Bandung - câu chuyện thành công nhờ kết nối nguồn lực

Bandung thành công trong việc tạo ra những không gian sáng tạo nhưng bài học mà thành phố này truyền đi không chỉ là mô hình phát triển, mà còn là khả năng gắn kết cộng đồng, phát huy nhân tố con người vì mục tiêu chung.

Trung tâm Sáng tạo Bandung, nơi ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng của thành phố.

Trung tâm Sáng tạo Bandung, nơi ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng của thành phố.

Thành phố Bandung, thủ phủ của tỉnh Tây Java ở Indonesia, là nơi sinh sống của 2,6 triệu cư dân, trong đó, 70% là những người dưới 40 tuổi. Kể từ năm 2015, thời điểm gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế, chính quyền Bandung đã cam kết mạnh mẽ trong việc kích thích nền kinh tế sáng tạo thông qua việc triển khai các trung tâm mới, khu vực công nghiệp, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và tổ chức các sự kiện. Chương trình đổi mới tăng tốc phát triển khu vực (PIPPK) và hệ thống tín dụng Melati đã cung cấp, hỗ trợ tài chính giúp khuyến khích tài năng và ươm tạo các ngành công nghiệp sáng tạo mới. Trung tâm Sáng tạo Bandung (BCC) được thành lập trong năm 2018, là một địa điểm để các bên liên quan ở cả cấp quốc gia và quốc tế thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm và ý tưởng sáng tạo.

Ngoài ra, Bandung cũng xây dựng một công viên công cộng theo chủ đề dành riêng cho Mạng lưới các thành phố sáng tạo dưới nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau, cũng như giới thiệu sự đa dạng của các nền văn hóa đô thị. Đây cũng là nơi giúp tăng cường hợp tác với các thành phố sáng tạo khác thông qua Lễ hội sáng tạo, sự kiện chung và hội thảo. Bên cạnh đó, chính quyền Bandung đã đặt mục tiêu và thành lập 30 trung tâm sáng tạo, hỗ trợ 100.000 doanh nhân sáng tạo mới trong 5 năm để nâng cao nền kinh tế địa phương.

Trên thực tế, 56% hoạt động kinh tế của Bandung liên quan đến thiết kế, trong đó thời trang, thiết kế đồ họa và phương tiện truyền thông kỹ thuật số là 3 phân ngành hàng đầu trong nền kinh tế sáng tạo của địa phương. Trong số hơn 100 trường đại học ở đây, ít nhất 14 trường có chuyên ngành về nghệ thuật, thủ công, thiết kế, kiến trúc và văn hóa. Bandung cũng là nơi có hơn 12 cơ sở công nghiệp chiến lược quốc gia và các trung tâm nghiên cứu, thu hút những người lao động có tay nghề và trình độ học vấn từ khắp cả nước. Do có nguồn nhân lực dồi dào này, Bandung được biết đến là nơi đi đầu xu hướng về thời trang, âm nhạc, phim ảnh và các hình thức nghệ thuật đại chúng khác. Các học viện, doanh nghiệp, cộng đồng, chính quyền và phương tiện truyền thông giúp tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi cho nền kinh tế sáng tạo. Ngoài ra, tinh thần tự lập kết hợp thái độ khởi nghiệp quyết đoán, ý tưởng độc đáo đã trở thành đặc điểm chính của các cộng đồng sáng tạo tại Bandung.

Trong gần 1 thập niên qua, với nhiều sáng kiến do nhóm dân số trẻ của thành phố thúc đẩy, Bandung đã gặt hái thành công thông qua việc tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị và lễ hội để chia sẻ kiến thức. Các sự kiện cho phép học viên và học giả trao đổi chuyên môn liên quan đến nhiều thách thức đô thị khác nhau, ví dụ như quản lý chất thải, giao thông công cộng, các vấn đề về sức khỏe, định cư và xây dựng bản sắc văn hóa. Nhiều chương trình và sự kiện do thành phố tổ chức đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho người tham gia, như Diễn đàn Thành phố sáng tạo Bandung (BCCF) nhằm mục đích thúc đẩy mạng lưới các thành phố sáng tạo. Hội nghị Thành phố sáng tạo cũng là một nền tảng quan trọng để thảo luận về phát triển đô thị bền vững và chia sẻ ý tưởng, chẳng hạn như các nỗ lực tìm ra cách sáng tạo để cải thiện tính bền vững của thành phố. Với việc thành lập Design Action, BDG Workshop, Bandung hy vọng tìm ra giải pháp cụ thể cho các vấn đề đô thị thông qua sự tham gia của công dân bằng cách cải thiện không gian công cộng hòa nhập bằng thiết kế. Những sân chơi này đã tạo điều kiện cho người dân liên tục làm mới bản thân, đưa ra những ý tưởng sáng tạo để định hình sự phát triển của thành phố.

Trên hành trình trở thành thành phố thiết kế của thế giới, các kế hoạch phát triển của Bandung không thể tách rời 3 ưu tiên hàng đầu về con người, địa điểm và ý tưởng cùng 3 định hướng tư duy gồm kể lại thiết kế như một cách suy nghĩ, sáng tạo như một cầu nối chính sách và tạo mẫu như một giải pháp. Mạng lưới các doanh nghiệp ở Bandung cũng đưa ra lộ trình nhiều bước, từ việc đào tạo để người dân sáng tạo hơn đến biến thành phố trở thành một nơi thú vị, nhiều không gian sáng tạo, nhiều không gian cho mọi người vui chơi, đưa nghệ thuật vào cuộc sống.

Theo ông Zayad Minty, một chuyên gia về văn hóa và tái thiết đô thị của Nam Phi, Bandung là một thành phố đầy cảm hứng vì những thử nghiệm chưa từng có ở Đông Nam Á. Chính sách phát triển lấy người dân làm trung tâm, đồng thời khai khác triệt để những ý tưởng sáng tạo đã giúp thay đổi xã hội, mang đến diện mạo cởi mở, độc đáo của Bandung ngày nay.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bandung-cau-chuyen-thanh-cong-nho-ket-noi-nguon-luc-686135.html
Zalo