn và yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và xã hội".

ĐBQH Nguyễn Duy Minh – Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng.

ĐBQH Nguyễn Duy Minh – Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, do dự thảo được thiết kế theo tư duy "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" và "phân cấp phân quyền mạnh mẽ để khơi thông các nguồn lực phát triển đất nước". Vì vậy, đại biểu cho rằng, nếu nội dung Luật này thiếu những thiết chế, cơ chế kiểm soát quyền lực có hiệu lực, hiệu quả khi chính quyền địa phương được phân cấp phân quyền mạnh mẽ thì có thể xảy ra các trường hợp tiêu cực,.. Đại biểu đề nghị cần bổ sung vào Điều 4 của dự thảo Luật về nguyên tắc "tăng cường kiểm soát quyền lực khi được phân cấp, phân quyền, ủy quyền".

ĐBQH Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

ĐBQH Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

ĐBQH Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, Hiến pháp đã quy định rõ HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, UBND là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương – là cơ quan chấp hành của HĐND. Đại biểu băn khoăn về quy định cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương được phân cấp cho cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; tập thể UBND phân cấp cho cá nhân Chủ tịch UBND cấp dưới như quy định tại khoản 1, Điều 14; đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ hơn về vị trí, chức năng của từng chủ thể.

Còn ĐBQH Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng cần xem xét thận trọng để có thể thiết kế lại cho phù hợp với đặc điểm của khu vực đô thị và đặc điểm của khu vực nông thôn. Để Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, sau khi được ban hành có tuổi thọ cao, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, trong khi chưa thể đổi mới được Tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn, cần mạnh mẽ đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị giống như các địa phương đã và đang thí điểm hiệu quả, đây sẽ là cơ sở thực hiện tốt cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến quan điểm sửa đổi luật; nguyên tắc phân cấp, phân quyền, ủy quyền; cơ chế khuyến khích cho chính quyền địa phương đề nghị phân cấp; mô hình tổ chức chính quyền đô thị; nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận, hầu hết các ý kiến thảo luận đều thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ, ủng hộ đổi mới, ủng hộ quyết tâm đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới, với những nội dung và giải pháp mạnh mẽ.

Sau phiên họp này, UBTVQH sẽ phối hợp với Chính phủ, các cơ quan có liên quan tiếp thu nghiêm túc, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-co-che-kiem-soat-quyen-luc-khi-trao-quyen-cho-chu-tich-ubnd-cac-cap-169250215165339161.htm
Zalo