Địa phương khó khăn có được phân quyền?
Quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Sáng nay (15/2), tiếp tục nội dung của Kỳ họp bất thường lần thứ 9 - Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, cho ý kiến.
![Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên họp (Nguồn: Quốc hội)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_600_51484954/425980d3b39d5ac3038c.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên họp (Nguồn: Quốc hội)
Đảm bảo sự công bằng khi phân quyền
Thảo luận về quy định phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương, đại biểu đề nghị cần sửa đổi và quy định cụ thể nhằm cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, nếu chỉ phân cấp, phân quyền mà không bảo đảm năng lực thực thi thì sẽ không mang lại lợi ích thiết thực. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung phân quyền gắn với nhân lực, ngân sách, năng lực thực hiện; cấp nào có đủ năng lực thì thực hiện phân quyền, nếu chưa đủ thì phải có lộ trình nâng cao năng lực. “Đề nghị Chính phủ ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả phân quyền, quy định rõ địa phương nào đủ điều kiện thực hiện thẩm quyền được giao, đồng thời, có cơ chế thu hồi thẩm quyền của địa phương thực hiện không hiệu quả”, đại biểu nói.
![Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Nguồn: Quốc hội)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_600_51484954/3ca6fd2cce62273c7e73.jpg)
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Nguồn: Quốc hội)
Trái ngược với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết thêm về quy định Điều 12 quy định phân cấp, phân quyền “phải đảm bảo đủ điều kiện về tài chính, nguồn lực và các điều kiện khác” là “rất khó thực hiện vì hiện nay những địa phương nào thu ngân sách cao, nguồn lực có đầy đủ thì mới được phân quyền, còn những địa phương khó khăn, địa phương nghèo thì không được phân quyền hay sao?”, đại biểu đặt câu hỏi. Do vậy phải có sự thống nhất vì khi đã nói tới phân quyền, phân cấp, nếu địa phương thiếu về nguồn lực, nhân lực hay tài chính thì trung ương phải đảm bảo, hỗ trợ. Như vậy mới đảm bảo được sự công bằng của pháp luật.
Ý kiến này cũng trái ngược với quan điểm của đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) khi thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) vào sáng 14/2, khi đề cập cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc “phân quyền có điều kiện”. Đại biểu đề nghị “Chỉ phân quyền khi địa phương đủ năng lực tài chính, nhân lực, quản trị; xây dựng chỉ số đánh giá năng lực quản trị của từng địa phương trước khi phân quyền; tăng cường giám sát của Trung ương với việc thành lập Hội đồng kiểm soát phân quyền để giám sát chặt chẽ việc thực hiện”. Về phân cấp, đại biểu đề xuất bổ sung cơ chế “thẩm định hiệu quả phân cấp”, trong đó, quy định rõ nhiệm vụ nào bắt buộc phải có báo cáo đánh giá hằng năm; các quyết định phân cấp phải được Quốc hội giám sát định kỳ; cần áp dụng nguyên tắc “phân cấp linh hoạt”, đối với các địa phương chưa đủ năng lực, cần có chế tài kiểm soát chặt chẽ thay vì giao toàn bộ quyền hạn.
![Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp (Nguồn: Quốc hội)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_600_51484954/c7f80072333cda62832d.jpg)
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp (Nguồn: Quốc hội)
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND các cấp, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) nhận định, tổ chức hoạt động của UBND các cấp còn chưa tinh gọn, nặng về điều hành của tập thể, chưa phát huy hết thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch UBND, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả, tính kịp thời trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương.
Từ đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần trao quyền cho Chủ tịch UBND các cấp mạnh mẽ hơn nữa, đề cao vai trò cá nhân của người đứng đầu UBND để quyết định kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền, trừ các vấn đề thuộc thẩm quyền tập thể thì phải thông qua đa số và cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp để bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Đồng tình với các quy định về phân cấp, phân quyền, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị tăng cường kiểm soát quyền lực khi phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các cấp chính quyền địa phương. Trong đó, việc ủy quyền dựa trên nguyên tắc nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định; tạo sự linh hoạt, chủ động, nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ…
![Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam (Nguồn: Quốc hội)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_600_51484954/0d9cc816fb5812064b49.jpg)
Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam (Nguồn: Quốc hội)
Giữ nguyên mô hình chính quyền địa phương
Một trong những nội dung được đại biểu đề cập tại phiên thảo luận là cơ cấu lại mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Đại biểu tỉnh Trà Vinh) băn khoăn khi mô hình tổ chức chính quyền địa phương trong dự thảo "không có gì đổi mới, đi ngược với xu hướng tinh gọn bộ máy hiện nay". Ông nhấn mạnh chủ trương của Đảng qua nhiều kỳ đại hội đều chỉ đạo phải đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị và đặc điểm nông thôn, hải đảo. Thực tiễn cũng cho thấy, sau khi sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, TP. Đà Nẵng, TP. HCM và TP. Hải Phòng đã được Quốc hội cho phép thực hiện chính quyền đô thị một cấp và mang lại hiệu quả.
![Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh (Nguồn: Quốc hội)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_600_51484954/7053bad9899760c93986.jpg)
Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh (Nguồn: Quốc hội)
"Chúng ta đang thực hiện cuộc Cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, thì tổ chức chính quyền địa phương cũng cần phải được thiết kế lại, phù hợp với đặc điểm của đô thị và đặc điểm của nông thôn", ông Tuấn nói, cho rằng việc này cũng không trái với Hiến pháp. Do vậy ông đề nghị nghiên cứu trong khi chưa đổi mới được tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn thì cần mạnh mẽ đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị để thúc đẩy sự phát triển.
Cùng quan điểm, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đồng tình mô hình chính quyền địa phương như dự luật trong đó có cả HĐND và UBND. Đại biểu nhấn mạnh "không thể không có HĐND cấp xã". Tuy nhiên, thời qua đang thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị có những thành công nhất định, nên ông đề nghị nghiên cứu mô hình này để có thể thực hiện chung trên cả nước.
Tiếp thu và giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà lý giải việc cơ quan chủ trì thẩm tra và soạn thảo thống nhất giữ nguyên mô hình chính quyền địa phương như hiện nay "nhằm đảm bảo tính ổn định tổng thể của cả hệ thống chính trị. Nếu điều chỉnh ngay sẽ có hẫng hụt trong vận hành hệ thống tổ chức và mô hình chính quyền địa phương. Vì vậy, mô hình vẫn tạm thời giữ nguyên và đề nghị đại biểu ủng hộ phương án này”.
Bà cho biết Bộ Nội vụ đã phối hợp Ban Tổ chức Trung ương để đánh giá, nghiên cứu tổng thể mô hình tổ chức trong đó có tổ chức chính quyền địa phương. Chính quyền đô thị vẫn thực hiện theo các nghị quyết của Quốc hội. Đô thị trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Cần Thơ hay TP. Huế có thể đề xuất điều chỉnh.
![Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Nguồn: Quốc hội)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_600_51484954/ad8f6405574bbe15e75a.jpg)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Nguồn: Quốc hội)
Trước đó, khi trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vào chiều ngày 12/2, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, dự thảo Luật gồm 7 chương, 50 điều (giảm 93 điều so với Luật hiện hành). Quan điểm xây dựng luật là quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, nhất là xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại.
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như Luật hiện hành. Theo đó, tại tất cả các đơn vị hành chính các cấp tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. Quy định này để bảo đảm việc tiếp tục thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại một số thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Thủ đô và các Nghị quyết của Quốc hội.
Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND các cấp, dự thảo Luật quy định theo hướng: quy định nguyên tắc xác định số lượng đại biểu HĐND trên cơ sở quy mô dân số, đặc điểm vùng miền và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn; Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định số lượng đại biểu HĐND, khung số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND, khung số lượng các Ban của HĐND; Giao thẩm quyền cho HĐND quyết định thành lập các Ban và quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND bảo đảm phù hợp với thực tiễn của địa phương; Giao Thường trực HĐND được quyết định biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; điều chỉnh dự toán, phân bổ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách hằng năm và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
Theo kế hoạch dự kiến, tại ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp này tức thứ Tư - ngày 19/2, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).