Bắc Kạn: Chuyển đổi số hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh

Thời gian qua, chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhiều nông hộ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của các hợp tác xã trong toàn tỉnh mà còn thay đổi bộ mặt nông thôn Bắc Kạn.

Nâng cao đời sống vật chất người dân nông thôn

Quá trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng phục vụ chuyển đổi số tại các địa phương.

Tỉnh đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông tại các xã, phường, thị trấn nhằm bảo đảm hoạt động thông tin liên lạc thông suốt. Chính quyền cấp cơ sở cũng được bổ sung, nâng cấp hệ thống thiết bị công nghệ thông tin, máy tính để bảo đảm cấu hình, yêu cầu của thiết bị phục vụ triển khai các ứng dụng cho cán bộ, công chức. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn và 97% (1.250/1.292) thôn, bản được phủ sóng di động.

Tổng số thuê bao điện thoại là 355.492 thuê bao; số thuê bao điện thoại thông minh (smartphone) đạt 293.080 thuê bao (chiếm 89.9% dân số); mật độ thuê bao điện thoại đạt 100,9 thuê bao/100 dân; số thuê bao truy nhập Internet băng rộng (bao gồm di động và cố định FTTH) đạt 366.897 thuê bao (đạt tỷ lệ 112% dân số). Tỷ lệ hộ gia đình có băng rộng cáp quang FTTH đạt 71%;

Bắt đầu từ năm 2023, tỉnh lựa chọn 8 xã, phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số. Các xã điểm được Sở Thông tin và Truyền thông cùng 8 sở, ngành, 4 doanh nghiệp bưu chính-viễn thông và UBND các huyện, thành phố hỗ trợ với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: Rà soát, hoàn thiện lại hệ thống mạng LAN, thiết bị CNTT; chứng thư số chuyên dùng phục vụ việc ký số điện tử cho cán bộ, công chức, trong đó tập trung là cán bộ công chức bộ phận 1 cửa để số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính theo quy định, mua sắm máy tính/máy scan cho bộ phận 1 cửa từ nguồn kinh phí UBND tỉnh giao; lắp đặt điểm wifi công cộng, tập trung tại bộ phận 1 cửa để phục vụ người dân, doanh nghiệp đến giao dịch hoặc các khu vực nhiều cửa hàng mua bán, cấp phát điện thoại thông minh; tổ chức Ngày hội chuyển đổi số; triển khai mô hình Chợ 4.0; tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã thúc đẩy hoạt động bán hàng online, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Hoạt động đã mang lại hiệu quả tích cực cho các đơn vị địa phương, thay đổi đáng kể nhận thức và tạo nên làn sóng chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực. Qua đó, mang lại những thay đổi trong triển khai xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, thúc đẩy xã hội số tại địa phương.

Người dân phường Sông Cầu (TP Bắc Kạn) nhận hỗ trợ điện thoại thông minh.

Người dân phường Sông Cầu (TP Bắc Kạn) nhận hỗ trợ điện thoại thông minh.

Đặc biệt, tỉnh phát động chương trình quyên góp ủng hộ điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành tại 8 xã, phường thí điểm chuyển đổi số. Điện thoại thông minh hỗ trợ cho người dân được cài đặt, cập nhật đầy đủ các tính năng, ứng dụng cơ bản, đáp ứng tra cứu thông tin liên lạc nhanh chóng và trực quan; cập nhật thông tin nhanh chóng, sử dụng làm phương tiện nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến thông qua các DVCTT của tỉnh và thanh toán trực tuyến tiện lợi, sử dụng ứng dụng chữ ký số công cộng và các ứng dụng số thông minh, tham gia mua bán trực tuyến và làm phương tiện học tập, làm việc từ xa hiệu quả, qua đó sử dụng được dịch vụ viễn thông 3G/4G góp phần xây dựng chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin cá nhân trên môi trường số.

Trong năm 2024, UBND tỉnh chủ trương duy trì và nhân rộng mô hình xã điểm chuyển đổi số tại 11 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh nhằm tiếp tục phát huy những hiệu quả đạt được trong mô hình chuyển đổi số cấp xã của năm 2023. Các xã được chọn làm điểm mô hình chuyển đổi số tiếp tục được các sở ngành hỗ trợ về cơ sở vật chất, hạ tầng, đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức kỹ năng cho người dân trong chuyển đổi số.

Chuyển đổi số để xây dựng nông thôn mới thông minh

Nhằm tập trung nguồn lực, thực hiện đồng bộ các nhóm nội dung, giải pháp về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, tháng 10/2023, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 202 3- 2025.

Cụ thể hóa kế hoạch này, cuối năm 2023, Ngành Nông nghiệp tỉnh đã lựa chọn 2 hợp tác xã để triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt là Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Thành Đạt (thôn Nà Nạc, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn) và Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Toàn Dân (thôn Cọn Poỏng, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn).

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt ứng dụng công nghệ nhà kính với hệ thống phun tưới nước tự động

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt ứng dụng công nghệ nhà kính với hệ thống phun tưới nước tự động

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Công nghệ cao Thành Đạt và HTX Thương mại và Dịch vụ Toàn Dân thành lập từ năm 2021, phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết và xây dựng hệ thống sản xuất khép kín từ giống đến bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Sau một thời gian hoạt động, 2 HTX này đều đã đạt những thành tựu đáng kể. Hiện cả hai HTX này đều đang mở rộng diện tích trồng các loại cây như bí xanh, dưa lưới, dâu tây trên địa bàn và các xã lân cận.

Trên cơ sở khảo sát thực tế, Ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ lắp đặt cho 2 hợp tác xã hệ thống các thiết bị hiện đại như Bộ điều khiển IOT, quạt đảo (kiểm soát độ ẩm), hệ làm mát (cooling Par), đèn led bổ sung ánh sáng, hệ thống tưới tự động (phun sương, nhỏ giọt)... Sau khi được lắp đặt và đưa vào hoạt động, hệ thống thiết bị hiện đại đã góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất của các hợp tác xã theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần bước đầu hình thành khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ổn định chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Song song với việc nâng cao chất lượng cây trồng, hai hợp tác xã cũng chú trọng chuyển đổi số trong khâu quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, với nhiều hình thức bán sản phẩm qua mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử. Đồng thời từng bước thử nghiệm phát triển sản xuất gắn với du lịch nông thôn, qua đó mang lại hướng đi mới mẻ cho các hợp tác xã khác trong tỉnh.

Trong năm 2024, Ngành Nông nghiệp Bắc Kạn tiếp tục khảo sát và hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp khác của tỉnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tin tưởng rằng, các mô hình chuyển đổi số lĩnh vực trồng trọt trong tương lai không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp số trên địa bàn tỉnh mà còn từng bước xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn ngày càng phát triển.

Theo Thu Hiền (TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH BẮC KẠN)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bac-kan-chuyen-doi-so-huong-toi-xay-dung-nong-thon-moi-thong-minh-2347766.html
Zalo