Báo Cờ Giải phóng - hào khí đấu tranh cách mạng

Tờ báo Cờ Giải phóng do đồng chí Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh trực tiếp phụ trách, biên tập, phát hành trong giai đoạn 1942-1945. Nội dung 'Cờ Giải phóng' như ngọn lửa làm bùng lên hào khí đấu tranh cách mạng. Vinh dự với phường Tiên Phong (TP. Phổ Yên) được Xứ ủy Bắc Kỳ tin tưởng, lựa chọn, đặt cơ sở in ấn bí mật và tiếp tục phát hành báo trong điều kiện cam go, ác liệt.

Di tích lịch sử Quốc gia, địa điểm bãi Soi Quýt, nơi đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh được 2 bố con ông lão đánh cá đưa từ Vân Xuyên, Hoàng Vân (Bắc Giang) vượt sông Cầu tập kết an toàn.

Di tích lịch sử Quốc gia, địa điểm bãi Soi Quýt, nơi đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh được 2 bố con ông lão đánh cá đưa từ Vân Xuyên, Hoàng Vân (Bắc Giang) vượt sông Cầu tập kết an toàn.

Bấy giờ là vùng đất Tiên Thù thưa vắng người, giao thông đi lại chật vật, đời sống kinh tế của người dân khó khăn, nhưng sớm được giác ngộ cách mạng, ai nấy đồng lòng theo Đảng - ông Ngô Văn Mạc, 64 tuổi, tổ dân phố Yên Trung 2 bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một niềm tự hào.

Bên ấm trà, câu chuyện rôm rả như hoa ngoài vườn đang đua nở giữa xuân. Nhìn trời mưa rơi rả rích, ông Mạc đằm lòng: Ngôi nhà gia đình tôi đang ở là của cụ Hoàng Thị Úc. Tôi là cháu nội nên được thừa kế. Ở là một chuyện, truyền thống gia đình mới là niềm tự hào… Tôi nhìn theo ánh mắt của gia chủ thấy tấm biển bằng vữa xi măng đắp trực tiếp vào tường nhà, trên đó ghi dòng chữ: “Nhà bà Hoàng Thị Úc (tức bà Tỳ), nơi Xứ ủy Bắc Kỳ đặt cơ sở in Báo Cờ Giải phóng (1942)”.

Vợ chồng ông Ngô Văn Mạc cùng các cháu nội trước ngôi nhà của cụ Hoàng Thị Úc, nơi in Báo Cờ Giải phóng.

Vợ chồng ông Ngô Văn Mạc cùng các cháu nội trước ngôi nhà của cụ Hoàng Thị Úc, nơi in Báo Cờ Giải phóng.

Từng chữ đơn sơ bình dị như nét phấn thầy cô viết lên tấm bảng dạy học trò. Nhưng với các thế hệ cháu con phường Tiên Phong bây giờ thì đó là một niềm tự hào về truyền thống cách mạng trên quê hương, một bài học lịch sử địa phương cần ghi nhớ. Vâng! Nhà còn đây mà chứng nhân lịch sử đã về với thế giới người hiền.

Ngày xưa, cụ Úc cũng như rất nhiều người dân trong vùng sớm được giác ngộ cách mạng, sẵn sàng ủng hộ cán bộ Việt Minh. Việc nhường nhà, ủng hộ lương thực, thực phẩm nuôi, giấu cán bộ Việt Minh xuất phát từ tấm lòng yêu nước chân thành, không mảy may tính toán thiệt hơn. Chính vì thế, trong thời kỳ trước ngày đất nước giành lại độc lập, nhân dân có quyền tự do, vùng đất này được Xứ ủy Bắc Kỳ tin tưởng, lựa chọn làm An toàn khu II trong suốt thời gian 1939-1945.

Tấm biển di tích được viết trực tiếp lên tường nhà của cụ Úc.

Tấm biển di tích được viết trực tiếp lên tường nhà của cụ Úc.

Đội màn trời đầy mưa, chúng tôi đến thăm gia đình ông Ngô Văn Thọ, tổ dân phố Yên Trung 2. Ông Thọ cho biết: Tôi là cháu nội của cụ Ngô Hải Long. Trước năm 1945, ngôi nhà này là địa chỉ tin cậy cho nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ ở và làm việc, trong đó có đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng; đồng chí Hoàng Quốc Việt, Thường vụ Trung ương Đảng. Các đồng chí trong Xứ ủy là Nguyễn Hải Lục, Nguyễn Trọng Tỉnh cùng nhiều cán bộ khác.

Ông dừng lời chỉ cho chúng tôi xem lá thư do Tổng Bí thư Trường Chinh và đồng chí Hoàng Quốc Việt gửi cho gia đình được treo trang trọng ở gian chính giữa ngôi nhà. Tôi thấy rất ấn tượng vì đó là cách thể hiện sự biết ơn của những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước đối với người dân từng cưu mang, đùm bọc, chở che lúc đất nước đang hồi gian nan; đồng thời thể hiện được tấm lòng trân quý của người dân với đức hy sinh cao cả của cán bộ cách mạng vì việc nước.

Đến thăm ngôi nhà của cụ Lưu Thị Phận, tổ dân phố Ao Cả, chúng tôi thấy ngôi nhà đã được sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn giữ được dáng vẻ của ngày xưa. Bởi thế, tôi cũng như nhiều người khi về đây, đứng trước tấm bia ghi dấu mốc lịch sử gắn trực tiếp vào tường nhà đều liên tưởng về một thời “Giặc lùng, giặc bắt, giặc vây”.

Ông Nguyễn Văn Công, cháu của cụ Phận, cho biết: Hồi bấy giờ, Xứ ủy Bắc Kỳ đã tin tưởng, chọn nhà của cụ tôi làm địa điểm bí mật đưa, đón cán bộ, phát hành Báo Cờ Giải Phóng và các tài liệu quan trọng. Cũng ngôi nhà này, các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng đã bí mật tổ chức một số cuộc họp quan trọng. Ghi nhận công lao của gia đình, Nhà nước đã gắn bia di tích, trên đó ghi rõ: “Nhà bà Lưu Thị Phận, nơi họp triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì, tháng 5-1941”.

Làng nghề gỗ mỹ nghệ Giã Trung (phường Tiên Phong, TP. Phổ Yên) tạo việc làm có thu nhập ổn định cho hơn 600 người lao động trong vùng.

Làng nghề gỗ mỹ nghệ Giã Trung (phường Tiên Phong, TP. Phổ Yên) tạo việc làm có thu nhập ổn định cho hơn 600 người lao động trong vùng.

Liên quan đến năm tháng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là sự kiện xảy ra đêm 20, rạng ngày 21/11/1942, lớp huấn luyện cán bộ ở Vân Xuyên do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh tổ chức bị lộ. Giặc Pháp và tay sai vây bắt, lùng sục ráo riết. Trong nguy khốn, đồng chí Trường Chinh được hai bố con ông lão đánh cá đưa sang khu Soi Quýt an toàn… Không chỉ đùm bọc, bảo vệ an toàn cho cơ sở cách mạng, nhân dân trong vùng còn tích cực tham gia đấu tranh, phá càn, giúp cán bộ Việt Minh đi lại, phát hành Báo Cờ Giải phóng đến các tỉnh vùng Việt Bắc; Bắc Giang, Hà Nội và một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Trở lại ngôi nhà của cụ Úc, ông Mạc nói vô tư: Ngôi nhà này, vợ chồng tôi đã 2 lần làm lại. Lần 1 năm 1965, lần 2 năm 1989. Năm 2024, gia đình vừa thuê thợ về đảo lại mái ngói để tránh bị dột mưa. Còn chuyện ngày xưa, ngôi nhà này đã in ấn, xuất bản bao nhiêu số báo thì các cụ không kể rõ.

Phải thôi. Vì bấy giờ cách mạng hoạt động bí mật, nên gia đình cụ Úc không biết tại ngôi nhà mình ở Xứ ủy Bắc Kỳ đã in ấn, phát hành bao nhiêu số báo. Song sử sách còn ghi: Báo Cờ Giải phóng số 1 ra ngày 10/10/1942. Số 33 là số cuối cùng ra ngày 18/11/1945. Nhân bài viết này, chúng tôi xin đưa thêm thông tin: Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Báo Cờ Giải phóng phát hành 15 số. Số 15 ra ngày 17/7/1945. Số 16 ra ngày 12/9/1945 - kể từ số báo này, Báo Cờ Giải phóng xuất bản công khai tại Hà Nội. Báo Cờ Giải phóng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình kể từ xuất bản số 33, ra ngày 18/11/1945.

Cây đa đồng chí Hoàng Quốc Việt trồng tặng cán bộ, nhân dân phường Tiên Phong (TP. Phổ Yên) năm 1988.

Cây đa đồng chí Hoàng Quốc Việt trồng tặng cán bộ, nhân dân phường Tiên Phong (TP. Phổ Yên) năm 1988.

Tất cả đã đi vào sử xanh đất nước. Nhưng lòng người còn khắc ghi, ngày 7/11/1988 trong dịp về thăm cơ sở cách mạng Tiên Phong, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã trồng tặng cán bộ, nhân dân một cây đa tại giữa sân nhà làm việc của phường, thể hiện lòng trân trọng với những người có công lao bảo vệ Đảng; đồng thời nhắc nhở các thế hệ con cháu phường Tiên Phong không ngừng phát huy truyền thống yêu nước, tích cực xây dựng quê hương ngày càng thịnh vượng, văn minh.

Chí Cường

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/100-bao-chi-cach-mang-viet-nam/202502/bao-co-giai-phong-hao-khi-dau-tranh-cach-mang-01f096b/
Zalo